Hoàn thiện quy định về kiểm soát tài sản của người có chức vụ

Ủy ban Tư pháp đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần cần xây dựng quy định kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi người trong xã hội; hoàn thiện các quy định về kiểm soát thu nhập của người có chức vụ.
Hoàn thiện quy định về kiểm soát tài sản của người có chức vụ ảnh 1Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Nguồn: TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 14, sáng 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 cho thấy, kết quả phòng, chống tham nhũng thời gian qua đã có tác dụng răn đe nhất định, tạo được sự thay đổi tích cực; tuy nhiên vẫn chưa thực sự mang tính đột phá.

Tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi. Công tác phòng, chống tham nhũng tại các địa phương còn yếu, chưa đồng đều. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này do thể chế, chính sách về quản lý kinh tế-xã hội trên một số lĩnh vực còn bất cập, sơ hở. Việc tổ chức thực hiện pháp luật còn yếu kém. Một số nơi còn buông lỏng quản lý để xảy ra vi phạm, tham nhũng. Công tác đánh giá trách nhiệm của cán bộ, công chức trong quản lý còn hạn chế…

Báo cáo của Chính phủ cũng nhận định, tình hình tham nhũng năm 2018 dự báo sẽ có dấu hiệu giảm. Sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và nỗ lực của các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, nhất là việc kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng sẽ củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân, có tác dụng răn đe rõ rệt; vừa cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng vừa khích lệ các nhân tố tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng.

[Việc xử lý người đứng đầu để xảy ra tham nhũng vẫn bị xem nhẹ]

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, Ủy ban Tư pháp cho rằng, Báo cáo chưa phản ánh thật đầy đủ thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 và chưa nêu được một số chuyển biến nổi bật của công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng so với năm 2016. Một số tồn tại, hạn chế nêu còn sơ lược, thiếu các thông tin, địa chỉ cụ thể; chưa đề ra giải pháp mang tính đột phá và lộ trình cụ thể để khắc phục những hạn chế của công tác phòng, chống tham nhũng đã tồn tại qua nhiều năm.

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, trong những năm gần đây, đánh giá về tình hình tham nhũng, tại các văn kiện, nghị quyết của Đảng cũng như phản ánh của người dân và doanh nghiệp“tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng”. Bên cạnh đó, ngày 26/12/2016, Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa X đã nhận định công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí;” “Tham nhũng, lãng phí với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên diện rộng, cản trở sự phát triển kinh tế-xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, đang là vấn đề thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước.”

Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn căn cứ đánh giá về tình hình tham nhũng trong năm 2017 và căn cứ dự báo tình hình tham nhũng năm 2018 sẽ tiếp tục giảm.

Về kê khai tài sản, thu nhập, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, trong năm 2017 số lượng bản kê khai là rất lớn, nhưng chỉ xác minh đối với 77 người/1.113.422 người đã kê khai (chiếm 0,007%). Kết quả xác minh phát hiện 3 trường hợp vi phạm, giảm nhiều so với các năm trước (năm 2016 xác minh đối với 414 người, năm 2015 xác minh đối với 1.225 người). Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai tài sản, thu nhập không trung thực nhưng không được phát hiện, xử lý. Việc giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm trong một số trường hợp còn chưa hợp lý. Thực trạng trên cho thấy, biện pháp phòng ngừa này còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp.

Để khắc phục hạn chế, bất cập này, Ủy ban Tư pháp đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi người trong toàn xã hội; tiếp tục hoàn thiện các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là các nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai, trách nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, các khoản chi tiêu, giao dịch có giá trị lớn; đồng thời quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực.

Ngoài ra, Chính phủ chỉ đạo tổng kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước để trả lời dư luận cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đúng quy định, bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng. Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước cần báo cáo Quốc hội kết quả việc thực hiện Nghị quyết số 63/2013/QH13 và Nghị quyết số 111/2015/QH13 về nội dung: “Tập trung thanh tra, kiểm toán các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, các ngành, lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực”.

Chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục