"Israel có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh tôn giáo"

AL cảnh báo việc Israel cố gắng kiểm soát bằng vũ lực các khu vực tôn giáo cực kỳ nhạy cảm tại Jerusalem có nguy cơ châm ngòi cho một “cuộc chiến tranh tôn giáo."
"Israel có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh tôn giáo" ảnh 1Lực lượng an ninh Israel gác tại quần thể đền Haram al-Sharif ở Jerusalem ngày 27/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Abul Gheit cảnh báo việc Israel cố gắng kiểm soát bằng vũ lực các khu vực tôn giáo cực kỳ nhạy cảm tại Jerusalem có nguy cơ châm ngòi cho một “cuộc chiến tranh tôn giáo."

Phát biểu tại một cuộc họp khẩn của ngoại trưởng các nước Arab tại Cairo (Ai Cập) ngày 27/7 về tình hình bạo lực gần đây ở Jerusalem, ông Gheit khẳng định các hành động của Israel như "đang đùa với lửa," sẽ chỉ châm ngòi cho một cuộc chiến tôn giáo và đẩy cốt lõi của cuộc xung đột từ chính trị sang tôn giáo.

Ông kêu gọi Israel "rút ra bài học" từ cuộc khủng hoảng này.

Kết thúc cuộc họp, các ngoại trưởng AL đã lên án các kế hoạch và chính sách của Israel nhằm Do Thái hóa thành phố Jerusalem bị chiếm đóng, cũng như "bóp méo bản chất Arab và Hồi giáo" của thành phố này.

AL cũng khẳng định: "Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine."

[Các biện pháp của Israel ở đền Al-Aqsa có thể làm tăng căng thẳng]

Trong khi đó, Ngoại trưởng Palestine Riad al-Malki tuyên bố những thách thức và nguy hiểm đối với Palestine nói chung và đặc biệt là Jerusalem đang trở nên lớn hơn bao giờ hết do các biện pháp chiếm đóng bất hợp pháp, ngày càng tăng mà Israel thực hiện.

Cùng ngày, Liên minh nghị viện Arab (AIPU) đã ra tuyên bố coi những biện pháp an ninh mà Israel áp dụng tại đền Al-Aqsa là "hành động hiếu chiến và khiêu khích của lực lượng chiếm đóng, và là một giai đoạn mới trong một loạt hành động nhằm tước đoạt các quyền của nhân dân Palestine."

Tuyên bố nêu rõ: "Các biện pháp này cũng như các vụ sát hại và trấn áp của Israel vi phạm quyền căn bản nhất của con người."

AIPU cũng kêu gọi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thể hiện trách nhiệm bảo vệ các mảnh đất của Palestine đã được công nhận là Di sản thế giới.

Liên quan tới các biện pháp an ninh gây tranh cãi của Israel, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan đánh giá quyết định của Israel loại bỏ máy dò kim loại tại khu đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa trong quần thể Haram al-Sharif (mà Israel gọi là Núi Đền) là một bước đi đúng hướng, nhưng vẫn chưa đủ.

Phát biểu tại văn phòng tổng thống ở Ankara, ông Erdogan cáo buộc Israel đang "cố phá hủy bản chất Hồi giáo ở Jerusalem" bằng cách lợi dụng sự yếu kém hiện nay của người Hồi giáo.

Ông cho rằng Israel nên tránh các chính sách nhằm đẩy khu vực này vào "lò lửa" và chấm dứt đe dọa người khác nếu muốn chung sống trong hòa bình trên thế giới này.

Nhận định trên được đưa ra sau khi Israel dỡ bỏ các biện pháp an ninh gây tranh cãi tại quần thể Haram al-Sharif, đưa khu vực này trở lại nguyên trạng.

Ngày 27/7, hàng nghìn người Hồi giáo đã bắt đầu vào cầu nguyện bên trong đền Al-Aqsa thay vì cầu nguyện trên phố bên ngoài ngôi đền như trong 2 tuần qua. Tuy nhiên, bạo lực tái diễn làm gần 100 người bị thương.

Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Jordan Hani Mulki đã có hội đàm với người đồng cấp Ai Cập Sharif Ismail tại thủ đô Amman của Jordan về vấn đề đền thiêng ở Jerusalem. Hai thủ tướng cảnh báo chống lại các ý định thay đổi nguyên trạng tại đền Al-Aqsa.

Hai bên nhấn mạnh Israel cần kiềm chế cách biện pháp nhằm thay đổi nguyên trạng của ngôi đền, đồng thời kêu gọi tăng cường nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố dưới mọi dạng thức.

Các biện pháp an ninh gây tranh cãi nói trên đã được áp đặt sau khi 2 cảnh sát Israel thiệt mạng trong 1 vụ tấn công bằng dao bên ngoài đền thờ Al-Aqsa ngày 14/7.

Động thái này đã dẫn đến hàng loạt các cuộc biểu tình của người Palestine Hồi giáo bên ngoài thánh đường. Đụng độ đã làm nhiều người thương vong trong 2 tuần qua, trong đó có vụ một đối tượng người Palestine sát hại 3 người Israel trong một gia đình tại Bờ Tây khi họ đang ăn tối.

Liên quan vụ việc này, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 27/7 kêu gọi áp dụng án tử hình đối với thủ phạm.

Vụ tấn công diễn ra một ngày sau các cuộc biểu tình và đụng độ về những biện pháp an ninh mà Israel mới thiết lập tại quần thể Haram al-Sharif.

Do vụ tấn công xảy ra tại khu vực chiếm đóng ở Bờ Tây, một tòa án quân sự sẽ tiến hành xét xử theo luật pháp Israel.

Ba thẩm phán quân sự phải nhất trí tuyên án tử hình thì hình phạt này mới được thực hiện. Israel chưa tiến hành tử hình bất kỳ ai kể từ năm 1962.

Liên quan các vụ bạo lực ở Jerusalem, hãng tin Al-Jazeera có trụ sở tại Qatar ngày 27/7 cam kết tiến hành một cuộc chiến pháp lý với Israel nếu Thủ tướng Benjamin Netanyahu thực thi kế hoạch đóng cửa văn phòng đại diện của hãng này ở Jerusalem.

Trước đó, ngày 16/7, Thủ tướng Netanyahu cho biết ông sẽ ra lệnh đóng cửa văn phòng của hãng tin này, đồng thời cáo buộc Al-Jazeera kích động tình trạng bạo lực gần đây tại Jerusalem./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục