Sức ép của Mỹ càng thúc đẩy Triều Tiên phát triển hạt nhân

Phái viên Triều Tiên Ju Yong Chol ngày 22/8 tuyên bố sức ép và mối đe dọa quân sự của Mỹ chỉ càng thúc đẩy Triều Tiên phát triển hơn nữa khả năng răn đe hạt nhân của mình.
Sức ép của Mỹ càng thúc đẩy Triều Tiên phát triển hạt nhân ảnh 1Triều Tiên phóng thử một tên lửa đạn đạo được trang bị hệ thống dẫn đường chính xác tại một địa điểm bí mật ở Triều Tiên. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Phái viên Triều Tiên Ju Yong Chol ngày 22/8 tuyên bố sức ép và mối đe dọa quân sự của Mỹ chỉ càng thúc đẩy Triều Tiên phát triển hơn nữa khả năng răn đe hạt nhân của mình.

Phát biểu tại Hội nghị giải trừ quân bị do Liên hợp quố​c bảo trợ ở Geneva (Thụy Sĩ), quan chức ngoại giao Triều Tiên cho rằng với những phát biểu chống lại hoạt động thử tên lửa và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, các quốc gia tham gia hội nghị này đã đứng về phía lập trường "thù địch" của Mỹ.

Ông Ju Yong Chol còn cáo buộc Washington "âm mưu" đổ trách nhiệm cho Bình Nhưỡng về tình trạng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ về giải trừ quân bị Robert Wood cảnh báo chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên "gây mối đe dọa nghiêm trọng cho toàn thế giới," đồng thời cho rằng các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới nhất cho thấy "hành vi nguy hiểm và liều lĩnh" của Bình Nhưỡng đang gây bất ổn cho khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, ông Wood cũng tuyên bố "cánh cửa dẫn tới đối thoại vẫn luôn để ngỏ."

Trong diễn biến mới nhất, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong​-Un​ đã yêu cầu Viện vật liệu hóa học thuộc Học viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên nghiên cứu chế tạo thêm các đầu đạn và động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu thể rắn.

Theo đó, cơ quan trên sẽ mở rộng hơn nữa quy trình sản xuất động cơ cũng như tăng cường khả năng sản xuất các đầu đạn cho tên lửa.

Viện vật liệu hóa học nói trên là nơi sản xuất đầu đạn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của chính quyền Bình Nhưỡng. Đây cũng là nơi nghiên cứu phát triển các vật liệu hợp chất carbon cho động cơ tên lửa.

[Triều Tiên: Kho vũ khí hạt nhân không bao giờ đặt lên bàn đàm phán]

Trong khi đó, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cùng ngày tuyên bố vui mừng trước việc Triều Tiên đã kiềm chế và không thực hiện các hành động khiêu khích, đồng thời hy vọng rằng đây là một tín hiệu cho thấy Bình Nhưỡng sẵn sàng tiến hành đàm phán trong thời gian sắp tới.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Tillerson ghi nhận rằng Triều Tiên đã kiềm chế kể từ khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Bình Nhưỡng hồi đầu tháng này.

Ông nhấn mạnh: “Tôi vui mừng nói rằng Bình Nhưỡng chắc chắn đã cho thấy mức độ kiềm chế mà chúng ta chưa được nhìn thấy trước đây. Chúng tôi hy vọng rằng đây là bước khởi đầu, là tín hiệu mà chúng ta vẫn đang tìm kiếm.”

Ngoại trưởng Tillerson cũng cho biết thêm: “Họ đã sẵn sàng kiềm chế mức độ căng thẳng của mình cũng như các hành động khiêu khích và có lẽ chúng ta đang thấy một lối đi dẫn đến việc có được đối thoại trong tương lai gần."

Ông Tillerson cũng nói về khả năng đàm phán với điều kiện Triều Tiên trước hết ngừng các vụ thử tên lửa và các hành động khiêu khích khác.

Trước đó, ngày 15/8, Ngoại trưởng Tillerson nói rằng Washington sẵn sàng đàm phán với Bình Nhưỡng sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un​ tuyên bố tạm hoãn kế hoạch phóng tên lửa tới gần vùng lãnh thổ Guam của Mỹ trên Thái Bình Dương. Ông Tillerson nhấn mạnh thời điểm bắt đầu đàm phán sẽ phụ thuộc vào nhà lãnh đạo Triều Tiên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục