Thỏa thuận chống khủng bố giữa Mỹ và Qatar khó được thực thi

Cựu phái viên LHP cho rằng thỏa thuận giữa Mỹ và Qatar nhằm hạn chế hoạt động tài trợ khủng bố có thể không được thực thi bởi Doha sẽ không từ bỏ những cam kết hỗ trợ trào lưu Hồi giáo cực đoan.
Thỏa thuận chống khủng bố giữa Mỹ và Qatar khó được thực thi ảnh 1(Nguồn: Doha News)

Sputnik đưa tin, ngày 12/7, phát biểu với báo giới, cựu phái viên Liên hợp quốc James Paul cho rằng thỏa thuận giữa Mỹ và Qatar nhằm hạn chế hoạt động tài trợ khủng bố có thể không được thực thi bởi Doha sẽ không từ bỏ những cam kết của nước này hỗ trợ trào lưu Hồi giáo cực đoan trên khắp thế giới.

Cựu quan chức Liên hợp quốc nêu rõ: "Bất kỳ một "hiệp định" chính thức nào giữa Qatar với nhóm do Saudi Arabia dẫn đầu nhằm giảm sự ủng hộ đối với những phần tử Hồi giáo cực đoan được cho là cực kỳ "mơ hồ."

Họ có thể không tham gia nỗ lực nhằm ngăn chặn việc tài trợ cho các tổ chức khủng bố bởi cả hai bên đều là những người ủng hộ chính cho trào lưu Hồi giáo cực đoan."

[Giữa bao vây ngoại giao, Qatar ký với Mỹ thỏa thuận chống khủng bố]

Bên cạnh đó, ông Paul nhắc lại rằng áp lực Mỹ tạo ra cho Qatar nhằm "trừng trị thẳng tay" những nhóm khủng bố Hồi giáo cũng có thể không được nghiêm túc thực thi vì Washington dưới thời của những tổng thống liên tiếp đã ngầm cho phép trang bị vũ khí và tài trợ những nhóm khủng bố này.

Các cường quốc "phương Tây," đặc biệt là Mỹ, đã không cho thấy một xu hướng nghiêm túc về việc ngăn chặn những chính sách này vốn luôn được áp dụng "song song" với chính sách của Mỹ.

Trước đó, ngày 11/7, Mỹ và Qatar đã ký thỏa thuận về chống khủng bố và ngăn chặn tài trợ cho khủng bố nhân chuyến thăm Doha của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.

Ngày 13/7, ông Tillerson dự kiến sẽ quay trở lại Qatar trong 3 ngày để tham dự các cuộc họp với các quan chức hàng đầu của nước này. Chuyến công du này được thực hiện một ngày sau khi quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ đã hoàn tất các cuộc thảo luận với Quốc vương Saudi Arabia và các quan chức khác của các nước vùng Vịnh "tẩy chay" Qatar.

Tuy nhiên, các chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ từ trước đến nay đều không dẫn đến bất kỳ dấu hiệu đột phá nào trong vụ tranh cãi ngày càng có hơi hướng "cực đoan" vốn chia rẽ các đồng minh Trung Đông quan trọng nhất của Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục