Thủ tướng: Chính phủ cam kết kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các doanh nghiệp nâng cao chất lượng, mẫu mã, giảm giá thành sản phẩm, đồng thời chú trọng thị trường trong nước
Thủ tướng: Chính phủ cam kết kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Cho rằng so với hội nghị với doanh nghiệp năm ngoái, hội nghị năm nay đã giảm nhiều về tính gay gắt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, một năm qua, Chính phủ và các địa phương đã “gãi đúng chỗ, chứ không ngứa trên đầu, gãi dưới chân.”

Còn nhiều rào cản

Phát biểu kết thúc hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp sáng 17/5 khi cuộc họp đã diễn ra liên tiếp gần 6 tiếng đồng hồ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngay trong cuộc họp này, Thủ tướng đã ra chỉ thị không được thanh tra doanh nghiệp quá một lần mỗi năm. Đây là vấn đề theo Thủ tướng đã được nhiều doanh nghiệp lên tiếng cho rằng còn tình trạng chồng chéo và gây khó cho nhiều đơn vị.

[Chủ tịch VCCI: Boeing cũng "bó tay" với điều kiện kinh doanh Việt Nam]

Nói về sự hỗ trợ doanh nghiệp trong một năm qua, Thủ tướng đánh giá: “Ta đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ nhưng cũng thấy rõ còn nhiều rào cản cho sự phát triển doanh nghiệp.”

Những rào cản này theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được Chính phủ nhận diện như: chưa giải quyết các vấn đề mâu thuẫn trong các văn bản dưới luật, chính sách chưa sát với thực tiễn như quy định về tiêu chuẩn trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, lao động, quy định công nhận doanh nghiệp công nghệ cao,…

Vấn đề trăn trở nữa của doanh nghiệp cũng được Thủ tướng nhắc tới là thuế, phí cao. Về câu chuyện này, Thủ tướng cam kết sẽ có chương trình hành động cụ thể.

Thủ tướng cũng không quên nói tới việc thủ tục cấp phép trong một số lĩnh vực gây khó cho doanh nghiệp khiến hiện tượng “cò” vẫn xuất hiện trong các thủ tục cấp giấy phép xây dựng, chứng nhận quyền sử dụng đất,…

Từ những nhân diện này, Thủ tướng Chính phủ cam kết tập trung vấn đề lớn đầu tiên là kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, bảo đảm thực thi pháp luật.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu tinh thần trên phải được thực hiện xuyên suốt từ Trung ương tới địa phương, phải có chuyển biến trong thực thi công vụ, không nhũng nhiễu doanh nghiệp. Đây là vấn đề được người đứng đầu Chính phủ cho rằng, các vị chủ tịch, bí thư các tỉnh, các bộ trưởng phải trực tiếp lo công việc này.

Năm giảm chi phí cho doanh nghiệp?

Cam kết lớn thứ hai được Thủ tướng nêu lên tại hội nghị là theo đuổi mục tiêu phát triển xuyên suốt, nhất quán và thể chế cởi mở, thân thiện, trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế. Đây là vấn đề được Thủ tướng nhấn mạnh hơn một lần: “Mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không phân biệt công hay tư.”

Thủ tướng khẳng định việc phân bổ với mọi chủ thể phải dựa trên hiệu quả, khả năng chứ không chỉ ưu tiên doanh nghiệp Nhà nước.

Thủ tướng cũng nhắc lại quan điểm, không vì khó quản lý mà cấm. Dẫn chứng về việc Việt Nam đồng ý cho Uber, Grab vào Việt Nam, Thủ tướng cho rằng, ông đánh giá cao Bộ Giao thông Vận tải về khía cạnh này.

“Tôi tin ta xây dựng được một hệ sinh thái lành mạnh mà tất cả thành phần kinh tế đều bình đẳng, kết nối và hỗ trợ nhau, cùng đem lại sự thịnh vượng. Đó là tinh thần đồng hành mà tôi muốn nói tới ngày hôm nay,” Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói.

Ở hướng khác, Thủ tướng cũng cho biết sẽ rà soát để giúp giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Những chi phí này theo Thủ tướng bao gồm từ thủ tục hành chính thuế, các loại giấy phép, phí BOT, logistic, phí thẩm định, giám định…

Đây là những khoản được Thủ tướng đánh giá là đang đè nặng lên doanh nghiệp và phải nghiên cứu cắt giảm giúp các đơn vị.

“Các đồng chí đã đề nghị tôi năm nay là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp,” Thủ tướng nói.

Tuy vậy, với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc lại lời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp phải tự đổi mới để phát triển.

Thủ tướng cũng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển sang tâm thế: Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam.

Điều Thủ tướng muốn nói tới doanh nghiệp là cần nâng cao chất lượng, thay đổi mẫu mã, bao bì, giảm giá thành sản phẩm. Với thị trường gần 100 triệu dân trong nước, Thủ tướng nhấn mạnh “Ta quên thị trường này, ta thất bại.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục