Việt Nam bị xếp vào danh sách tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết kháng thuốc là hiểm họa ngày càng lớn đối với con người. WHO đã xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao.
Việt Nam bị xếp vào danh sách tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: The Earth Child)

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới. Ở Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng đa thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng. Đặc biệt trong các bệnh viện đã có vi khuẩn biến đổi gen đa kháng thế hệ mới.

Tại Việt Nam, kháng thuốc là hiểm họa ngày càng lớn đối với con người và nền kinh tế. Nguyên nhân là do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong chăn nuôi và càng nguy hiểm hơn khi nó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường.

Sáng 30/11, tại lễ míttinh truyền thông phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam năm 2016 do Bộ Y tế tổ chức, đại diện Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng lên tiếng kêu gọi mỗi cán bộ y tế, người dân và toàn thể cộng đồng cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, kháng thuốc và xu hướng gia tăng kháng thuốc đã và đang trở thành một nguy cơ lớn cho toàn thể nhân loại. Đây là mối hiểm họa nhiều mặt đối với sự sống còn của loài người, đối với sức khỏe cộng đồng và đặc biệt, tình trạng kháng thuốc kháng sinh làm giảm hiệu quả các phương pháp điều trị kinh điển.

  

Thông điệp được Bộ Y tế đưa ra là mỗi người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sỹ khám bệnh, kê đơn và sử dụng kháng sinh theo đúng hướng dẫn của bác sỹ. Người nông dân sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Các cán bộ y tế tuân thủ đúng các hướng dẫn chuyên môn và sử dụng kháng sinh trong điều trị hợp lý, an toàn.

Theo WHO, kháng sinh ra đời không chỉ có lợi ích to lớn trong điều trị, chăm sóc người bệnh mà còn được sử dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích sản xuất.

Song song với điều này cũng đã xuất hiện tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn. Kháng thuốc không phải là vấn đề mới, nhưng hết sức trầm trọng, đòi hỏi phải có sự nỗ lực tổng hợp nhằm giúp nhân loại tránh khỏi nguy cơ quay trở lại thời kỳ chưa có kháng sinh.

“Không hành động hôm nay ngày mai không thuốc chữa” là khẩu hiệu mà ​WHO kêu gọi các nước cùng chung tay phòng chống kháng thuốc, trong đó có Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục