Năm thử thách lớn

5 thử thách lớn đối với tân Thủ tướng của Thái Lan

Bà Yingluck sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn mà cần phải khôn khéo vượt qua nếu chính phủ của bà muốn tồn tại lâu dài.
Khi những giây phút mừng chiến thắng đã qua đi, tân Thủ tướng Yingluck Shinawatra đối mặt ngay với những khó khăn thách thức rất lớn mà cần phải khôn khéo vượt qua nếu chính phủ của bà muốn tồn tại lâu dài.

Báo Matichon ở Bangkok nhận xét rằng có lẽ bà Yingluck là người được bầu chọn vào cương vị thủ tướng một cách nhẹ nhàng nhất trong lịch sử. Bởi vì khoảng thời gian từ vị trí là một doanh nhân trở thành người lãnh đạo đảng Puea Thai (Vì nước Thái) và Thủ tướng thứ 28 của Thái Lan chỉ chưa đầy 16 tuần.

Theo báo trên, bà Yingluck đối mặt với 5 thử thách lớn trong bối cảnh có ý kiến cho rằng “tuần trăng mật” của bà sẽ không kéo dài và có thể chỉ là Thủ tướng trong thời kỳ chuyển tiếp.

Điều đầu tiên bà Yingluck và chính phủ của bà cần làm là cải thiện mối quan hệ với quân đội, lực lượng có vai trò và ảnh hưởng to lớn trong nền chính trị Thái Lan. Trong bài viết trên báo Dân tộc (Thái Lan) ngày 9/8, tác giả Avudh Panananda cho rằng để có bước khởi đầu suôn sẻ, chính phủ của bà Yingluck cần không đụng chạm đến hai vấn đề liên quan đến an ninh. Cụ thể là đề bạt và thuyên chuyển công tác hàng năm trong giới quân sự và cách thức giải quyết những vấn đề bạo lực ở miền Nam.

Tình hình ở Thái Lan giờ đã đổi khác so với những năm 2001-2005, khi ông Thaksin - anh trai bà - thường can thiệp vào công việc của giới quân sự trong thời gian còn nắm quyền. Nếu anh em nhà Shinawatra bây giờ cố nhúng tay vào vấn đề đó thì nền dân chủ có nguy cơ bị chao đảo và thời gian tồn tại của chính phủ chắc sẽ được tính bằng ngày.

[Sứ mệnh đầy khó khăn của bà thủ tướng Yingluck]

Ngoài ra, bà Yingluck phải làm sao dung hòa được sự bất đồng giữa lực lượng "Áo đỏ" - một cánh tay của Puea Thai - với quân đội và việc làm thế nào vẫn thực thi được công lý mà không gây thù hằn với quân đội. Đây quả là bài toán không dễ giải.

Thách thức thứ hai là thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa người trung lưu ở thành thị với người nghèo ở nông thôn, và giải quyết vấn đề quan hệ giữa thế lực giàu có cũ với những người có tiền mới nổi. Chính sự phân hóa và chia rẽ giữa các thành phần này là nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình của lực lượng "Áo vàng" và "Áo đỏ" trong suốt thời gian vừa qua. Với chính phủ mới, người ta đang kỳ vọng nhiều vào việc hòa giải dân tộc và nỗ lực hàn gắn, xử lý các mâu thuẫn trong xã hội.

Đề xuất có nên ân xá cho ông Thaksin hay không là rất phức tạp và nhạy cảm. Với tư cách là em gái, chắc bà Yingluck muốn anh trai mình sớm trở về Thái Lan sau bao biến cố. Nhưng trên cương vị là Thủ tướng, nếu bà sử dụng quyền lực để ân xá cho ông Thaksin thì sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt của nhiều thành phần trong xã hội, cũng như có thể gây ra tình trạng rối loạn mới cho Thái Lan.

Việc vận hành bộ máy thực thi các chính sách dân túy mà bà đã hứa hẹn trong cuộc vận động tranh cử được cho là sẽ tạo ra sự bùng nổ về chi tiêu tiêu dùng. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ dẫn đến một loạt vấn đề khác như nợ công gia tăng và lạm phát cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Thái Lan.

Một thách thức khác là làm thế nào để bà Yingluck chưa có kinh nghiệm về chính trị chứng tỏ được năng lực thực sự của mình. Bà phải thể hiện là người xứng đáng ngồi vào ghế Thủ tướng và đủ sức điều hành chính phủ, chứ không phải là cái bóng hay con rối trong tay ông Thaksin.

Đó là chưa nói đến vấn đề phải mềm dẻo, nhân nhượng và dung hòa giữa các chính đảng và phe phái, việc giải quyết cuộc xung đột ở miền Nam cùng những vấn đề đối ngoại khác. Những việc đó sẽ khác xa so với việc điều hành một công ty, và khả năng giải quyết các vấn đề này sẽ quyết định tương lai của chính phủ mới.

Theo báo Matichon, dư vị ngọt ngào của chiến thắng sẽ nhanh chóng qua đi, thậm chí có thể thành vị đắng chát, nếu bà Yingluck không khôn khéo chèo lái chính phủ nhiệm kỳ mới vượt qua khó khăn và thách thức lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục