54 triệu cử tri Ai Cập được kêu gọi đi bầu tổng thống

Trong hai ngày 26-27/5, trên 54 triệu cử tri Ai Cập được kêu gọi đi bỏ phiếu bầu tổng thống với sự lựa chọn một trong hai ứng cử viên là ông Abdel Fattah al- Sisi và ông Hamdeen Sabbahi.
54 triệu cử tri Ai Cập được kêu gọi đi bầu tổng thống ảnh 1Ông Abdel Fattah al-Sisi. (Nguồn: AFP)
Trong hai ngày 26 và 27/5, trên 54 triệu cử tri Ai Cập được kêu gọi đi bỏ phiếu bầu tổng thống với sự lựa chọn một trong hai ứng cử viên là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fattah al- Sisi và chính trị gia Hamdeen Sabbahi.
Theo Uỷ ban bầu cử tối cao (HEC), số cử tri đủ tư cách tăng hơn khoảng 3 triệu người so với cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 và khoảng 1,6 triệu người so với cuộc trưng cầu ý dân về bản hiến pháp mới trong tháng 12/2013. Đây là lần thứ hai, người Ai Cập đi bầu tổng thống trong vòng 3 năm qua.
Tuy nhiên, người Ai Cập vẫn còn bị chia rẽ trong cuộc bầu cử tổng thống hiện nay cũng như bầu cử quốc hội dự kiến trong vài tháng tới. Điều này được thấy rõ trong sự chia rẽ của các thế lực chính trị thuộc các phe phái đối địch ngay trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống.
Lực lượng truyền thống, bao gồm các đảng phái chính trị lão thành như Đảng tự do Al- Wafd , Đảng Tiến bộ và Đảng Nasserist, quyết định tập hợp lực lượng bỏ phiếu cho ứng cử viên El- Sisi.
Các cựu thành viên của Đảng Dân chủ Quốc gia (NDP) của Tổng thống bị lật đổ Hosni Mubarak , mặc dù đã bị giải tán, cũng thông báo gia nhập lực lượng ủng hộ El- Sisi .
Các lực lượng này được thống nhất với một quyết tâm chống lại tư tưởng Hồi giáo cực đoan của Anh em Hồi giáo, xem El- Sisi như một anh hùng yêu nước và một vị cứu tinh, người sẽ làm lành vết thương chính trị sâu sắc và khôi phục sự ổn định và an ninh của đất nước.
Các đảng phái chính trị trẻ, ra đời sau khi cựu tổng thống độc tài Mubarak bị lật đổ trong cuộc nổi dậy năm 2011, đã tuyên bố ủng hộ chính trị gia Hamdeen Sabahi , 59 tuổi, một biểu tượng của cánh tả và là đối thủ duy nhất của ứng cử viên El- Sisi.
Chẳng hạn như các Đảng Hiến pháp, Đảng Công lý, Cách mạng xã hội chủ nghĩa và Phong trào nhân dân Ai Cập.
Phong trào Tamarod phong trào đi đầu trong việc lật đổ Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi, bị chia rẽ về mặt chính trị. Một số lãnh đạo cao cấp trong số những người tham gia soạn thảo hiến pháp mới của Ai Cập đã quyết định đứng về phía Sabahi, trong khi người sáng lập của phong trào, Mahmoud Badr, quyết định liên minh với El- Sisi .
Lực lượng Hồi giáo cũng không phải là một ngoại lệ trong sự chia rẽ về mặt chính trị. Đảng bảo thủ cực đoan Salafist Nour, từng liên minh với Anh em Hồi giáo dưới chế độ Morsi, đã ủng hộ cuộc nổi dậy ngày 30/6. Tuần trước, Chủ tịch Đảng Nour, Younis Makhyoun, tuyên bố dứt khoát ủng hộ El- Sisi .
Bên cạnh những phe phái ủng hộ El- Sisi và Sabahi, một phe thứ ba đã xuất hiện. Phe này do Phong trào Thanh niên 6 tháng 4 dẫn đầu kêu gọi tẩy chay bầu cử tổng thống trong tuần này. Họ gọi cuộc bầu cử tổng thống là một "trò hề," khẳng định rằng họ không muốn Ai Cập rơi vào sự cai trị quân đội hoặc những nguyên tắc của Anh em Hồi giáo.
Phe ủng hộ Sabahi và phe tẩy chay nghi ngờ rằng ứng cử viên El- Sisi sau khi nắm quyền sẽ đưa Ai Cập quay trở lại với phong cách cai trị của nhà độc tài Mubarak, bị quân đội và cảnh sát thao túng. Họ cũng cho rằng dưới chính quyền El- Sisi, quốc hội sắp tới sẽ bị chế ngự bởi các cựu đảng viên NDP và những ông trùm kinh doanh.
Hầu hết các nhà phân tích chính trị đồng ý rằng sự chia rẽ chính trị ở trên kết hợp với các cuộc đụng độ đẫm máu với chiến binh Hồi giáo ở bán đảo Sinai và những nơi khác ở Ai Cập chỉ là số ít trong những thách thức mà tổng thống sắp tới phải đối mặt .
Theo báo Al Ahram, nhà sử học nổi tiếng đồng thời là Tổng biên tập của tuần báo Al-Qahira, Salah Eissa, nhận định: "Bất kể ai là người chiến thắng, tổng thống sắp tới sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.
Một quốc gia bị chia rẽ, một cuộc nổi dậy Hồi giáo được thách thức, một dân số ngang bướng và một nền kinh tế bị vùi dập"./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục