800.000 người hưởng lợi từ dự án thủy lợi ĐBSCL

800.000 người thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được hưởng lợi từ dự án phát triển thủy lợi Nam Mang Thít, Quản Lộ-Phụng Hiệp.
Theo Ban quản lý dự án thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long, công trình dự án phát triển thủy lợi Nam Mang Thít, Quản Lộ-Phụng Hiệp với số vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) 101,8 triệu USD (giai đoạn 1999-2011) hoàn thành sẽ hỗ trợ gần 800.000 người dân thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long được hưởng lợi từ dự án này.

Dự án thành phần Nam Mang Thít giúp kiểm soát mặn, lấy nước và giữ nước ngọt, tiêu úng, tiêu chua, rửa phèn cho 172.000ha đất canh tác, cấp nước sinh hoạt cho người dân hai tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long, kết hợp phát triển giao thông, cải tạo môi trường.
 
Dự án thành phần Quản Lộ-Phụng Hiệp với hệ thống ngăn mặn biển Đông và biển Tây, góp phần cùng hệ thống kênh mương nội đồng đưa nước ngọt phù sa từ sông Hậu đến phục vụ sản xuất cho 74.000ha đất của tỉnh Bạc Liêu, 50.000ha của Cà Mau và 66.000ha của Kiên Giang.
 
Riêng tiểu dự án thủy lợi Ô Môn-Xà No thuộc phạm vi tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang và thành phố Cần Thơ có nhiệm vụ kiểm soát lũ cả năm cho 45.430ha, bảo vệ sản xuất cho ba vụ lúa ổn định, bảo vệ vườn cây ăn trái, hạ tầng cơ sở trong vùng dự án; đồng thời cấp nước sinh hoạt và cấp nước sạch nông thôn, cải tạo môi trường sinh thái phục vụ 236.000 dân thuộc tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ.
 
Các công trình thủy lợi trên đã phát huy tác dụng giúp tăng diện tích khai hoang, tăng vụ, giảm nhẹ úng lụt và tăng khả năng thoát lũ. Diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ cũng được mở rộng. Nhiều cụm, tuyến dân cư mới được xây dựng, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội tại các địa phương trong vùng.
 
Hệ thống thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 5 hồ chứa, 1.221 trạm bơm từ vừa đến lớn và hàng ngàn trạm bơm nhỏ phục vụ 11.138km kênh trục cấp I, 27.452km kênh cấp II và 41.600 km kênh cấp III. Toàn vùng có 25.900km bờ bao chống lũ, 460km đê biển, 1.600km đê sông, trên 200km đê bao giữ nước chống cháy.
 
Các công trình vừa kể có công suất tưới gần 3,8 triệu lượt ha đất nông nghiệp mỗi năm và thực tế tưới được trên 3,1 triệu lượt hécta, chiếm trên 80% diện tích đất nông nghiệp./.

Thế Đạt (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục