Thủ tướng lâm thời Ai Cập Hazem El-Beblawy ngày 26/11 đã đồng ý thành lập một ủy ban nhằm xem xét lại Luật biểu tình gây tranh cãi được phê chuẩn hôm 24/11 vừa qua.
Quyết định này được đưa ra sau cuộc gặp giữa ông Beblawy với các thành viên của Mặt trận Cứu quốc (NSF) - liên minh đối lập chính ở Ai Cập chống lại chính quyền của cựu Tổng thống Mohamed Morsi - trong bối cảnh nổ ra các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và những người biểu tình phản đối đạo luật nói trên, cũng như làn sóng chỉ trích gay gắt của dư luận trong và ngoài nước.
Thủ tướng Hazem El-Beblawy cam kết theo dõi các cuộc điều tra nhằm phóng thích những người bị bắt giữ trong cuộc biểu tình diễn ra chiều 26/11 trước cửa Hội đồng Shura (Thượng viện Ai Cập) ở trung tâm Cairo nhằm phản đối một điều khoản trong dự thảo hiến pháp cho phép tổ chức các phiên tòa quân sự xét xử dân thường. Tuyên bố này của ông Beblawy đã bác bỏ những đồn đoán về việc những người biểu tình bị bắt giữ sẽ được phóng thích ngay lập tức.
Trong diễn biến liên quan, ít nhất 10 thành viên của Ủy ban sửa đổi hiến pháp gồm tổng cộng 50 người, đã tuyên bố sẽ ngừng tham gia hoạt động của ủy ban này cho đến khi chính quyền phóng thích những người biểu tình bị bắt giữ nói trên.
Tiếp đó, Ủy ban sửa đổi hiến pháp cũng tuyên bố ngừng các phiên thảo luận với cùng lý do. Người phát ngôn của Ủy ban sửa đổi hiến pháp, ông Mohamed Selmawi xác nhận Chủ tịch Ủy ban đã quyết định dừng các phiên thảo luận và kêu gọi Bộ trưởng Nội vụ giải quyết vấn đề này.
Theo Bộ Nội vụ Ai Cập, tổng cộng 52 người biểu tình "bất hợp pháp," trong đó có một số nhà hoạt động nổi tiếng và các nhà báo, đã bị bắt giữ chiều 26/11 theo quy định của Luật biểu tình vừa được Tổng thống lâm thời Atly Mansour ký sắc lệnh phê chuẩn. Lực lượng an ninh cũng dùng vòi rồng và hơi cay để giải tán người biểu tình.
Cũng trong ngày 26/11, ông Selmawi cho biết cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp sẽ được tổ chức vào cuối tháng 12 tới, trái ngược với thông tin do Thủ tướng lâm thời Hazem El-Beblawy công bố hôm 25/11 là vào cuối tháng 1/2014.
Tuy nhiên, nhằm làm dịu căng thẳng bùng phát sau khi Luật biểu tình được phê chuẩn, ông Salmawy khẳng định Hiến pháp mới của Ai Cập sẽ bảo vệ quyền biểu tình và đảm bảo rằng các cuộc biểu tình có thể diễn ra nếu những nhà tổ chức thông báo trước cho cơ quan chức năng thay vì phải chờ đợi để được cấp phép.
Trong diễn biến khác, nhật báo Almasry Alyoum cùng ngày đưa tin Liên minh Quốc gia ủng hộ tính hợp pháp (NASL) - lực lượng do tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) đứng đầu quy tụ 34 chính đảng và phong trào Hồi giáo đang đấu tranh đòi phục chức cho Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi - đang có kế hoạch tổ chức các cuộc gặp bí mật và nhờ các nhân vật thuộc lực lượng Hồi giáo Salafi đứng ra làm trung gian hòa giải giữa MB và những người ủng hộ phong trào này với quân đội nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng hiện nay.
Theo một số nguồn tin, một phái đoàn của Đảng Xây dựng và Phát triển-nhánh chính trị của tổ chức Al-Gamaa Al-Islamiya, đã tới thành phố Alexandria để gặp phó thủ lĩnh của Đảng Dawa là ông Yasser Borhamy và người đứng đầu Đảng Watan là ông Emad Abdel Ghaffour.
Ông Ghaffour đã kêu gọi NASL chấm dứt các cuộc biểu tình trước khi bắt đầu hòa giải với chính quyền, đồng thời bác bỏ yêu sách của liên minh này về việc phục chức cho ông Morsi và khôi phục Hội đồng Shura đã bị giải tán.
Trong khi đó, NASL vẫn tiếp tục kêu gọi những người ủng hộ tham gia biểu tình vào ngày 29/11 tới nhằm đánh dấu 100 ngày diễn ra vụ việc 36 thành viên của MB bị thiệt mạng do hít phải hơi cay trong một xe chở tù trước cửa nhà tù Abu Zaabal tại tỉnh Qalubia ở phía Bắc Cairo vào trung tuần tháng Tám vừa qua.
Trong một tuyên bố vào ngày 26/11, NASL khẳng định cuộc biểu tình này sẽ diễn ra với khẩu hiệu "Thời điểm báo thù đang đến." Ngoài ra, liên minh này cũng phát động một cuộc biểu tình trong ngày 27/11 nhằm ủng hộ các thẩm phán "đang chịu kỷ luật và bị thẩm vấn tại Tòa án Tối cao"./.