Ấn Độ lên kế hoạch xây đường cao tốc ngăn lũ dài 1.300km

Ấn Độ có kế hoạch xây dựng một đường cao tốc dài 1.300km dọc sông Brahmaputra thuộc bang Đông Bắc Assam, nhằm hạn chế mức độ tàn phá do lũ lụt hằng năm.
Ấn Độ lên kế hoạch xây đường cao tốc ngăn lũ dài 1.300km ảnh 1Cảnh ngập lụt tại Bắc Gujarat, Ấn Độ ngày 25/7. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Các quan chức Ấn Độ cho biết chính phủ nước này có kế hoạch xây dựng một đường cao tốc dài 1.300km dọc sông Brahmaputra thuộc bang Đông Bắc Assam, nhằm hạn chế mức độ tàn phá do lũ lụt hằng năm.

Với số tiền xây dựng ước tính khoảng 400 tỷ rupee (620 triệu USD), đường cao tốc được đề xuất 6 làn này sẽ trở thành một trong những dự án cơ sở hạ tầng đắt giá nhất Ấn Độ.


[Mưa lũ nghiêm trọng tại Ấn Độ, ít nhất 52 người thiệt mạng]

Trả lời phỏng vấn báo giới, người đứng đầu chính quyền bang Assam, Sarbananda Sonowal nhấn mạnh dự án trên sẽ góp phần đảm bảo 2 mục tiêu quan trọng là ngăn lũ hàng năm và cải thiện đáng kể việc kết nối hạ tầng giao thông trong vùng.

Ông Sonowal cũng cho rằng đây là nỗ lực dài hạn nhằm chế ngự dòng sông Brahmaputra khi con đường trên trở thành một đê bao ngăn lũ hàng năm tại Assam.

Hiện bang này đã tiến hành khảo sát sơ bộ và sẽ sớm lập báo cáo để nộp lên Bộ Giao thông Ấn Độ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Nitin Gadkari hôm 26/7 nhấn mạnh dự án đường cao tốc trên sẽ được ưu tiên triển khai nhanh chóng.

Với chiều dài 2.900km, Brahmaputra là một trong những dòng sông lớn nhất châu Á, trải dài trên lãnh thổ Tây Tạng (Trung Quốc), Ấn Độ và Bangladesh trước khi đổ ra Vịnh Bengal.

Mực nước sông dâng cao thường nhấn chìm hàng trăm ngôi làng, đẩy hàng nghìn người vào cảnh không nhà cửa mỗi năm, gây thiệt hại lớn về tài sản. Từ đầu năm đến nay, các trận mưa lớn trút xuống lãnh thổ Ấn Độ đã khiến hơn 70 người thiệt mạng.

Theo ước tính của tổ chức Viện Tài nguyên thế giới (WRI), Ấn Độ là nước chịu thiệt hại nặng nề nhất trên thế giới do lũ lụt, với số tiền tổn thất mỗi năm khoảng hơn 14 tỷ USD. WRI dự báo con số này thậm chí có thể tăng gấp 10 lần lên mức 154 tỷ USD vào năm 2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục