Ấn Độ lo nhiều người bỏ tiêm mũi thứ 2, Trung Quốc nỗ lực chặn dịch

Ấn Độ lo ngại nhiều người có thể bỏ tiêm mũi vaccine thứ hai do thấy số ca mắc và tử vong giảm, trong khi Trung Quốc đang siết chặt kiểm soát do dịch bệnh ở Phủ Điền (Phúc Kiến) diễn biến phức tạp.
Ấn Độ lo nhiều người bỏ tiêm mũi thứ 2, Trung Quốc nỗ lực chặn dịch ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Mumbai, Ấn Độ, ngày 16/1/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Ấn Độ và Indonesia tiếp tục có những tín hiệu khả quan, trong khi tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc đang bùng phát đợt dịch bệnh mới, diễn biến phức tạp và nghiêm trọng.

Ấn Độ lo ngại nhiều người bỏ tiêm mũi thứ 2

Tâm lý tự mãn của một bộ phận người dân Ấn Độ khi thấy số ca mắc và tử vong do COVID-19 trong nước giảm đang gây lo ngại rằng nhiều người có thể bỏ tiêm mũi vaccine thứ hai, ảnh hưởng tới những nhóm người dễ bị tổn thương bởi đại dịch.

Đến nay Ấn Độ đã tiêm hơn 744 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, với 60% trong số 944 triệu dân số trưởng thành đã tiêm ít nhất một mũi và 19% tiêm đủ hai mũi.

Theo trang Our World in Data, Ấn Độ là quốc gia có số người được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 cao nhất trên thế giới, chủ yếu do khoảng cách các mũi tiêm kéo dài từ 12 đến 16 tuần.

Theo các chuyên gia y tế Ấn Độ, việc một số lượng lớn người bỏ qua mũi vaccine thứ hai sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực chống dịch ở những khu vực trước đây ghi nhận số ca mắc COVID-19 thấp.

Điều này đồng nghĩa sẽ có nhiều người có ít kháng thể hơn và những cộng đồng đó sẽ trở nên dễ bị tổn thương hơn.

Bộ Y tế Ấn Độ đã chỉ thị các chính quyền bang khuyến khích người dân tiêm mũi thứ hai ngay khi có thể, tức là 12 tuần sau mũi tiêm đầu tiên, để đảm bảo không ai bỏ lỡ mũi tiêm thứ hai.

Tại cuộc họp báo hồi tuần trước, Chính phủ Ấn Độ thông báo dữ liệu thu thập từ tháng 4-8/2021 khi biến thể Delta bùng phát mạnh cho thấy một mũi vaccine đạt hiệu quả 96,6% trong việc ngăn ngừa nguy cơ tử vong vì COVID-19, trong khi hiệu quả khi tiêm đủ hai mũi là 97,5%.

Tuy nhiên, chuyên gia y tế Ấn Độ cho rằng thông báo này có thể vô tình khiến nhiều người có tâm lý tự mãn và bỏ tiêm mũi thứ hai, đặc biệt là những lao động nghèo không muốn cắt giảm giờ làm để đến trung tâm tiêm chủng.

Sau khi ghi nhận số ca mắc và tử vong do COVID-19 tăng cao nhất thế giới trong hai tháng Tư, tháng Năm vừa qua, hiện số các ca mắc mới ở Ấn Độ duy trì ổn định ở mức khoảng 40.000 ca/ngày trong khi số ca tử vong cũng giảm mạnh.

Cho đến nay, quốc gia Nam Á này có 33,26 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 442.874 ca tử vong. Hồi tháng 7, Chính phủ Ấn Độ ước tính hơn 2/3 trong dân số 1,35 tỷ người của nước này đã nhiễm virus SARS-CoV-2.

Số ca mắc mới tại Indonesia thấp nhất trong 4 tháng

Ngày 13/9, Indonesia ghi nhận thêm 2.577 ca mắc COVID-19, số ca mắc mới trong ngày thấp nhất kể từ giữa tháng Năm, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào đầu tháng 3/2020 đến nay lên 4.170.088 ca.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Indonesia cũng ghi nhận thêm 276 ca tử vong do COVID-19, mức thấp nhất kể từ ngày 17/6, nâng tổng số người không qua khỏi lên 139.165 người.

Đặc biệt, số bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly ở nhà giảm 10.173 người xuống còn 99.696 người, mức thấp nhất kể từ ngày 27/5.

Tỷ lệ xét nghiệm dương tính trong ngày cũng giảm xuống mức kỷ lục 1,45%, thấp hơn nhiều so với mức khuyến cáo 5% của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Theo thống kê chính thức, dịch COVID-19 tại Indonesia có xu hướng giảm dần từ đầu tháng Tám đến nay. Ngày 10/9, Tổng thống Joko Widodo tuyên bố Indonesia sẽ đạt mục tiêu tiêm chủng cho hơn 70% dân số vào cuối năm nay.

Trung Quốc tăng cường kiểm soát tại ổ dịch phức tạp ở Phúc Kiến

Tại Trung Quốc, thành phố Phủ Điền thuộc tỉnh Phúc Kiến, ở phía Nam, đã yêu cầu đóng cửa các rạp chiếu phim, phòng tập thể hình, chặn các lối ra vào các tuyến đường cao tốc và yêu cầu người dân không rời địa phương trong thời gian ứng phó với đợt bùng phát dịch mới.

Ngày 13/9, kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV đưa tin tình hình dịch bệnh tại thành phố hơn 3 triệu dân này đang diễn biến phức tạp và nghiêm trọng, dự báo có nhiều ca mắc mới sẽ xuất hiện trong cộng đồng, trường học và nhà máy trong những ngày tới.

Nhiều trường học ở Phủ Điền cũng đã tạm đóng cửa trong khi Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) đã cử một đội chuyên gia tới hỗ trợ thành phố chống dịch.

Theo NHC, từ ngày 10-12/9, tỉnh Phúc Kiến ghi nhận 43 ca mắc tại địa phương, trong đó riêng thành phố Phủ Điền ghi nhận 35 ca. Ngoài ra, từ ngày 10/9, Phủ Điền cũng phát hiện 32 ca mắc không triệu chứng.

Tính đến ngày 12/9, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 95.248 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 4.636 ca tử vong.

Đợt bùng phát dịch gần đây nhất là ở tỉnh Giang Tô, kéo dài khoảng một tháng và vừa mới được khống chế cách đây 2 tuần. Kết quả xét nghiệm một số mẫu bệnh phẩm từ các ca bệnh ở Phủ Điền ghi nhận sự xuất hiện của biến thể Delta./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục