Ấn Độ "trải thảm đỏ" cho giới đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài

Thủ tướng Ấn Độ Modi khẳng định New Delhi sẽ "trải thảm đỏ" cho giới đầu tư và các doanh nghiệp làm ăn tại quốc gia Nam Á này.
Ấn Độ "trải thảm đỏ" cho giới đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài ảnh 1Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: Reuters)

Ấn Độ có tiềm năng lớn để trở thành một trung tâm chế tạo toàn cầu, đồng thời mong muốn cùng các nước hợp tác để thúc đẩy tăng trưởng.

Tuyên bố trên được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa ra khi cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel khai trương gian hàng của Ấn Độ tại Hội chợ Hàng công nghiệp lớn nhất thế giới ở Hannover, Đức.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Đức đầu tiên của nhà lãnh đạo Nam Á.

Thủ tướng Modi khẳng định New Delhi sẽ "trải thảm đỏ" cho giới đầu tư và doanh nghiệp làm ăn tại Ấn Độ để cùng khai thác những tiềm năng sẵn có của nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này. Ông nêu bật các lợi thế của Ấn Độ như nhân khẩu, thị trường tiêu dùng, dân chủ... đang thu hút thế giới tới Ấn Độ.

Theo ông, giá thành sản xuất thấp, chất lượng sản phẩm tốt, điều hành hiệu quả đang biến Ấn Độ thành đầu máy toàn cầu trong lĩnh vực chế tạo và Ấn Độ có tiềm năng lớn để trở thành một trung tâm chế tạo thế giới.

Thủ tướng Modi cũng đánh giá cao vai trò của Đức, nhấn mạnh Berlin là đối tác quan trọng và là biểu tượng của kỹ thuật, đổi mới và chất lượng đối với người dân cũng như nền kinh tế Ấn Độ.

Về phần mình, Thủ tướng Đức Merkel bày tỏ ấn tượng trước những sản phẩm của Ấn Độ được trưng bày tại hội chợ Hannover năm nay. Bà nhấn mạnh Ấn Độ là đất nước có nhiều người trẻ tuổi, nhiều người đang tìm kiếm việc làm và mong muốn chứng kiến đất nước phát triển. Thủ tướng Merkel khẳng định mục tiêu của Đức là trở thành đối tác rất gần gũi với Ấn Độ.

Theo thống kê của Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI), kim ngạch thương mại giữa Đức và Ấn Độ trong năm 2014 đạt gần 17 tỷ USD, trong đó giá trị hàng hóa Berlin xuất sang New Delhi lên tới 9 tỷ USD. Liên đoàn Công nghiệp Đức cho rằng con số này có thể tăng mạnh trong thời gian tới.

Những mặt hàng chủ yếu trong giao thương giữa hai nước là các chất hóa học và dụng cụ máy móc, bên cạnh đó còn có đồ điện tử và hàng may mặc.

Đức là chặng dừng chân thứ hai sau trong chuyến công du ba nước Pháp, Đức và Canada của Thủ tướng Modi. Theo giới phân tích, trọng tâm chuyến công du này là nhằm thúc đẩy sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” (Make in India), kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn vào quốc gia Nam Á này, hợp tác về an ninh năng lượng và mở rộng sự giao tiếp của cá nhân Thủ tướng Modi với các nhà lãnh đạo thế giới. Tháp tùng ông trong chuyến công du lần này là 100 bộ trưởng cấp Trung ương và cấp bang, 7 thủ hiến bang, 120 nhà kinh doanh hàng đầu.

Khi lên cầm quyền vào tháng 5/2014, Thủ tướng Modi đề ra mục tiêu đưa Ấn Độ trở thành một căn cứ công nghiệp của thế giới, tạo đà cho tăng trưởng tại nước đông dân thứ hai thế giới, giải quyết công việc làm cho 12 triệu thanh niên hàng năm gia nhập thị trường lao động.

New Delhi đặc biệt muốn đẩy mạnh ngành công nghệ quốc phòng, hạt nhân, tăng cường chuyển giao công nghệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục