Argentina phản đối công ty Anh hoạt động tại quần đảo tranh chấp

Ngày 13/10, Chính phủ Argentina phản đối hãng dầu khí Edison International Spa của Anh hoạt động tại khu vực thềm lục địa gần quần đảo tranh chấp Malvinas mà Anh gọi là Falklands.
Argentina phản đối công ty Anh hoạt động tại quần đảo tranh chấp ảnh 1(Nguồn: rt.com)

Ngày 13/10, Chính phủ Argentina phản đối hãng dầu khí Edison International Spa của Anh hoạt động tại khu vực thềm lục địa gần quần đảo tranh chấp Malvinas mà Anh gọi là Falklands.

Quốc vụ khanh Năng lượng Argentina đã yêu cầu các Bộ Ngoại giao và Tư pháp tiến hành các biện pháp cần thiết và phù hợp đối với các hoạt động của công ty dầu khí Anh tại quần đảo Malvinas/Falklands; đồng thời yêu cầu hãng Edison Internacional, có trụ sở tại Italy, giải thích về các hoạt động tại quần đảo này nhưng đã không nhận được trả lời.

Hồi tuần trước, Chính phủ Argentina cũng đã phản đối hoạt động thăm dò dầu khí của công ty Noble Falklands Limited của Anh tại khu vực này.

Argentina cho rằng những hành động thăm dò dầu khí tại quần đảo tranh chấp đi ngược lại tinh thần các nghị quyết của Liên hợp quốc, theo đó kêu gọi London và Buenos Aires ngừng mọi hoạt động gần quần đảo này.

Tháng 6 vừa qua, một tòa án Argentina cũng đã phong tỏa hơn 156 triệu USD và ra lệnh tịch thu các tàu bè cũng như tài sản của các công ty dầu khí Anh đang hoạt động tại khu vực này.

Quần đảo Malvinas/Falklands, nằm cách bờ biển Argentina khoảng 650km và cách Anh gần 8.000km, với tổng diện tích khả thi cho khai thác dầu khí lên tới 400.000km2. Anh chiếm quần đảo này từ năm 1833.

Đến năm 1982, Argentina tấn công quân đồn trú của Anh nhưng chỉ chiếm giữ quần đảo này trong 74 ngày, sau đó bị đánh bại.

Tranh chấp dai dẳng giữa hai bên về chủ quyền quần đảo này lại gia tăng trong những năm gần đây dưới thời Tổng thống Argentina Cristina Fernandez.

Từ đầu năm nay, Anh đã tiến hành khoan thăm dò và tuyên bố phát hiện dầu khí tại khu vực này. Chính phủ Anh cũng tuyên bố tăng cường quân sự ở quần đảo này trước sự đe dọa của Argentina, khiến tình tình càng trở nên phức tạp.

Liên hợp quốc đã ra nhiều nghị quyết yêu cầu hai nước tìm biện pháp giải quyết tranh chấp hòa bình, song Chính phủ Anh cho rằng không tồn tại tranh chấp về chủ quyền quần đảo này và chỉ thảo luận với Argentina về vấn đề này khi người dân tại đây thể hiện mong muốn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục