AU chỉ định nhóm tiếp xúc giải quyết cuộc xung đột ở Libya

Người đứng đầu Hội đồng An ninh và Hòa bình AU nhấn mạnh xung đột tại Libya ảnh hưởng đến cả châu lục và vấn đề chỉ được giải quyết nếu Libya thành lập được một chính phủ thống nhất.
AU chỉ định nhóm tiếp xúc giải quyết cuộc xung đột ở Libya ảnh 1Khói bốc lên từ một kho dự trữ dầu tại nhà máy lọc dầu ở Ras Lanouf, Lybia ngày 23/1 sau các cuộc tấn công của IS. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Phi (AU) ngày 31/1 đã nhất trí chỉ định một nhóm tiếp xúc đặc biệt gồm lãnh đạo 5 nước nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Libya, nơi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang mở rộng ảnh hưởng.

Phát biểu với báo giới, người đứng đầu Hội đồng An ninh và Hòa bình AU Smail Chergui nhấn mạnh cuộc xung đột tại Libya ảnh hưởng đến cả châu lục đồng thời khẳng định vấn đề chỉ được giải quyết nếu Libya thành lập được một chính phủ thống nhất.

Ông Chergui nêu rõ một giải pháp quân sự hiện nay là không đáng tin cậy và có thể khiến tình hình phức tạp hơn. Do đó, các nhà lãnh đạo AU quyết định tái khởi động "Nhóm Tiếp xúc cấp cao về Libya" gồm lãnh đạo 5 nước nhằm hỗ trợ cho các nỗ lực hiện tại. Tuy nhiên, danh sách các thành viên của nhóm này vẫn chưa được công bố.

Quyết định trên được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 của AU tổ chức tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Tham dự hội nghị có các tổng thống, ngoại trưởng của 54 nước thành viên thuộc Liên minh châu Phi (AU) và Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon.

Trong một diễn biến có liên quan cùng ngày, Thủ tướng được chỉ định của chính phủ thống nhất Libya Fayez el-Sarraj đã có cuộc gặp với Tướng Khalifa Haftar, Tư lệnh quân đội của chính phủ được quốc tế công nhận.

Cuộc gặp diễn ra tại Al-Marj, miền Đông Libya nhằm mục tiêu tìm kiếm một giải pháp thiết thực cho cuộc chiến ở Benghazi, thành phố lớn thứ 2 của Libya nơi lực lượng của Tướng Haftar đang chống lại các phần tử cực đoan.

Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) là quốc hội đã mãn nhiệm song không chịu từ nhiệm và tự thành lập chính phủ tại thủ đô Tripoli từ tháng 8/2014 với sự hậu thuẫn của phiến quân Hồi giáo, buộc chính phủ được quốc tế công nhận phải chuyển trụ sở tới thành phố Tobruk, miền Đông Libya.

Tình trạng trên đẩy Libya vào cảnh có hai chính phủ và hai quốc hội cùng tồn tại song song.

Lợi dụng sự bất ổn đó, IS tìm cách mở rộng địa bàn hoạt động ở Libya, đồng thời tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các mỏ dầu tại nước này.

Ngày 19/1 vừa qua, Libya đã công bố việc thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc nhằm đoàn kết các phe phái đối địch ở nước này theo một kế hoạch do Liên hợp quốc bảo trợ.

Hội đồng Tổng thống Libya đã bổ nhiệm 32 thành viên nội các, tuy nhiên, Quốc hội Libya đã bác bỏ chính phủ này và yêu cầu ông Sarraj đề cử nội các mới với ít thành viên hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục