AU kêu gọi các cường quốc ngừng mọi hoạt động can thiệp vào Libya

Liên minh châu Phi (AU) đã kêu gọi tổ chức một hội nghị quốc tế vào đầu tháng Bảy để cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Libya và tiến tới tổ chức các bầu cử ở nước này vào tháng 10 tới.
AU kêu gọi các cường quốc ngừng mọi hoạt động can thiệp vào Libya ảnh 1Một phiên họp của Hội nghị thượng đỉnh AU lần thứ 32 diễn ra tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia ngày 10/2/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 11/2, trong cuộc họp báo bên lề Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 32, tổ chức tại thủ đô Addis-Ababa của Ethiopia, Ủy viên Hòa bình và An ninh AU Smail Chergui đã kêu gọi các cường quốc ngừng mọi hoạt động can thiệp vào Libya - quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá nặng nề.

Theo ông Chergui, người dân Libya đã phải chịu đựng những tác động tiêu cực từ cuộc nội chiến. Chính vì vậy, cần phải chấm dứt những hành vi can thiệp không cần thiết từ bên ngoài.

Ủy viên Hòa bình và An ninh của AU đã không nêu cụ thể quốc gia nào được cho là can thiệp vào công việc nội bộ của Libya.

[Libya: Quân đội miền Đông tấn công cảnh cáo máy bay dân sự]

Trong khi đó, Liên minh châu Phi (AU) đã kêu gọi tổ chức một hội nghị quốc tế vào đầu tháng Bảy để cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Libya và tiến tới tổ chức các bầu cử ở nước này vào tháng 10 tới.

Trong một tuyên bố tóm tắt các quyết định được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh tổ chức trong 2 ngày (9 và 10/2) tại thủ đô Addis Ababa (Ethiopia), Hội đồng AU đã kêu gọi Chủ tịch Ủy ban AU, ông Moussa Faki, phải nỗ lực "triệu tập một hội nghị quốc tế hòa giải ở Libya tại Addis Ababa vào tháng 7/2019, dưới sự bảo trợ của AU và Liên hợp quốc.

Hội đồng cũng yêu cầu Ủy ban AU thực hiện "tất cả các biện pháp cần thiết," cùng với Liên hợp quốc và Chính phủ Libya tổ chức cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp Libya vào tháng 10/2019.

Chủ tịch đương nhiệm AU và là người đứng đầu nhà nước Ai Cập Abdel Fattah al-Sissi đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc tìm kiếm "các giải pháp châu Phi cho các vấn đề của châu Phi."

Quốc gia Bắc Phi này rơi vào tình trạng bất ổn và hỗn loạn kể từ khi ông Muammar Gaddaafi bị lật đổ năm 2011.

Hiện tại, Libya đang phải chứng kiến sự chia rẽ chính trị với hai chính quyền hoạt động đồng thời ở miền Đông và miền Tây.

Bên cạnh đó, quốc gia này cũng là địa bàn hoạt động của các nhóm dân quân cực đoan, trong số đó bao gồm các chi nhánh của các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và al-Qeada./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục