Bài 2: Thăng trầm xiếc Việt-Nước mắt đi trước, nụ cười đến sau

Nghệ thuật Xiếc Việt Nam-Niềm tự hào trăm năm của văn hóa dân tộc

Trong suốt 100 năm tồn tại với nhiều thăng trầm, người nghệ sỹ xiếc có những phút giây vinh quang dưới ánh đèn sân khấu nhưng khi màn nhung khép lại, họ cũng có lúc chìm trong tận cùng cơ cực.
Dưới ánh đèn sân khấu, nghệ sỹ thăng hoa, quên hết cơ cực trong quá trình tập luyện. (Ảnh: TTXVN)
Dưới ánh đèn sân khấu, nghệ sỹ thăng hoa, quên hết cơ cực trong quá trình tập luyện. (Ảnh: TTXVN)

Nói đến nghệ thuật xiếc, người ta có thể hình dung ra ngay không gian lấp lánh của sân khấu tròn, nơi người diễn viên phô diễn sức mạnh, sự khéo léo và lòng dũng cảm.

Rạp xiếc là nơi chứng kiến những tiếng hò reo, cổ vũ của khán giả, những tiếng cười sảng khoái, những ánh mắt trầm trồ ngưỡng mộ… Nhưng đâu đó, sau cánh màn nhung là những buổi tập luyện hết sức hà khắc, là những giọt nước mắt cay đắng của phận đời, phận nghề.

Từ gánh xiếc của nghệ sỹ nhân dân Tạ Duy Hiển, nghệ thuật xiếc Việt Nam đã có 100 năm tồn tại với nhiều thăng trầm. Nằm trong dòng chảy đó, người nghệ sỹ xiếc có những phút giây vinh quang nhưng cũng có lúc chìm trong tận cùng cơ cực.

Vinh quang trên sàn diễn

Nghệ sỹ nhân dân Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng thời của nghệ sỹ nhân dân Tạ Duy Hiển có thể coi là “bình minh” huy hoàng của xiếc Việt. Giai đoạn chiến tranh, có những lúc tưởng như xiếc là một món ăn tinh thần bị quên lãng nhưng rồi chính trong những năm đất nước gặp khó khăn nhất, đặc biệt trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, lại là thời kỳ xiếc Việt Nam phát triển và thăng hoa nhất.

Nghệ thuật Xiếc Việt Nam-Niềm tự hào trăm năm của văn hóa dân tộc ảnh 1Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông tặng hoa cho Hội đồng giám khảo Liên hoan Xiếc quốc tế 2022. (Ảnh: TTXVN)

“Các nghệ sỹ ra chiến trường biểu diễn được cấp một bộ quân nhu không khác gì những chiến sỹ. Họ say ‘men’ nghề, hết lòng cống hiến phục vụ đồng bào, bộ đội. Gian khổ vô cùng những cũng cực kỳ thăng hoa. Đoàn xiếc đi đến đâu chỉ cần bắc loa là bà con đến xem rất đông,” ông Tạ Duy Ánh cho hay.

Những năm gần đây, xiếc Việt cũng đã có sự “hồi sinh” mạnh mẽ sau một thời kỳ “ngủ đông” với những tiết mục xiếc đa dạng hơn, số buổi biểu diễn trong nước và quốc tế ngày một nhiều. Đó chính là nhờ việc kế thừa phát huy truyền thống từ lâu đời trong dân gian đồng thời học tập, tiếp thu những thành tựu của xiếc thế giới.

Đến nay, xiếc Việt Nam đã có đầy đủ các bộ môn: nhào lộn, tung hứng, đu trên cao, thăng bằng, ảo thuật, hề, các tiết mục tạp kỹ, xiếc thú… và bước đầu thử nghiệm, dàn dựng một số chương trình xiếc theo chủ đề với phong cách hiện đại nhưng trên chất liệu văn hóa truyền thống Việt Nam. Một trong những sáng tạo của xiếc Việt những năm gần đây là việc dàn dựng các tiết mục theo kịch bản dựa trên những câu chuyện quen thuộc với nhiều người, nhiều lứa tuổi như “Thạch Sanh,” “Sơn Tinh-Thủy Tinh,” “Đám cưới chuột,” “Alibaba và những tên cướp,”... rất được yêu thích, nhất là thiếu nhi. Những chương trình đậm tính nghệ thuật như “Làng tôi”“Sông Trăng” những năm qua đã làm rạng danh xiếc Việt trên các sân khấu quốc tế và góp phần vào quảng bá văn hóa, hình ảnh của Việt Nam với thế giới.

Nghệ thuật Xiếc Việt Nam-Niềm tự hào trăm năm của văn hóa dân tộc ảnh 2Tiết mục 'Đế kiếm đu dây lụa' do nghệ sỹ trẻ Khánh Huyền biểu diễn vừa giành giải thưởng tại Nga. (Ảnh: Liên đoàn Xiếc Việt Nam)

Theo nghệ sỹ nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, điều đáng ghi nhận là các chương trình xiếc Việt hiện nay không còn là những trò diễn đơn lẻ mà đã là những chương trình có kịch bản tổng thể, thống nhất từ nội dung, âm nhạc đến trang phục.

“Kỹ thuật xiếc thì ở đâu cũng giống nhau, để làm nên bản sắc riêng thì xiếc Việt Nam phải giữ được hồn dân tộc. Bên cạnh việc hiện đại hóa các tiết mục theo xu hướng quốc tế, yếu tố truyền thống luôn được hướng tới, đó là phần âm nhạc, đạo cụ, trang phục… phải thể hiện được chất liệu của người Việt,” nghệ sỹ nhân dân Tống Toàn Thắng nhấn mạnh.

Trước xu thế phát triển, đổi mới các loại hình nghệ thuật, xiếc Việt ngày một đa dạng, phong phú với kỹ thuật, kỹ xảo biểu diễn có nhiều cải tiến. Cùng với đó, sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến cũng đưa xiếc Việt hội nhập chung vào dòng chảy xiếc thế giới nhưng vẫn luôn giữ được những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc.

Đặc biệt, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, xiếc Việt không ngừng đổi mới, ngày càng đáp ứng được thị hiếu của đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Các đoàn xiếc, nghệ sĩ, diễn viên đã khẳng định được tài năng, tên tuổi bằng các danh hiệu, giải thưởng qua các liên hoan xiếc trong nước và quốc tế.

Có thể kế đến tiết mục nhào lộn trên không mang tên “Cánh chim Việt” do Ngọc Ánh và Thu Thùy (Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam) biểu diễn đã xuất sắc đoạt giải thưởng cao nhất tại Liên hoan Xiếc quốc tế Circuba tại Thủ đô La Habana (Cuba) năm 2017.

Nghệ thuật Xiếc Việt Nam-Niềm tự hào trăm năm của văn hóa dân tộc ảnh 3Nghệ sỹ Khánh Huyền nhận giải Ngựa đồng tại Liên hoan Xiếc Không biên giới tháng 11/2022 ở Nga. (Ảnh: Liên đoàn Xiếc Việt Nam)

Đặc biệt, tháng 12/2021, anh em nghệ sỹ xiếc Giang Quốc Cơ-Giang Quốc Nghiệp đã xác lập kỷ lục Guinness thế giới với màn chồng đầu leo 100 bậc thang tại Nhà thờ Chính tòa ở Tây Ban Nha trong 53 giây, phá vỡ kỷ lục của chính mình đã xác lập năm 2016 là leo 90 bậc thang trong 52 giây.

Mới đây nhất, tiết mục “Đu son” do hai nghệ sỹ Phạm Thị Hướng và Trương Hồng Thúy biểu diễn đã được trao giải Vàng tại Liên hoan quốc tế “Công chúa xiếc” (22-26/10) và tiết mục “Đế kiếm đu dây lụa” do nghệ sỹ trẻ Khánh Huyền biểu diễn được trao giải Ngựa đồng tại Liên hoan Xiếc quốc tế “Không biên giới” (3-6/11). Hai liên hoan đều diễn ra tại Liên bang Nga, cái nôi lâu đời của nghệ thuật xiếc.

Đạo diễn của hai tiết mục nói trên, nghệ sỹ nhân dân Tống Toàn Thắng bày tỏ niềm vui khi xiếc Việt giành được kết quả đáng khích lệ như vậy tại Nga. Đây là điều đáng tự hào bởi sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các diễn viên, nghệ sỹ đã vượt qua khó khăn duy trì tập luyện và đạt được kết quả cao.

“Xiếc Việt ảnh hưởng từ Nga rất nhiều vì các nghệ sỹ Việt Nam được các chuyên gia Nga đào tạo. Ngay cả sân khấu tròn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng do Nga hỗ trợ xây dựng. Do đó, việc xiếc Việt Nam được vinh danh tại Nga là một sự khích lệ to lớn với các nghệ sỹ. Tôi tin rằng lý do là chúng ta đã tự tạo ra bản sắc do nghệ thuật xiếc của mình,” nghệ sỹ nhân dân Tống Toàn Thắng khẳng định.

Nghệ thuật Xiếc Việt Nam-Niềm tự hào trăm năm của văn hóa dân tộc ảnh 4Nghệ sỹ nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Nghệ sỹ nhân dân Tống Toàn Thắng cho rằng việc xiếc Việt liên tiếp giành thứ hạng cao tại các cuộc thi quốc tế cho thấy khả năng dàn dựng và biểu diễn của xiếc Việt Nam đã ghi được dấu ấn trong lòng công chúng thế giới, được giới chuyên môn đánh giá là là đất nước có “tiềm năng” về nghệ thuật xiếc.

“Đây cũng là động lực để thúc đẩy các nghệ sỹ trẻ có thêm lòng đam mê, tiếp tục phấn đấu rèn luyện để có cơ hội chinh phục các giải thưởng quốc tế, khẳng định vị thế và hình ảnh của xiếc Việt Nam, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Thành tích tại nước ngoài cũng là cơ sở để cơ quan quản lý tiếp tục quan tâm và đầu tư hơn nữa cho nghệ thuật xiếc,” nghệ sỹ nhân dân Tống Toàn Thắng nói.

Nước mắt sau cánh màn nhung

Đằng sau những vinh quang đã được ghi danh, ngành xiếc cũng phải đối mặt với muôn vàn “hỉ, nộ, ái, ố”. Nhiều người nói rằng xiếc là nghề “nước mắt đi trước, nụ cười đến sau” quả không sai bởi suốt chiều dài lịch sử của ngành, các nghệ sỹ xiếc đã phải trải qua biết bao thăng trầm, thậm chí có những lúc tưởng chừng như không gượng dậy được.

Có thể nói, giai đoạn khó khăn nhất là thời bao cấp. Khi đó, thu nhập của nghệ sỹ không đảm bảo đời sống, chế độ đãi ngộ không thỏa đáng khiến nội bộ ngành lục đục, mất đoàn kết.

Chưa kể, nơi “sáng đèn” là rạp trình diễn cũng vô cùng tạm bợ khiến việc tập luyện và biểu diễn của các nghệ sỹ hết sức khó khăn. Điều kiện thiếu thốn cũng khiến cho liên đoàn không thể chăm sóc tốt cho đàn thú, những con thú lớn bị bệnh, chết rất nhiều, số còn lại phải chuyển cho sở thú chăm sóc…

Nghệ thuật Xiếc Việt Nam-Niềm tự hào trăm năm của văn hóa dân tộc ảnh 5Rạp Xiếc Trung ương với sân khấu tròn được đưa vào sử dụng từ năm 1991 với sự trợ giúp của Nga. (Ảnh: Liên đoàn Xiếc Việt Nam)

Trong cuốn sách “Lịch sử Xiếc Việt Nam,” tác giả Mai Quân có ghi lại thời kỳ này: “Chế độ tập luyện hết sức lơi lỏng. Các phương tiện đạo cụ, phục trang liên tục mất mát, hư hỏng. Mọi kỷ cương không còn được tôn trọng như trước. Tổ chức công đoàn ba khóa liền không họp được đại hội để bầu ban chấp hành…”

Nhớ lại thời kỳ đó, nghệ sỹ nhân dân Tâm Chính, nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng ban lãnh đạo và tập thể diễn viên thời đó đứng trước hai lựa chọn: Thay đổi để tồn tại hay là tự tan rã.

Tháng 9/1987, nghệ sỹ Tâm Chính được Bộ Văn hóa-Thông tin bổ nhiệm làm Giám đốc Liên đoàn. Bà xác định rằng: “Muốn lòng người quy về một mối thì phải củng cố ngay cái tổ ấm của họ.”

Nghệ thuật Xiếc Việt Nam-Niềm tự hào trăm năm của văn hóa dân tộc ảnh 6Nghệ sỹ nhân dân Tâm Chính trong tiết mục Cô hàng giải khát (trái) và khi cùng các đồng nghiệp trình diễn tiết mục Thang đưa (NSND Tâm Chính ở dưới cùng). (Ảnh: NVCC)

Cùng ban lãnh đạo, bà Tâm Chính ráo riết thực hiện việc xây dựng Rạp Xiếc Trung ương theo chủ trương của Bộ Văn hóa-Thông tin, đôn đốc diễn viên tập luyện cho Liên hoan Xiếc toàn quốc năm 1987 để xốc lại tinh thần.

Cả đời cống hiến cho xiếc, bản thân nghệ sỹ Tâm Chính đã nếm trải quá nhiều cay đắng, vất vả ở cả cương vị diễn viên lẫn lãnh đạo.

Ngay cả khi mang bầu, nghệ sỹ Tâm Chính vẫn không rời xa sân khấu cho tới tận tháng thứ 5. Hậu quả của nhiệt huyết ấy là em bé nằm ngược. Mẹ con bà đã phải đối mặt với tử thần trong lúc lâm bồn. Nghĩ lại những khoảnh khắc ấy, bà vẫn không quên được cảm giác sợ hãi. Do bị ngạt nên con trai đầu lòng của bà tím tái toàn thân và không khóc được. Các bác sỹ phải làm mọi biện pháp cấp cứu thì em bé mới hồi tỉnh.

Sau khi nghỉ hưu, bà giữ cương vị Chủ tịch Liên Chi hội Xiếc Việt Nam. Bà vẫn thường chia sẻ với báo chí nỗi trăn trở về thu nhập của diễn viên xiếc quá thấp, khiến họ luôn phải bươn chải, tìm việc làm thêm.

Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nghệ sỹ nhân dân Tạ Duy Ánh thừa nhận rằng xiếc là một loại hình nghệ thuật đặc thù, thời gian khổ luyện thì dài mà thời gian làm nghề thì ngắn.

“Các diễn viên học xiếc từ khi ngoài 10 tuổi, học 5-7 năm mới thành tài. Họ lao động với cường độ cao, nguy hiểm. Kể từ ngoài 30 tuổi, sự dẻo dai, khéo léo, sức mạnh của họ cũng bắt đầu suy giảm,” ông Tạ Duy Ánh cho hay.

Với đặc thù tuổi nghề ngắn, xiếc Việt Nam nói chung, Liên đoàn xiếc Việt Nam nói riêng luôn thiếu hụt đội ngũ diễn viên xiếc trẻ, tài năng. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, chính sách xã hội hóa là xu hướng tất yếu đối với lĩnh vực sân khấu thì việc cắt giảm từng phần ngân sách cấp cho các đơn vị sân khấu công lập để chuyển dịch dần tới xã hội hóa hoàn toàn vẫn còn nhiều gian nan. Các đoàn xiếc phải oằn mình, từ gồng gánh sự nghiệp đến lo đời sống cho nhân viên. Người nghệ sỹ từ trức đến nay vốn chỉ quen “lên sân khấu”, thì nay phải lo tính toán xem diễn ra sao, bán thế nào được vé…

Chưa kể, sự phát triển của các phương tiện giải trí hiện đại, giai đoạn dịch bệnh COVID-19… cũng là những “cú đánh” chí mạng đối với sự nghiệp và cuộc sống mưu sinh của những người nghệ sỹ xiếc.

Nghệ sỹ nhân dân Tạ Duy Ánh cho hay giai đoạn dịch bệnh, liên đoàn không có hợp đồng biểu diễn nên đời sống nghệ sỹ rất khó khăn. Nhiều người phải bán hàng online hay đi giao hàng để kiếm thêm thu nhập.

Song, ông Tạ Duy Ánh vẫn cho rằng đơn vị mình vẫn còn may mắn vì là cơ sở trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nên có chính sách đảm bảo đời sống nghệ sỹ.

Nghệ thuật Xiếc Việt Nam-Niềm tự hào trăm năm của văn hóa dân tộc ảnh 7Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội gặp nhiều khó khăn do không có rạp, không có ô tô, thiếu nhân sự biểu diễn, thiếu kinh phí dàn dựng, thiếu cơ chế hỗ trợ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Quả thực, so với Liên đoàn Xiếc Việt Nam thì Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội khó khăn hơn nhiều bởi đây là đơn vị “hai không, ba thiếu”: Không có rạp, không có ô tô, thiếu nhân sự biểu diễn, thiếu kinh phí dàn dựng, thiếu cơ chế hỗ trợ.

Gặp phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Giám đốc nhà hát Bùi Thế Anh than thở: “Đời sống nghệ sỹ bấp bênh như làm xiếc.”

“Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là không có rạp. Do đó, mỗi khi tập luyện hay biểu diễn, chúng tôi phải thuê địa điểm nơi khác, tốn kém và bất tiện. Việc di chuyển cũng làm tăng thêm chi phí vì phải thuê phương tiện vận chuyển cả nghệ sỹ và đạo cụ. Hơn nữa, đối với diễn viên xiếc, ‘trăm hay không bằng tay quen’, việc được diễn ở sân khấu quen thuộc giúp họ tạo ra các động tác chuẩn xác hơn,” ông Bùi Thế Anh cho biết.

Giám đốc Bùi Thế Anh khẳng định rằng nếu có rạp đàng hoàng, ông dám cam đoan sẽ duy trì sân khấu “sáng đèn,” đảm bảo đời sống cho anh chị em nghệ sỹ và có thể bố trí công việc phù hợp cho những người đã hết tuổi biểu diễn.

Đồng tình với ý kiến này, nghệ sỹ Phạm Thị Kim Hoa cho hay giai đoạn dịch bệnh COVID-19 như một nốt trầm của nhà hát bởi không có hợp đồng biểu diễn nên các nghệ sỹ cũng không có nguồn thu. Bản thân chị phải đi dạy yoga để kiếm thêm thu nhập.

Chị Phạm Thị Kim Hoa từng là diễn viên “đinh” của nhà hát, chị là người Việt Nam đầu tiên thực hiện 4 cú lộn vòng trên không. Đáng tiếc, sự nghiệp của chị vụt tắt do tai nạn trong một lần tham dự liên hoan tại Trung Quốc. Từ đó, giấc mơ “đăng quang” ở liên hoan, nhận danh hiệu nghệ sỹ ưu tú vỡ vụn, chị lui về hậu trường với vai trò đào tạo.

Nghệ thuật Xiếc Việt Nam-Niềm tự hào trăm năm của văn hóa dân tộc ảnh 8Điều kiện tập luyện còn nhiều khó khăn tại Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Tuổi nghề nghệ sỹ xiếc rất ngắn. Chấn thương là chuyện xảy ra như cơm bữa. Nhẹ thì chúng tôi nghỉ ngơi rồi tiếp tục lên sàn diễn. Nặng thì giải nghệ, lui về phía sau. Do đó, để đảm bảo đời sống, chúng tôi rất mong một chế độ đãi ngộ đặc thù về lương, bồi dưỡng, bảo hiểm...,” nghệ sỹ bày tỏ.

Trước nguyện vọng này, nghệ sỹ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam rất đồng tình. Bà cho biết ngành xiếc Việt được vinh danh tại các đấu trường quốc tế, đi biểu diễn khắp thế giới nhưng không đồng nghĩa với việc các nghệ sỹ đang có cuộc sống sung túc.

"Đời sống diễn viên xiếc hiện nay vẫn còn nhiều nhọc nhằn, muốn đầu tư phải có bệ đỡ từ nguồn ngân sách nhà nước và nghệ sỹ được quy hoạch vào diện thi đấu quốc tế rất cần được hưởng cơ chế đặc thù," bà Trịnh Thúy Mùi nói./.

Theo dõi loạt bài tại đây:

Bài 1: Cha đẻ ngành xiếc và những “viên gạch” đầu tiên

Bài 3: Đi tìm chìa khóa mở ra tương lai cho ngành xiếc Việt Nam

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục