Tăng cường xử lý hình sự với vi phạm về thực phẩm chức năng

Bài 5: Tăng cường xử lý hình sự với vi phạm về thực phẩm chức năng

Tổng doanh thu của thực phẩm chức năng tại Việt Nam năm 2016 là 63.600 tỷ đồng, (tương đương hơn 2.891 triệu USD. Số người Việt sử dụng thực phẩm chức năng khoảng 20 triệu người.
Bài 5: Tăng cường xử lý hình sự với vi phạm về thực phẩm chức năng ảnh 1Lực lượng chức năng liên ngành tại Hà Nội thu giữ một số lượng lớn thực phẩm chức năng nhập từ nước ngoài về đã hết hạn sử dụng. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Những con số về thống kê doanh thu từ việc kinh doanh thực phẩm chức năng tại Việt Nam được công bố cho thấy thị trường này đang phát triển mạnh mẽ. Tổng doanh thu của loại sản phẩm này tại Việt Nam năm 2016 là 63.600 tỷ đồng, (tương đương hơn 2.891 triệu USD. Số người Việt sử dụng thực phẩm chức năng khoảng 20 triệu người.

Đánh giá về thực trạng này, Ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế thừa nhận: Các mặt hàng dược phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu, vị thuốc cổ truyền giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc… có chiều hướng gia tăng.

["Đòn bẩy" lành mạnh hóa thị trường thực phẩm chức năng]

Vì vậy, hơn bao giờ hết, công tác đẩy mạnh quản lý cũng như nâng cao ý thức, hiểu biết của người dân về vấn đề này cần được đẩy mạnh nhằm lành mạnh hoá thị trường hai mặt hàng này.

Tỉnh táo trước thực phẩm chức năng

Nói về thực phẩm chức năng, bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thẳng thắn: “Thuốc chỉ để chữa bệnh, thực phẩm ăn hàng ngày như cơm, gạo rau để bổ sung năng lượng và vi chất dinh dưỡng, còn thực phẩm chức năng-thực phẩm bổ sung ở giữa rất chông chiêng, mông lung và có rất nhiều vấn đề không an toàn.

Bác sỹ Nguyên phân tích, để tạo ra một thuốc hiện đại, đặc biệt là tân dược phải tri qua nhiều khâu, giai đoạn nghiên cứu, thử nghiệm trên phòng thí nghiệm, trên động vật, trên người, trên người tình nguyện.

Thuốc có rất nhiều bước thẩm định kiểm tra mới cho phép dùng trên người trong nhiều năm, nhiều công đoạn và có xét nghiệm, kiểm tra, giám sát… qua nhiều phương pháp nghiên cứu, đánh giá bằng nhiều chuyên gia, hội đồng mới cấp giấy chứng nhận cho phép sử dụng trên người. Trong quá trình sử dụng, nếu một loại thuốc thấy có vấn đề, thu hồi ngay và không cho dùng vĩnh viễn, không cho lưu hành nữa. Thực tế, có rất nhiều loại thuốc đã đưa ra thị trường sau đó phải hủy vì họ thấy hại nhiều hơn lợi.


[Bài 2: Sự phát triển “thần tốc” của thị trường thực phẩm chức năng]

Bác sỹ Nguyên chỉ rõ: “Đáng lo ngại, đối với những sản phẩm, chế phẩm bổ sung dinh dưỡng thì các quá trình thử nghiệm đánh giá đó rất lỏng lẻo và các cơ quan quản lý hiện nay chúng ta không thể kiểm soát được hết và dường như đang để trách nhiệm ấy cho các nhà sản xuất. Hiện nay, chúng ta yêu cầu không được quảng cáo có tác dụng chữa bệnh, chỉ định chữa bệnh, nếu xảy ra vấn đề gì đó cơ quan chức năng sẽ kiểm tra và nhà sản xuất sẽ phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Bên cạnh đó là quảng cáo, quảng bá, kinh doanh qua mạng, bán hàng đa cấp và kết hợp quảng cáo hiện nay làm cho thực phẩm chức năng thành thần thánh. Người dân không tỉnh táo đổ rất nhiều tiền của cho thực phẩm chức năng.”

Bài 5: Tăng cường xử lý hình sự với vi phạm về thực phẩm chức năng ảnh 2Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). (Ảnh: T.G/Vietnam+)

“Nếu tác dụng của nó thật sự tốt thì các nhà khoa học, các hệ thống công ty dược, các cơ quan nhà nước, chính phủ đã nghiên cứu để chuyển nó thành thuốc thật sự, không phải mất công làm thực phẩm chức năng vì người ta luôn luôn tìm kiếm thuốc mới. Đó là khoảng trống, điểm hở hiện nay, kể cả các nước phát triển cũng vậy. Bên cạnh việc kiểm soát không để thực phẩm chức năng được quảng cáo như thuốc, người dân cũng phải nhận thấy giá trị thực của sản phẩm, không nên đổ quá nhiều tiền của vào thực phẩm chức năng, trong khi giá của những sản phẩm đó đắt hơn rất nhiều so với thuốc. Vì vậy, người sử dụng thực phẩm chức năng luôn luôn phải cảnh giác,” thạc sỹ Nguyễn Trung Nguyên cho hay.

Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cũng bày tỏ lo ngại: Không lo thiếu thực phẩm chức năng mà chỉ lo thiếu thực phẩm chức năng tốt. Nếu không nghiêm khắc quản lý chặt mà để thực trạng như hiện nay doanh nghiệp đầu tư tiền tỷ nghiêm túc cũng giống như doanh nghiệp đầu tư ít, sản phẩm có chất lượng cũng bày bán giống như sản phẩm kém chất lượng sẽ loạn thị trường, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Siết chặt tiêu chuẩn GMP

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhấn mạnh, sự xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm thực phẩm chức năng đã góp phần làm cho thị trường này ngày càng phong phú, đa dạng.

[Bài 3 - “Vàng thau lẫn lộn”: Đến bác sỹ cũng phải ngả mũ sợ]

Chính vì vậy, các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý, điều chỉnh cho nhóm sản phẩm này hiện đang tiếp tục hoàn thiện, tuy nhiên cái khó là việc triển khai công tác này trong thực tế do có quá nhiều sản phẩm, nhiều sản phẩm lại có sự giao thoa trong công tác quản lý và ý thức chấp hành của một bộ phận doanh nghiệp chưa tốt.

Đặc biệt, để siết chặt hơn các hoạt động quản lý với những doanh nghiệp cố tình có hoạt động kinh doanh “chộp giật”, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc... Theo đó, Bộ Y tế sẽ tiếp tục duy trì việc kiểm soát, thanh tra một cách chặt chẽ hoạt động này.

Ngày 2/2/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành Luật ATTP thay thế cho Nghị định 38 trước đây. Trong Nghị định mới này có một nội dung quy định từ ngày 1/7/2019, tất cả các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải đạt tiêu chuẩn GMP, với các điều kiện tiệm cận điều kiện sản xuất thuốc. Đây được coi là công cụ để ngăn chặn các thực phẩm kém chất lượng lọt ra thị trường.

Do vậy, với những cơ sở này, theo lộ trình thực hiện GMP đã được đề ra, nếu sau 1/7/2019 mà vẫn không đạt tiêu chuẩn GMP, không được cấp chứng nhận GMP thì sẽ không được phép tiếp tục sản xuất.

Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có khoảng 4.000 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Nếu áp dụng đúng theo các tiêu chuẩn GMP thì số lượng cơ sở đủ điều kiện chỉ vào khoảng trên dưới 300 cơ sở. Hy vọng, đây sẽ là một cú hích mạnh để siết chặt chất lượng của việc sản xuất các mặt hàng thực phẩm chức năng như hiện nay.

Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, việc doanh nghiệp cố tình làm ăn chụp giật vì lợi nhuận mà quảng cáo quá mức, dù họ biết nhưng họ vẫn chuyển tải quá mức trong thời gian vừa qua xảy ra rất nhiều và Bộ Y tế đã có chiến dịch đi kiểm soát, kiểm tra các cơ sở đó.

Bà Nga phân tích, với Chỉ thị số 17 của Chính phủ về tăng cường công tác hậu kiểm để kiểm soát việc doanh nghiệp sản xuất kinh doanh quảng cáo thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm và kế hoạch của Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng đã đưa ra một kế hoạch hậu kiểm tổng thể đối với tất cả các nhóm ngành hàng của Bộ Y tế và có các đoàn đi kiểm tra lại công tác của các đoàn địa phương.

“Hình thức chuyển đổi phương thức quản lý tiền kiểm thay vì hậu kiểm có nhiều thay đổi. Nếu như tiền kiểm trên toàn bộ hồ sơ và kiểm nghiệm mẫu có thể đạt nhưng ra thị trường có thể không đạt, vì vậy công tác hậu kiểm rất quan trọng. Nếu như chúng ta làm tiền kiểm thì công tác hậu kiểm lại giảm nhẹ, còn nếu dồn hết thời gian làm hậu kiểm thì khi sản phẩm ra thị trường sẽ được các lực lượng tiến hành hậu kiểm và khi phát hiện sẽ bị xử lý.

Tất nhiên không thể có quốc gia nào có thể kiểm soát được 100% sản phẩm sau khi đã lưu thông ra thị trường không để xảy ra sự cố và sản xuất thực phẩm không phải cứ một lô an toàn là 10 lô an toàn,” bà Ngân nói.


[Bài 4: Hàng giả, hàng nhái hình thành các đường dây khép kín]

Trước câu hỏi, liệu công tác hậu kiểm có kiểm soát được chặt chẽ với lực lượng có hạn không khi thị trường thực phẩm chức năng “trăm hoa đua nở” như hiện nay, bà Nga khẳng định, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, ở tuyến trung ương và tuyến địa phương có thanh tra chuyên ngành. Đội ngũ thanh tra chuyên ngành này thực hiện công tác hậu kiểm. Ngoài ra, theo Luật Thanh tra thì công chức làm việc trong các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm được đào tạo, được cấp chứng chỉ thì cũng được giao nhiệm vụ làm công tác thanh tra chuyên ngành.

“Như Cục An toàn Thực phẩm có 120 người, nếu chúng tôi đã đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ được cho toàn bộ hoặc 100 người/120 người, trừ những người làm hành chính thì 100 người đó cũng có thể đi làm công tác hậu kiểm và thanh tra. Công tác thanh tra nhiều khi kiểm tra nhãn xem họ làm đúng không, lực lượng đó có thể làm được. Ở tuyến quận, huyện, xã, phường chưa có thanh tra chuyên ngành nhưng các cán bộ làm công tác quản lý ở tuyến này cũng đi thực hiện làm công tác hậu kiểm,” bà Nga giải thích.

Về các giải pháp với việc bán hàng trên mạng, hàng xách tay, vị Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh: “Chúng tôi đang đề xuất với Bộ Truyền thông cố gắng xây dựng cơ chế để quản lý bán hàng đa cấp và bán hàng trên mạng, khuyến cáo mọi người làm sao không sử dụng hàng xách tay.”

Bài 5: Tăng cường xử lý hình sự với vi phạm về thực phẩm chức năng ảnh 3Vụ “Vinaca ung thư Co3.2” - thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị ung thư làm từ than tre đã chuyển hồ sơ sang phía công an xử lý. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Tăng cường xử lý hình sự

Để làm tốt công tác quản lý mỹ phẩm và thực phẩm chức năng, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) phân tích, thời gian tới, Chính phủ, các cấp, các ngành cần tập trung một số giải pháp như nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi, trong đó chú trọng kiểm soát biên giới, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa.

Các lực lượng thực thi cũng cần ưu tiên tập trung nguồn lực vào các lĩnh vực mặt hàng trọng điểm, chủ động ứng phó với những diễn biến, xu hướng mới của nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

“Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân, doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm xã hội, nâng cao nhận thức, chủ động, tích cự tham gia đấu tranh và phòng tránh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt là công tác hoàn thiện hành lang pháp lý, nâng cao chế tài xử phạt, nhất là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tăng cường xử lý hình sự và dân sự. Chúng tôi cũng sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác với các quốc gia trong khu vực trong việc kiểm soát biên giới,” ông Linh phân tích.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường cũng nhấn mạnh, đối với mặt hàng thực phẩm chức năng, về quản lý chuyên ngành, mặt hàng này thuộc lĩnh vực của Bộ Y tế. Vì vậy, Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Y tế tăng cường kiểm soát chặt chẽ từ khâu cấp phép đến hậu kiểm. Tăng cường phối hợp, cập nhật, chia sẻ thông tin giúp các cơ quan thực thi trong đó có quản lý thị trường để kịp thời có biện pháp kiểm tra, kiểm soát phòng chống, ngăn chặn hiệu quả vi phạm về mỹ phẩm, thực phẩm chức năng thời gian tới.

Như vậy, Nghị định 15/2018/NĐ-CP ra đời đã tạo nhiều thay đổi trong quản lý an toàn thực phẩm, thể hiện nỗ lực và quyết tâm lớn của Chính Phủ, Bộ Y tế cùng nhiều cơ quan liên quan. Tuy nhiên, với lĩnh vực thực phẩm chức năng vẫn còn quá nhiều khúc mắc.

Mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước đối với nhóm sản phẩm đặc biệt này đã được nêu tại Luật An toàn thực phẩm, nhưng vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng dường như vẫn chưa đạt được như mong đợi, cần những hành động và chiến lược thực hiện mạnh mẽ hơn, để bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng trước sự phát triển của thị trường thực phẩm chức năng với nhiều biến tướng nguy hiểm như hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục