[Lời hịch của vị Tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp]
Bài học làm người tử tế Khi vào Văn phòng Đại tướng, ông Phạm Khắc Lãm mới chỉ là người em 17 tuổi. Có lẽ vì tuổi đời còn nhỏ nên ông khiêm tốn bảo: “Không nên nói là tôi đến làm việc mà tôi đến đấy là được học tập, được rèn luyện. Những năm tháng đó đối với tôi là một trường học, lớp huấn luyện và người thầy là anh Văn (bí danh của cố Đại tướng) cùng nhiều cấp trên của tôi ở đơn vị đó là trợ giáo của Đại tướng.” Trong suốt cả câu chuyện, ông luôn nhắc lại nhiều lần rằng, mình giúp việc được cho anh Văn thì ít mà học tập được nhiều. Nhiệm vụ của ông là chuyên trách nghe đài, báo để điểm tin hàng ngày với Đại tướng. Trong bảy năm gắn bó bên Đại tướng, “tôi học được nhiều bài học, như cách làm việc của anh Văn rất khoa học, rất trật tự, biểu hiện qua sắp xếp chương trình; mọi quyết định đều được anh lật đi lật lại, cân nhắc kỹ càng trước khi có quyết định cuối cùng. Cũng nhiều khi tôi thấy anh trăn trở, suy nghĩ, đó là khi anh phải cân nhắc tất cả các mặt của vấn đề trước khi có quyết định cuối cùng,” ông Lãm nhớ lại. Cũng trong thời gian đầu của tuổi trưởng thành được gần gũi một nhân cách lớn như Đại tướng, chàng thanh niên mà sau này trở thành Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam đã học được nhiều bài học sâu sắc cho hành trang cuộc đời mình. “Anh Văn luôn giáo dục, dặn dò chúng tôi phải học làm người, trước khi học bất cứ cái gì khác thì phải biết làm một người tử tế. Sau này, khi giữ vai trò Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học thì anh vẫn luôn luôn chỉ đạo Hội Khuyến học trước hết phải dạy làm người sau đó mới dạy văn hóa, ngoại ngữ và những cái khác. Theo anh, đó là điều quan trọng nhất của đường lối giáo dục,” ông Phạm Khắc Lãm bồi hồi. Cho đến mùa Xuân năm 1954, khi nhận quyết định rời đơn vị để đi học ở Trung Quốc, ông Lãm được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng tấm ảnh chân dung với lời thủ bút: “Chúc cậu Lãm học chuyên môn giỏi và chú ý tự rèn luyện về chính trị.” “Câu nói ấy của anh Văn cũng đã trở thành là phương châm để tôi phấn đấu thực hiện các mục tiêu công việc trong những năm sau đó của cuộc đời mình. Và cho đến bây giờ, đó vẫn là phương châm tôi cố gắng thực hiện,” ông Lãm cho hay.

Đại tướng thăm bà Phạm Thị Nghèng, xã Quang Phú, Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình- Anh hùng Lao động thời đổi mới. (Ảnh: Võ Thành/Vietnam+)