Bảo tồn di tích còn nhiều bất cập về cảnh quan môi trường

Kiến trúc sư Lê Thành Vinh (Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích) cho rằng, hiện nay, công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động bảo tồn, tu bổ di tích chưa được chú trọng.
Bảo tồn di tích còn nhiều bất cập về cảnh quan môi trường ảnh 1Thảm thực vật rừng nguyên sinh cùng hệ sinh thái đất ngập nước phong phú tại quần thể danh thắng Tràng An. (Ảnh: TTXVN)

“Trên thực tế, do khả năng hạn hẹp về tài chính và sự thiếu phối hợp giữa các ngành có trách nhiệm về văn hóa và môi trường nên công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động bảo tồn, tu bổ di tích chưa được chú trọng.”

Đó là ý kiến của kiến trúc sư Lê Thành Vinh - Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tại tọa đàm “Xây dựng tiêu chí bảo vệ môi trường tại các di tích quốc gia Việt Nam” diễn ra sáng nay (16/12) tại Hà Nội. Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Dẫn chứng cụ thể cho vấn đề này, ông Vinh chia sẻ: “Tất cả các dự toán bảo tồn di tích mà tôi đã từng đọc trong hàng chục năm làm công tác bảo tồn di tích văn hóa không hề có chi phí cho việc vận chuyển phế thải.”

Viện trưởng Viện Bảo tồn Di tích chỉ rõ, khi không được cấp kinh phí, các nhà thầu sẽ không thể xử lý phế thải theo đúng quy trình, quy định. Điều này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến các khu di tích.

Trong khi đó, theo kiến trúc sư Lê Thành Vinh, di tích và cảnh quan môi trường di tích là hai yếu tố không thể tách rời; việc bảo vệ di tích luôn phải gắn liền với việc bảo vệ cảnh quan, môi trường.

“Hệ thống di tích của Việt Nam là sự kết tinh của mối quan hệ tổng hòa giữa thiên nhiên-con người-văn hóa-kinh tế-xã hội. Đối với các di tích danh thắng, bản thân môi trường, cảnh quan là một bộ phận cấu thành nên di sản,” ông Vinh nhấn mạnh.

Dẫn giải cụ thể hơn về vấn đề này, kiến trúc sư Lê Thành Vinh lấy khu Di sản Văn Thế giới Mỹ Sơn làm ví dụ. Khu di sản này có diện tích bảo vệ khu vực 1 là 324.600m2.

“Như vậy, ngoài các phế tích đền tháp Chăm (với quy mô không lớn) thì phần lớn diện tích còn lại của khu di tích là cảnh quan môi trường với phức hợp hệ thống cây xanh, dòng suối, núi đồi của thung lũng này. Bảo tồn di tích Mỹ Sơn chính là bảo tồn cả tổng thể cảnh quan môi trường ở đó,” ông Vinh nói.

Bảo tồn di tích còn nhiều bất cập về cảnh quan môi trường ảnh 2Khu Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn (Ảnh: TTXVN)

Trên cơ sở đó, kiến trúc sư Lê Thành Vinh cho rằng, các đơn vị chức năng cần đánh giá thực trạng môi trường tại các di tích, lập danh mục các đối tượng thuộc lĩnh vực môi trường trong các khu di tích cần được bảo tồn và cải thiện.

“Việc này cần được thực hiện liên tục, trước và sau các dự án bảo tồn di tích để đánh giá tác động của dự án bảo tồn (cũng như các dự án phát triển khác) đối với di tích, cũng như đánh giá tác động về môi trường trong quá trình sử dụng, phát huy giá trị di sản,” kiến trúc sư Lê Thành Vinh kiến nghị.

Bên cạnh đó, ông Vinh cho rằng, việc xây dựng các tiêu chí bảo vệ môi trường tại các di tích cần dựa vào đặc điểm riêng của khu di tích đó, chứ không chỉ dựa trên cơ sở những quy định về bảo vệ môi trường nói chung.

Cụ thể, theo kiến trúc sư Nguyễn Thành Vinh, hiện nay, dự thảo “Bộ tiêu chí bảo vệ môi trường tại các di tích ở Việt Nam” đưa ra tiêu chí về số lượng phòng vệ sinh tại các khu di tích (đáp ứng nhu cầu sử dụng du khách tại thời điểm lớn nhất) là không khả thi.

“Các khu di tích có tần suất hoạt động khác nhau ở các thời điểm trong năm. Vào mùa lễ hội, nhà vệ sinh thường không đảm bảo phục vụ nhu cầu du khách. Đưa ra tiêu chí đảm bảo đủ nhà vệ sinh khi đông người nhất là không hợp lý. Ở những thời điểm đó, ban quản lý di tích phải có phương án sử dụng nhà vệ sinh di động,” ông Vinh phân tích.

Đứng ở một góc độ khác, phó giáo sư-tiến sỹ Đặng Văn Bài (Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Quốc gia) cho rằng: các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tới di sản, các tổ chức xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng và các cơ quan truyền thông cần được kết nối lại thành sức mạnh tổng hợp để thay đổi nhận thức xã hội, liên kết cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường tại các di tích./.

Đại diện Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, hiện nay, Việt Nam có khoảng bốn vạn di tích, trong đó: tám khu di tích được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới và Di sản thiên nhiên thế giới, 48 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, hơn 3000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia…
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục