Bầu cử Mỹ 2020: Đại cử tri tại 6 bang chiến địa bỏ phiếu cho ông Biden

Các bang chiến địa gồm Nevada, Georgia, Pennsylvania, Arizona, Michigan và Wisconsin đều đã ấn định chiến thắng trong cuộc bầu cử cho ông Biden trong cuộc họp ở mỗi bang.
Bầu cử Mỹ 2020: Đại cử tri tại 6 bang chiến địa bỏ phiếu cho ông Biden ảnh 1Ông Joe Biden phát biểu tại Wilmington, Delaware, ngày 11/12. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chiều 14/12 theo giờ địa phương, truyền thông Mỹ cho biết các đại cử tri tại tất cả 6 bang chiến địa mà Tổng thống Donald Trump tiến hành các cuộc pháp lý về kết quả bầu cử đã khẳng định bỏ phiếu bầu cho ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden.

Các đại cử tri từ các bang quan trọng mà ông Joe Biden đã chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 vừa qua đã bỏ phiếu bầu tổng thống trong quy trình cử tri đoàn để chính thức khẳng định ông Biden được bầu làm tổng thống thứ 46 của Mỹ.

Các bang chiến địa gồm Nevada, Georgia, Pennsylvania, Arizona, Michigan và Wisconsin đều đã ấn định chiến thắng trong cuộc bầu cử cho ông Biden trong cuộc họp ở mỗi bang.

[Tổng thống Donald Trump khẳng định tiếp tục thách thức pháp lý]

Các cuộc bỏ phiếu của bang California sau đó dự kiến sẽ đưa ông Biden vượt qua tổng số 270 phiếu đại cử tri cần thiết để chính thức giành tấm vé vào Nhà Trắng.

Ba đại cử tri của Vermont là những người đầu tiên bỏ phiếu cho ông Biden, trong khi các đại cử tri tại Tennessee là những người ngay sau đó với 11 phiếu dành cho Tổng thống Donald Trump.

Năm bang quan trọng mà ông Trump đã giành chiến thắng gồm North Carolina, Ohio, Florida, Missouri và Texas đều bỏ phiếu bầu cho Tổng thống Mỹ.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong tiến trình bầu cử Mỹ diễn ra 4 năm một lần, việc các đại cử tri bỏ phiếu thường được coi là mang tính hình thức nhằm chính thức hóa kết quả của cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay khi đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump không thừa nhận thất bại trước ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden và có các hành động pháp lý nhằm thay đổi kết quả bầu cử với cáo buộc có gian lận trong quá trình bầu cử tại một số bang chiến địa, sự kiện này thu hút sự chú ý lớn của dư luận cũng như mang ý nghĩa lớn hơn.

Hiến pháp Mỹ quy định những lá phiếu chính thức của đại cử tri mới quyết định ai sẽ là tổng thống mặc dù các cử tri trên toàn quốc đã bỏ phiếu bầu tổng thống hơn một tháng trước đó.

Mỗi bang có những quy tắc riêng để lựa chọn đại cử tri và số đại cử tri của mỗi bang bằng số thành viên trong đoàn đại biểu quốc hội của bang đó.

Như vậy, cử tri đoàn gồm 538 đại cử tri của các bang và ứng cử viên tổng thống nào giành được 270 phiếu bầu sẽ chính thức trở thành tổng thống đắc cử. Tổng thống đắc cử sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021.

Tổng thống Trump vẫn có thể tìm kiếm một cơ hội nhỏ để cản trở quá trình trên nếu một thành viên của Hạ viện và một thành viên của Thượng viện phản đối quá trình kiểm phiếu bầu của các đại cử tri vào ngày 6/1/2021. Hai viện Quốc hội sẽ hoãn lại kiểm phiếu để xem xét.

Theo luật liên bang, các đại cử tri tập trung ở các bang riêng biệt để bỏ phiếu và các cuộc bỏ phiếu diễn ra tại tòa nhà nghị viện của mỗi bang.

Ở nhiều bang, đại cử tri nhóm họp tại văn phòng của thống đốc bang hoặc người đứng đầu về quan hệ đối ngoại của bang.

Kết quả của cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn sẽ được gửi tới quốc hội, nơi lưỡng viện sẽ nhóm họp vào ngày 6/1, với sự chủ trì của Chủ tịch Thượng viện là Phó Tổng thống Mike Pence để kiểm phiếu và công bố chính thức ai sẽ trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.

Nhiều nhận định cho rằng kể cả có “các đại cử tri bất tín,” không bỏ phiếu cho ứng cử viên như đã cam kết, nhưng chiến thắng chung cuộc sẽ vẫn thuộc về ông Joe Biden và người liên danh tranh cử là bà Kamala Harris. Hơn nữa, việc các đại cử tri thay đổi cam kết hiếm khi xảy ra.

Kể từ năm 1948, chỉ có 16 trường hợp đại cử tri bầu cho người khác, trong đó có 7 đại cử tri thay đổi vào năm 2016.

Để hạn chế tình trạng này xảy ra, 32 bang và Đặc khu Columbia có luật yêu cầu các đại cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên mà họ đã cam kết và thậm chí nhiều bang trong số này còn đưa ra hình phạt đối với những đại cử tri thay đổi.

Với những diễn biến hiện nay, Tổng thống Trump và đội ngũ pháp lý của ông sẽ không dễ dàng từ bỏ các thách thức pháp lý dù trước đó Tòa án Tối cao Mỹ đã bác bỏ vụ kiện do Tổng chưởng lý bang Texas dẫn đầu nhằm đảo ngược kết quả tại 4 bang quan trọng mà ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ giành chiến thắng.

Một ngày trước khi cử tri đoàn tiến hành bỏ phiếu, trong một cuộc phỏng vấn, Tổng thống Trump tiếp tục cáo buộc có gian lận trong bầu cử và khẳng định tiếp tục theo đuổi các vụ kiện.

Những tuyên bố của Tổng thống Trump khiến nhiều người lo ngại các cử tri trung thành với ông sẽ có những phản ứng tiêu cực đối với kết quả bầu cử.

Trước đó, ngày 12/12, hàng nghìn người đã tham gia một cuộc biểu tình ở trung tâm thủ đô Washington nhằm bày tỏ ủng hộ đối với Tổng thống Trump./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục