Ngày 19/4, tại Hà Nội, Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội phối hợp với Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo khu vực phía Bắc “Nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân và việc thúc đẩy bình đẳng giới.”
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo hội thảo.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu khai mạc nêu rõ: tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV (26,72%) và tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng Nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 ở cả 3 cấp đều cao hơn khóa trước nhưng vẫn chưa đạt được chỉ tiêu như mong muốn.
Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân, tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân phải bảo đảm tối thiểu 35%. Để đạt tỷ lệ nữ đại biểu cao hơn nhiệm kỳ trước và đặc biệt, đạt mục tiêu mong muốn là thách thức rất lớn đòi hỏi phải có các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả, quyết tâm chính trị cao. Điều rất quan trọng là sự cố gắng, nỗ lực của chính các nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh các nữ đại biểu Quốc hội đã có nhiều đóng góp trong hoạt động của Quốc hội, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng cử tri và nhân dân cả nước. Đặc biệt, nữ đại biểu Quốc hội giữ vai trò nòng cốt trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật và ngày càng có nhiều đóng góp tích cực trong hoạt động ngoại giao nghị viện.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết trước khi hiệp thương lần 3, theo số liệu tổng hợp của Hội đồng Bầu cử quốc gia, có 888 người do địa phương giới thiệu, trong đó tỷ lệ ứng cử đại biểu Quốc hội cơ cấu nữ đạt 48,65%, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh là 41,76%, cấp huyện là 42,36% và cấp xã là 39,05%.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn tỷ lệ nữ trúng cử đạt yêu cầu của Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đánh giá cao việc tổ chức hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin tưởng qua trao đổi kinh nghiệm của các chuyên gia, các đại biểu sẽ tích lũy được những bài học bổ ích, bổ sung được các kiến thức còn thiếu, biết thế mạnh của mình để việc vận động tranh cử đạt được kết quả cao nhất.
Ông Trần Thanh Mẫn cũng chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân, đặc biệt quá trình tiếp xúc cử tri rất quan trọng và đầy áp lực. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chỉ rõ, cử tri ngày càng yêu cầu và gửi gắm nhiều kỳ vọng vào các đại biểu. Các ứng cử viên phải biết thế mạnh của mình để trình bày chương trình hành động sao cho ngắn gọn, thuyết phục. Cách trình bày cũng cần thể hiện được sự tự tin, chân thành, hấp dẫn để cử tri có thiện cảm, tin tưởng bỏ phiếu cho mình.
Tại hội thảo, các nữ ứng cử viên đã được chia sẻ kinh nghiệm, các kỹ năng cơ bản dành cho nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp như kỹ năng vận động cử tri; kỹ năng, trình bày thuyết phục chương trình hành động; kỹ năng lắng nghe; kỹ năng giao tiếp và xây dựng hình ảnh, kỹ năng tiếp xúc báo chí...
Các đại biểu dự hội thảo cũng được giải đáp những băn khoăn, trăn trở trong quá trình vận động bầu cử thông qua các báo cáo được chuẩn bị công phu, trình bày sinh động và sự tham gia thảo luận sôi nổi, tích cực, hào hứng của chính các ứng cử viên, sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía các đại biểu Quốc hội. Qua đó, góp phần giúp các nữ ứng cử viên tự tin hơn, hoàn thiện thêm các kỹ năng và thành công trong việc thuyết phục cử tri...
Hội thảo diễn ra trong 2 ngày (19-20/4)./.