Berlin áp đặt lệnh giới nghiêm, châu Âu ngăn làn sóng lây nhiễm mới

Tại thủ đô Berlin, trước tình hình gia tăng nhanh các ca nhiễm COVID-19, chính quyền thành phố đã nhất trí ban hành lệnh giới nghiêm mới.
Berlin áp đặt lệnh giới nghiêm, châu Âu ngăn làn sóng lây nhiễm mới ảnh 1Các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, quán rượu và quán bar sẽ phải đóng cửa từ 23 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. (Nguồn: dw)

Phóng viên TTXVN tại Berlin đưa tin, ngày 6/10, chính quyền thủ đô Berlin của Đức đã quyết định áp đặt lệnh giới nghiêm mới cũng như thắt chặt một số quy định về tụ tập xã hội trong nỗ lực ngăn chặn và kiềm chế sự gia tăng đột biến các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong thời gian gần đây.

Tại thủ đô Berlin, trước tình hình gia tăng nhanh các ca nhiễm COVID-19, chính quyền thành phố đã nhất trí ban hành lệnh giới nghiêm mới.

Theo đó, các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, quán rượu và quán bar sẽ phải đóng cửa từ 23 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau.

Trong thời gian giới nghiêm, số người được phép tụ tập tối đa là 5 người không phải thành viên một hộ gia đình hoặc số người thuộc hai hộ gia đình. Bên cạnh đó, quy định hạn chế số người tham gia các sự kiện và lễ kỷ niệm cũng được thắt chặt hơn.

Cụ thể, đối với các sự kiện ngoài trời, chính quyền thành phố vẫn cho phép tối đa 50 người tham dự trong khi các sự kiện tổ chức trong không gian kín thì số người được phép tham gia chỉ được tối đa 10 người thay vì 25 người như trước đây.

Cũng theo quy định mới của chính quyền thành phố Berlin, các trạm xăng dầu và các hiệu thuốc được phép hoạt động trong thời gian giới nghiêm, tuy nhiên những cơ sở kinh doanh này không còn được phép bán rượu cũng như đồ uống có cồn cho người dân. Ngoài ra, mức tiền phạt đối với các trường hợp vi phạm cũng được tăng lên mức tối thiểu là 5.000 euro.

Theo chính quyền thành phố Berlin, các quy định mới này được đưa ra sau khi chỉ số lây nhiễm tại thủ đô của Đức đã tăng lên mức 1,26 - đồng nghĩa với việc một người nhiễm bệnh có thể lây nhiễm cho hơn một người khác.

Ngoài ra, các biện pháp này cũng chủ yếu nhằm mục đích hạn chế các sự kiện kỷ niệm cá nhân và các cuộc tụ tập bất hợp pháp vốn được cho là nguyên nhân khiến tỉ lệ lây nhiễm tăng cao.

[Dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu]

Theo kế hoạch, các quy định mới bắt đầu có hiệu lực từ đêm 10/10 (theo giờ địa phương), kéo dài đến hết ngày 31/10 và sẽ được xem xét điều chỉnh lại tùy theo diễn biến của dịch bệnh.

Hồi tuần trước, chính quyền thành phố Berlin cũng đã thắt chặt các biện pháp phòng dịch COVID-19, trong đó có quy định bắt buộc đeo khẩu trang trong các tòa nhà và văn phòng làm việc. Tuy nhiên, những con số lây nhiễm vẫn tiếp tục tăng khiến giới chức thành phố lo ngại.

Theo Viện dịch tễ Robert Koch, tỷ lệ số ca nhiễm mới trên 100.000 dân trong 7 ngày qua ở thủ đô Berlin lên tới mức 44,2, trong đó có 5 quận nội thành gồm Friedrichshain-Kreuzberg, Mitte, Neuköln,Tempelhof-Schöneberg và Charlottenburg-Wilmersdorf được ghi nhận là những "ổ dịch" có số ca nhiễm cao.

Cũng trong ngày 6/10, chính quyền thành phố Frankfurt am Main, thành phố lớn nhất bang Hessen, miền Trung nước Đức cũng đã ban hành lệnh giới nghiêm từ 22 giờ đối với các nhà hàng, cấm uống rượu ở những nơi công cộng và quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở các khu mua sắm sầm uất.

Trong khi đó, các nước châu Âu tăng cường biện pháp ngăn chặn làn sóng lây nhiễm dịch bệnh mới.

Berlin áp đặt lệnh giới nghiêm, châu Âu ngăn làn sóng lây nhiễm mới ảnh 2Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-Cov-2 và nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai, chính phủ các quốc gia châu Âu đang thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn đối với người dân tại “lục địa già” này.

Nhật báo Le Soir của Bỉ cảnh báo, tại châu Âu, kể từ đầu tháng Chín tới nay, virus SARS-CoV-2 lại một lần nữa gây ra những chỉ số rất đáng lo ngại.

Thực tế, trong hai ngày liên tiếp, Hà Lan ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày vượt mốc trên 4.000 ca. Trong khi đó, theo Les Echos, Vương quốc Anh đã ghi nhận tổng số hơn 500.000 ca mắc COVID-19 kể từ đầu đại dịch, sau khi xác nhận gần 16.000 ca mắc mới chưa được phát hiện ra trong tuần qua do vấn đề sai sót trong khâu nhập liệu.

Tại Pháp cũng như tại các nước láng giềng của nước này như Bỉ, Đức, Thụy Sĩ, Italy, tỷ lệ các ca dương tính với virrus SARS-CoV-2 trên tổng số xét nghiệm đang gia tăng mạnh, số ca chuyển bệnh nặng phải nhập viện cũng tăng theo.

Nhật báo Sud Ouest của Pháp ghi nhận trên 1.400 ca bệnh nguy kịch đang phải hồi sức cấp cứu tại Pháp, trong đó có trên 150 bệnh nhân phải nhập viện trong vòng 24 giờ qua.

Ngoài ra, báo Sud Ouest cũng thống kê có tới 70 bệnh nhân tử vong do COVID-19 trong vòng 24 giờ qua tại Pháp, đưa tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này kể từ đầu đại dịch lên 32.365 trường hợp.

Để ngăn chặn làn sóng lây lan dịch bệnh mới, các nước châu Âu đã siết chặt các biện phòng dịch. Báo Ouest-France cho biết, kể từ đêm 6/10, người dân Ireland sẽ không được rời khỏi quận cư trú, các hoạt động hội hè dự kiến tổ chức trong nhà sẽ bị hoãn, các nghi lễ tôn giáo sẽ được tổ chức trực tuyến, đặc biệt các nhà hàng chỉ được phục vụ khách ở không gian bên ngoài.

Còn theo nhật báo Le Figaro của Pháp, tại Tây Ban Nha, các thành phố Leon, Palencia và San Andrés del Rabanedo sẽ bị phong tỏa một phần trong vòng 2 tuần như đã từng xảy ra với thành phố Madrid và 9 quận ngoại vi của thành phố này kể từ ngày 2/10.

Le Figaro cho biết, người dân tại những thành phố này không còn được quyền đi ra ngoài, trừ những lý do thiết yếu  như đi làm, học tập hoặc đi bác sỹ.

Nước Pháp cũng đã quyết định áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt đối với “các vùng có cảnh báo đỏ” như tại Aix-Marseille-Provence, Guadeloupe, Paris.

Tổng giám đốc Cơ quan Y tế vùng Ile-de-France, ông Aurélien Rousseau đã giải thích trên truyền France info rằng, vùng Ile-de-France đang phải chịu sức ép rất lớn khi trong 15 ngày tới, số bệnh nhận nặng phải đưa vào phòng hồi sức cấp sẽ chiếm tới một nửa số giường bệnh.

Cũng theo France info, các quán bar, phòng tập thể thao và bể bơi sẽ phải đóng cửa trong 2 tuần, trong khi đó các nhà hàng sẽ phải tuân thủ các quy định về y tế nghiêm ngặt để có thể được mở cửa.

Còn theo báo Les Echos của Pháp, nước Đức được cho là ít bị ảnh hưởng về sự bùng phát dịch bệnh hơn so với các nước láng giềng. Tuy nhiên, nước này cũng thiết lập các biện pháp phòng bệnh mới nghiêm ngặt hơn như bắt buộc đeo khẩu trang tại văn phòng, hạn chế số người tham dự các hoạt động hội hè, cấm bán rượu sau 23h00 và hạn chế các cuộc tụ họp cá nhân ở mức tối đa 6 người.

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu, ông Hans Kluge nhấn mạnh trên truyền hình RTBF của Bỉ: “Dựa trên các dữ liệu điều tra tại các nước trong khu vực, có thể dễ dàng nhận thấy thái độ chán nản của người dân khi được hỏi đang gia tăng... Con số này đã đạt tới trên 60%.”

Cũng theo ông Hans Kluge, cái giá phải trả cho các biện pháp mới về phòng dịch này sẽ rất lớn và người dân đã trở nên quá chán nản và mệt mỏi. Để đối phó với tình trạng này, ông Kluge kêu gọi các giới chức châu Âu cần lắng nghe ý kiến của công chúng và cùng với họ tạo ra các giải pháp nhằm tiếp tục đấu tranh chống lại đại dich COVID-19.

WHO cho biết, 10% dân số thế giới có thể đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2, tức là 780 triệu người trên thế giới có thể đã mắc COVID-19. Tuy nhiên, con số chính thức được ghi nhận hiện nay là gần 36 triệu ca./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục