Bộ trưởng TN-MT: Đủ cơ sở để thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở từ ngày 1/8

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết đã có đầy đủ cơ sở để triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản khi các luật này có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Chiều 19/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15. Đây là những luật dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét (có hiệu lực sớm hơn từ ngày 1/8/2024, thay vì từ ngày 1/1/2025) thông qua tại đợt 2, Kỳ họp thứ 7 này theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, hiện nay đã có đầy đủ cơ sở để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật được ban hành đảm bảo tiến độ, chất lượng để triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản khi các luật này có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

Phát huy hiệu quả ngay khi thi hành

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng được Quốc hội khóa XV thông qua đã thể chế hóa nhiều chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước; khắc phục tồn tại, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành.

Các luật trên cũng đã có nhiều quy định mang tính đổi mới đột phá được tổng kết đánh giá, thí điểm từ thực tiễn người dân và xã hội kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới.

Trong đó, Luật Đất đai đã thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII với nhiều nội dung mới mang tính đột phá về: Quy hoạch sử dụng đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất; tài chính đất đai, giá đất; đăng ký, cấp sổ đỏ; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp...

“Trong tổng số 260 điều của Luật Đất đai, có 97 điều giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật,” Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.

Đối với các nội dung không phải quy định chi tiết, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định sẽ phát huy hiệu quả ngay khi thi hành đặc biệt là các nội dung liên quan đến quyền của người sử dụng đất như: Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; quy định mở rộng hạn mức, đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp…

Tương tự, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã có nhiều nội dung đổi mới hết sức quan trọng trong quản lý, lành mạnh hóa thị trường bất động sản, phát triển nhà ở (các phân khúc), tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân khi tham gia thị trường bất động sản; đặc biệt là các quy định giải quyết chính sách nhà ở các đối tượng người có công, người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân; giải quyết tranh chấp, khiếu nại đối với việc quản lý, vận hành nhà chung cư.

Đối với Luật Các tổ chức tín dụng, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết có 2 khoản (khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 bảo đảm có hiệu lực với thời điểm có hiệu lực của Luật Kinh doanh bất động sản. Do vậy khi thời điểm có hiệu lực của Luật Kinh doanh bất động sản thay đổi thì cần thiết phải sửa đổi hiệu lực của khoản 2 Điều 209 Luật Các tổ chức tín dụng để bảo đảm áp dụng đồng bộ quy định pháp luật, bảo đảm chặt chẽ khi nhận tài sản.

Đối với các quy định chuyển tiếp tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá tác động những vướng mắc có thể phát sinh và đã có phương án phù hợp thể chế hóa trong luật để: Không gây khó khăn, vướng mắc cho công tác quản lý đất đai, nhà ở, thị trường bất động sản, đảm bảo quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân khi tham gia các quan hệ về đất đai, nhà ở, thị trường bất động sản.

bo truong dang quoc khanh.PNG
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

“Vì vậy, việc sớm đưa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản vào cuộc sống là phù hợp với chủ trương của Đảng nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế nhất là trong công tác định giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư (đang là nguyên nhân của tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, không dám làm như các đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại nghị trường),” ông Khánh nhấn mạnh.

Ủng hộ các luật trên sớm đi vào cuộc sống

Về tiến độ xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh các văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ đã được xây dựng theo đúng trình tự quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

"Chính phủ đã tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các đối tượng chịu tác động thông qua việc lấy ý kiến bằng văn bản, tổ chức các hội thảo, hội nghị, lấy ý kiến trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ. Bộ Tư pháp cũng đã thẩm định; các bộ đã tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ, báo cáo Chính phủ đủ điều kiện để ký ban hành,” ông Khánh nói.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tổ chức rất nhiều cuộc họp trực tiếp và trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội, chuyên gia, nhà khoa học và đối tượng chịu tác động để hoàn thiện, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi trong thực tiễn, bao quát đầy đủ các quy định, đồng bộ với pháp luật khác có liên quan.

“Chính phủ khẳng định các văn bản quy định chi tiết theo các văn bản này đã được xây dựng theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ được ban hành trong tháng 6/2024 khi Quốc hội thông qua dự án luật này,” Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh.

Đối với các văn bản giao hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành, các địa phương sẽ tập trung, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản để gửi các bộ xem xét, cho ý kiến để ban hành kịp thời, có hiệu lực từ ngày 1/8/2024.

“Như vậy, có đầy đủ cơ sở để các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật được ban hành đảm bảo tiến độ, chất lượng để triển khai thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản khi các luật này có hiệu lực từ ngày 1/8/2024,” Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói.

Báo cáo thẩm tra dự án luật ngay sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh việc Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sớm đi vào cuộc sống không chỉ là mong muốn mà còn là yêu cầu đặt ra của Quốc hội khi biểu quyết thông qua các luật này. Do đó, cơ quan này ủng hộ chủ trương để các luật trên sớm đi vào cuộc sống.

Tuy vậy, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cũng lưu ý còn nhiều nội dung cần văn bản hướng dẫn chi tiết. Do đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản hướng dẫn chi tiết, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi, tạo sự thống nhất trong nhận thức thực thi các luật, bảo đảm hiệu quả triển khai các luật này khi các luật có hiệu lực thi hành.

Để bảo đảm các luật được thi hành hiệu quả trong trường hợp Quốc hội thông qua việc có hiệu lực sớm, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo và thực hiện đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 3870/TB-TTKQH về việc: “Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật, xử lý các vấn đề phát sinh sau khi điều chỉnh hiệu lực của các luật.”

Cùng với đó, Chính phủ cần bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm; không gây vướng mắc, ách tắc, khó khăn cho địa phương, người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển; không tạo ra hiệu ứng pháp lý tiêu cực; chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời các văn bản cần thiết để hướng dẫn, quy định chi tiết việc thi hành các luật bảo đảm không để xảy ra vướng mắc do thiếu văn bản cụ thể hóa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục