Bộ Y tế lập kế hoạch chủ động điều trị 100.000 bệnh nhân COVID-19

Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các bệnh viện phải chú ý các điều kiện chăm sóc y tế, đặc biệt quan tâm đến tình hình oxy, máy thở... hạn chế thấp nhất bệnh nhân tử vong.
Bộ Y tế lập kế hoạch chủ động điều trị 100.000 bệnh nhân COVID-19 ảnh 1Điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 trong tình trạng nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện nay, do sự xuất hiện của biến chủng mới, dịch COVID-19 đang lây lan với tốc độ nhanh, nhất tại các tỉnh phía Nam.

Trước tình hình khẩn cấp trên, Việt Nam đang xây dựng kế hoạch thu dung, tiếp nhận 100.000 bệnh nhân COVID-19 đồng thời điều chỉnh phác đồ điều trị. Bộ Y tế cũng đang chuẩn bị các kế hoạch cho tình huống xấu có thể xảy ra, để khi dịch bùng phát không bị bối rối, hoang mang.

Dịch sẽ cực kỳ nóng tại nhiều địa phương

Tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 toàn quốc diễn ra ngày 16/7, các điểm cầu địa phương báo cáo về công tác phòng chống dịch trên địa bàn, trong đó có cả những để xuất sự hỗ trợ của Bộ Y tế…

Đại diện của Thành phố Hồ Chí Minh cho biết từ ngày 9-15/7, sau một tuần thực hiện chỉ thị 16, trên địa bàn thành phố ghi nhận gần 10.000 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng được Bộ Y tế công bố và 142 ca tử vong. Trung bình, mỗi ngày thành phố phát hiện 1.305 ca bệnh, đa số ca bệnh được ghi nhận trong khu cách ly, khu phong tỏa. Hiện nay các cơ sở đang điều trị hơn 20.400 ca dương tính, 246 ca đang thở máy, trong đó có 7 trường hợp phải can thiệp ECMO.

[Bộ Y tế hỏa tốc yêu cầu đẩy nhanh tiêm chủng vaccine phòng COVID-19]

Đại diện tỉnh Đồng Nai cho hay từ ngày 18/6 đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 800 ca mắc, đặc biệt từ đầu tuần này đến nay, số ca bệnh COVID-19 của tỉnh gia tăng nhanh chóng.

Đại diện Bình Dương cho biết hiện tỉnh có 2.062 trường hợp mắc COVID-19, đáng lưu ý, cứ 7-8 ngày, số ca F0 tại Bình Dương tăng gấp đôi. Hiện nay, các chuyên gia đánh giá ổ dịch Bình Dương nguy cơ không kém gì Thành phố Hồ Chí Minh vì nhà trọ đan xen khu công nghiệp, ca F0 trong cộng đồng rất nhiều. Hiện nay tại Bình Dương khá nhiều F0 được phát hiện trong sàng lọc tại các cơ sở khám chữa bệnh.

“Số ca F0 trên địa bàn Bình Dương chắc chắn sẽ tăng thêm nhiều trong thời gian tới”- đại diện Bình Dương nhận định và cho biết trong 1 tuần nữa Bình Dương sẽ thêm 3.000 giường và có kế hoạch nâng lên 10.000 giường. Tuy nhiên nếu số lượng bệnh nhân tăng sẽ khó khăn do đang rất thiếu nhân lực: cùng lúc vừa lo nhân lực cách ly điều trị F0, tiêm vaccine, truy vết điều tra vùng dịch.

Bộ Y tế lập kế hoạch chủ động điều trị 100.000 bệnh nhân COVID-19 ảnh 2Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương lấy mẫu bệnh phẩm cho người dân. (Ảnh:PV/Vietnam+)

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế đã điều động Thứ trưởng Trần Văn Thuấn làm việc với các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam Bộ, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm việc với các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ.

Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An sẽ cực kỳ nóng, do dó các tổ công tác của Bộ Y tế phải phát huy tích cực vai trò tại địa phương.

Các cơ sở y tế phải chuyển từ bị động sang chủ động

Tại cuộc họp, Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh cho hay đang xây dựng kế hoạch thu dung, tiếp nhận 100.000 bệnh nhân COVID-19 đồng thời điều chỉnh phác đồ điều trị.

Ông Khuê cho biết, trên cơ sở phân tích hơn 9.400 bệnh nhân COVID-19 trên tổng số hơn 32.000 bệnh nhân đang điều trị tại đợt dịch lần này cho thấy tỷ lệ bệnh nhân không triệu chứng hoặc có biểu hiện lâm sàng nhẹ vẫn chiếm trên 80%; số ca thở oxy gọng kính chỉ chiếm 5,3%; thở máy không xâm nhập chiếm 0,17%; thở máy xâm nhập 1,3% và can thiệp ECMO là 0,2%. Chỉ có 10-20% bệnh nhân từ trung bình diễn biến nặng. Tuy nhiên do số lượng ca mắc mới hàng ngày đông nên con số này tăng nhanh. Vì vậy các cơ sở y tế phải chuyển từ bị động sang chủ động.

Bộ Y tế lập kế hoạch chủ động điều trị 100.000 bệnh nhân COVID-19 ảnh 3

Hiện Bộ Y tế đang xây dựng lập kế hoạch để có thể thu dung, tiếp nhận 100.000 bệnh nhân COVID-19 và đẩy mạnh năng lực của các bệnh viện vùng.

Ông Khuê đề nghị các bệnh viện phải chú ý các điều kiện chăm sóc y tế, đặc biệt quan tâm đến tình hình oxy, máy thở... hạn chế thấp nhất bệnh nhân tử vong. Tất cả các khu vực điều trị đều cần oxy, khu vực điều trị bệnh nhân nhẹ cũng phải chuẩn bị sẵn oxy phòng trường hợp bệnh nhân nhẹ nhưng có bệnh nền dễ chuyển nặng. Các tỉnh bố trí tối thiểu ở bệnh viện hạng 2, hạng 3 phải có hệ thống oxy trung tâm để đảm bảo thở mặt nạ, thở oxy dòng cao.

Theo Bộ Y tế, hiện tổng lượng oxy vẫn đảm bảo nhưng một số nơi phải tăng điều phối, xây dựng lại phương án. Một số địa phương có nguy cơ thiếu oxy nếu dịch xảy ra cục bộ.

Để giảm tải cho các cơ sở điều trị, Bộ Y tế đã xây dựng phác đồ mới cho phép xuất viện sau 10 ngày nếu không có triệu chứng và âm tính 2 lần liên tiếp cách nhau tối thiểu 24 giờ hoặc nồng độ virus thấp. Trong khi trước đây, quy định chung là phải điều trị ít nhất 14 ngày với tất cả bệnh nhân và chỉ xuất viện sau 2 lần âm tính.

Ngoài ra, trong phác đồ mới, Bộ Y tế cho phép các cơ sở y tế sử dụng thuốc chống đông máu corticoid sớm trên các bệnh nhân có diễn biến trung bình ngay cả khi không làm được xét nghiệm đông máu, đồng thời có thể xem xét sử dụng kháng thể đơn dòng với bệnh nhân nặng khi Hội đồng chuyên môn cho phép. Đặc biệt, lần đầu tiên Bộ Y tế cho phép sử dụng vị thuốc xuyên tâm liên trong y học cổ truyền để điều trị Covid-19.

Tăng cường hệ thống trang thiết bị

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng “trong giai đoạn này cần tập trung giảm thiểu tác hại của dịch bệnh COVID-19” bằng cách tăng cường hệ thống trang thiết bị, vật tư y tế, nhân lực có chất lượng cho các cơ sở điều trị bệnh nhân nặng. Tuy nhiên các địa phương cũng cần “liệu cơm gắp mắm” để có thể trao đổi, hỗ trợ nhau cùng chống dịch tốt nhất. Các địa phương cũng cần chủ động trong mua sắm vật tư, thiêt bị phòng chống dịch.

Trong điều trị, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay vẫn đang trong kiểm soát, nhưng một số tỉnh thành tỷ lệ F0 đang theo dõi và có triệu chứng trở nặng tăng lên, đặc biệt Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp... tỷ lệ bệnh nhân đòi hỏi hỗ trợ thở máy, thở oxy, ECMO tăng, một số địa phương vượt quá khả năng ngành y tế…

Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay tinh thần chống dịch phải triển khai các biện pháp một cách nhanh chóng, mạnh mẽ và quyết liệt hơn, quyết tâm hơn để có thể khống chế được dịch bệnh sớm.

Người đứng đầu ngành y tế nhấn mạnh tất cả các hướng dẫn chuyên môn đều đã được trao đổi và có những chỉ đạo phù hợp, tuy nhiên các địa phương phải chuẩn bị cho tình huống, kịch bản xấu. Theo đó, các địa phương chưa có dịch thì phải chuẩn bị ngay, các địa phương đang có dịch phải chuẩn bị cao hơn một mức so với yêu cầu để khi dịch xảy ra không bị bối rối, hoang mang, bị động.

Ông cũng yêu cầu các tỉnh phải nâng công suất xét nghiệm và có kế hoạch cụ thể về điều phối, tổ chức cũng như trả kết quả xét nghiệm, tránh lúng túng, không có đầu mối chịu trách nhiệm về vấn đề quan trọng này. Về cách ly, các địa phương phải chuẩn bị các cơ sở cho cách ly tập trung.

Về điều trị, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các địa phương, các bệnh viện hạng 2, hạng 3 phải có hệ thống ôxy. Bộ trưởng Y tế lưu ý: “Về tổng thể chung, chúng ta vẫn đảm bảo, nhưng từng nơi phải tự rà soát lại tình hình sử dụng cũng như khả năng cung ứng có gì khó khăn hay không. Các địa phương cũng phải đảm bảo số giường theo các chỉ đạo của Bộ Y tế.”

Về máy móc và trang thiết bị phục vụ chống dịch, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh quan điểm “4 tại chỗ.” Vì vậy, các địa phương phải chuẩn bị các loại máy cơ bản nhất như máy thở.

Bộ Y tế đã cấp máy thở cho các địa phương, do đó yêu cầu các địa phương tăng cường đào tạo tập huấn sử dụng máy thở. Nếu địa phương nào chưa sử dụng đến, báo lại Bộ Y tế để điều chuyển đến địa phương khác đang có nhu cầu.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh hạng 1 trở lên phải có trung tâm cấp cứu, hồi sức tích cực đối với bệnh nhân nặng và nguy kịch, trong đó có hệ thống máy ECMO, máy lọc máu và một số trang thiết bị khác. Đối với các cơ sở tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng, không nhất thiết phải trang bị những thiết bị quá chuyên sâu, quá nhiều, phải làm sao sử dụng trang thiết bị vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm…

Ông Long cũng lưu ý gắn trách nhiệm của chính quyền cơ sở, vai trò cấp uỷ và bài học huy động tất cả các lực lượng, người dân tham gia chống dịch, có như vậy mới mong dịch COVID-19 sớm bị đẩy lùi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục