Brazil hạ giá nhiên liệu để "hạ nhiệt" đình công của các lái xe tải

Trước sức ép đình công gần một tuần của tài xế xe tải dẫn tới tình trạng thiếu hụt nhiên liệu và thực phẩm, Tổng thống Brazil ngày 28/5 quyết định giảm giá dầu diesel bớt 0,46 real/lít.
Brazil hạ giá nhiên liệu để "hạ nhiệt" đình công của các lái xe tải ảnh 1Các tài xế xe tải tham gia đình công yêu cầu giảm giá nhiên liệu tại Sao Paulo, Brazil ngày 24/5 vừa qua. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Trước sức ép từ cuộc đình công kéo dài gần một tuần của các tài xế xe tải trên toàn quốc dẫn tới tình trạng thiếu hụt nhiên liệu và lương thực phẩm trong nước, Tổng thống Brazil Michel Temer ngày 28/5 đã quyết định giảm giá dầu diesel trong nước bớt 0,46 real/lít.

Quyết định trên, được áp dụng trong 60 ngày, đã được đưa ra sau khi Bộ trưởng An ninh thể chế Brazil, ông Sergio Etchegoyen cho biết nước này “đang trên lộ trình bình thường hóa tình hình trong nước, mặc dù điều này không thể diễn ra nhanh chóng.”

Trong bối cảnh cuộc đình công trên đã làm “tê liệt” phần lớn cơ sở hạ tầng kinh tế và hoạt động xuất khẩu của Brazil, ông Temer cũng chấp nhận bốn yêu cầu khác mà các tài xế xe tải tham gia đình công đưa ra.

Theo cổng thông tin điện tử G1, giá dầu diesel tại Brazil trung bình ở mức 3,36 real (khoảng 92 xu Mỹ)/lít trong tháng Một năm nay và tăng lên 3,6 real/lít trước khi cuộc đình công trên xày ra. Ngày 26/5, giá dầu diesel tại Brazil ở mức 3,8 real/lít.

[Cuộc đình công của các lái xe tải Brazil gây thiệt hại kinh tế nặng nề]

Còn theo nhật báo Folha de Sao Paulo, Brazil là một thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và kinh tế nước này ước tính thiệt hại khoảng 10 tỷ real (khoảng 2,8 tỷ USD) vì cuộc đình công trên.

Để phản đối giá nhiên liệu tăng, giới lái xe tải tại ở Brazil đã bắt đầu cuộc đình công từ ngày 21/5 vừa qua, phong tỏa các tuyến đường chính ở 26 trong số 27 bang, ngăn cản hoạt động vận chuyển hàng hóa trên cả nước.

Cuộc đình công đã dẫn tới tình trạng thiếu hụt hoặc hết nhiên liệu, hàng hóa và thực phẩm cũng như các nguồn cung cơ bản khác, đẩy giá lương thực tăng mạnh tại nhiều thành phố trên cả nước.

Hàng hóa "bốc hơi" khỏi các kệ hàng siêu thị, các kho thuốc trở nên trống rỗng.

Các trạm xăng dầu hầu như không có nhiên liệu, trong khi thực phẩm tươi tại các cửa hàng bị đánh cắp.

Ngành xây dựng bị ảnh hưởng nặng nề với 40% hoạt động của ngành này bị gián đoạn, ngành chăn nuôi cũng chịu tác động không nhỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục