Bưu Điện Việt Nam tăng hơn 20% lợi nhuận trong năm 2019

Với doanh thu tăng trên 22%, tổng lợi nhuận tăng trên 20% so với năm trước, năm 2019 Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững trên cả 3 nhóm dịch vụ.
Bưu Điện Việt Nam tăng hơn 20% lợi nhuận trong năm 2019 ảnh 1Bưu điện Việt Nam đã có mức lợi nhuận tăng trên 20% so với năm 2018. (Ảnh: Bưu điện Việt Nam)

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2020 diễn ra vào ngày 13/12, lãnh đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post ) cho biết trong năm 2010, doanh thu của đơn vị này tăng trên 22%, tổng lợi nhuận tăng trên 20% so với năm trước tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững trên cả 3 nhóm dịch vụ: bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính và phân phối truyền thông.

Theo Tổng giám đốc Vietnam Post Chu Quang Hào, chưa khi nào thị trường bưu chính cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Các doanh nghiệp chuyển phát tư nhân giảm giá bằng mọi cách, chỉ lựa chọn phục vụ giao hàng tại các thành phố lớn, trong khi đó các doanh nghiệp nước ngoài cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào phát triển lĩnh vực chuyển phát, logistic.

Trong bối cảnh thị trường như vậy, Bưu điện Việt Nam vừa hoàn thành tốt các dịch vụ bưu chính công ích, đặc biệt tại các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa vừa giữ vững tốc độ phát triển cả về doanh thu và lợi nhuận.

Năm 2019, doanh nghiệp này cũng "ghi điểm" bằng việc triển khai thành công các đề án lớn của Chính phủ. Điển hình là dự án 'Nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam' (Vmap).

Ngoài ra, Vietnam Post còn xây dựng hệ cơ sở dữ liệu về địa chỉ nhân đạo trên toàn quốc, triển khai đề án xây dựng hệ thống mã địa chỉ bưu chính tới từng địa chỉ hộ gia đình, dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trong năm 2019, Tổng công ty hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước thời hạn.

Trong lĩnh vực hành chính công, hơn 14 triệu lượt hồ sơ của người dân và doanh nghiệp đã được giải quyết và thực hiện theo phương thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

Gần 30 tỉnh, thành phố đã chuyển bộ phận một cửa các cấp sang bưu điện. Trong đó có 14 trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, 17 bộ phận một cửa cấp huyện và 45 bộ phận một cửa cấp xã.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn đã chỉ ra rất nhiều thách thức của thị trường bưu chính nói chung và Bưu điện Việt Nam nói riêng. Hiện nay số doanh nghiệp xin cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực bưu chính ngày càng gia tăng, thị trường bưu chính sẽ có sự cạnh tranh cực kì khốc liệt.

Bưu Điện Việt Nam tăng hơn 20% lợi nhuận trong năm 2019 ảnh 2Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn phát biển tại Hội nghị. (Ảnh: Bưu điện Việt Nam)

Để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra giai đoạn 2020- 2030, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho rằng, Bưu điện Việt Nam phải chuyển đổi số thành công. Đối với dịch vụ, sản phẩm truyền thống, Tổng công ty phải ứng dụng tối đa công nghệ thông tin. Song song với đó cần phát triển thêm một số dịch vụ mới, đặc biệt đi sâu vào thương mại điện tử và logistic...

Năm 2020, Vietnam Post đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế dự kiến trên 633 tỷ đồng. Đặc biệt, Bưu điện Việt Nam đặt kì vọng sẽ tiên phong trong xây dựng chiến lược Chuyển đổi số, tham gia sâu rộng trong lĩnh vực hành chính công, tiếp tục công tác cải cách hành chính để tối ưu hóa hoạt động, đẩy nhanh tốc độ trao đổi thông tin, tham gia triển khai Chính phủ điện tử, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, tiếp tục thúc đẩy kinh doanh, tập trung nâng cao hiệu quả dịch vụ, củng cố nguồn lực đảm bảo sự phát triển bền vững của Tổng công ty trong các giai đoạn tiếp theo.

[Bưu điện nhận Giải thưởng Thương hiệu mạnh Việt Nam]

Cũng tại Hội nghị, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì tặng Tổng công ty Bưu điện Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục