Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến đầu năm 2015, cả nước còn 1.250 cá thể gấu bị nuôi nhốt trong các trang trại, giảm 72% so với số liệu năm 2005 (4.300 cá thể gấu).
Kết quả khảo sát thái độ và hành vi sử dụng mật gấu của hơn 3.000 người tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2014 do Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) thực hiện cũng cho thấy, tình trạng sử dụng mật gấu đã giảm 61% so với số liệu năm 2009.
Đây là một trong những kết quả của chiến dịch chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu vừa được công bố tại buổi Họp báo “Chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu tại Việt Nam: 10 năm một chặng đường” do ENV phối hợp với Tổ chức World Animal Protection tổ chức sáng 7/5, tại Hà Nội.
Thông tin thêm về vấn nạn nuôi nhốt gấu, bà Vũ Thị Quyên, Giám đốc ENV, cho biêt nhu cầu sử dụng mật gấu là mối đe dọa nghiêm trọng tới sự tồn vong của các loài gấu ở Việt Nam và trong khu vực. Năm 2005, cả nước có hơn 4.300 cá thể gấu được phát hiện nuôi nhốt tại các trang trại.
Hầu hết các cá thể gấu này đều bị săn bắt từ tự nhiên và bán cho các trang trại nuôi nhốt nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ mật gấu như một sản phẩm thuốc y học cổ truyền.
Tuy nhiên, ngay sau khi bị phát hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có nhiều nỗ lực nhằm xóa bỏ nạn nuôi nhốt gấu. Theo đó, 4.300 cá thể gấu trên đã được đăng ký gắn chip để quản lý. Nhờ kiểm soát chặt chẽ, đến đầu năm 2015, cả nước chỉ còn 1.250 cá thể gấu bị nuôi nhốt trong các trang trại.
Cùng với đó, các hoạt động kinh doanh du lịch chích hút mật gấu tại Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) - một trong những "điểm nóng" về nuôi nhốt gấu lấy mật cũng đã bị đóng cửa vào tháng 5/2014.
Đến nay, một số cá thể gấu gấu tại Quảng Ninh đã được cứu hộ, đưa về “ngôi nhà gấu” lớn nhất Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) để được phục hồi sức khỏe và sống trong các khu bán tự nhiên.
Theo bà Quyên, “mặc dù, cả nước hiện còn khoảng 1.250 cá thể gấu vẫn đang bị nuôi nhốt trong các trang trại. Tuy nhiên, chúng ta có thể tự hào vì sau 10 năm nỗ lực, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự, khối doanh nghiệp, các cơ quan Thông tấn báo chí và cộng động dân cư, vấn nạn nuôi nhốt gấu lấy mật đã dần được kiểm soát,” bà Quyên phấn khởi nói.
Chia sẻ về những nỗ lực hợp tác bảo vệ gấu tại Việt Nam, ông Luke Nicholson, Giám đốc Dự án hợp tác khu vực, (Tổ chức World Animal Protection) cho biết, tổ chức này bắt đầu hợp tác với ENV triển khai chiến dịch bảo vệ gấu từ năm 2005. Bằng các hành động cụ thể, đến nay số lượng gấu bị nuôi nhốt trong các trang trại tại Việt Nam đã giảm đáng kể.
“Qua số liệu nêu trên, có thể thấy lượng cá thể gấu bị nuôi nhốt đã giảm mạnh, nhưng 1.200 cá thể gấu còn lại vẫn đang phải sống rất khổ sở trong các trang trại. Bởi vậy, chúng ta cần phải nỗ lực và làm nhiều hơn nữa để có thể mang lại phúc lợi cho loài gấu, cũng như ‘cứu’ các cá thể gấu ra khỏi các chuồng nuôi," ông Luke Nicholson chia sẻ.
Ngoài ra, ông Luke Nicholson cũng khuyến nghị, để đẩy nhanh tiến độ chấm dứt hoàn toàn nạn nuôi nhốt gấu tại Việt Nam thì các khối cơ quan, đoàn thể cần phải tăng cường các hoạt động nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Tiến tới xóa bỏ nhu cầu sử dụng mật gấu tại Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực./.