Các nhà lãnh đạo châu Phi cần nỗ lực mang lại hòa bình tại CHDC Congo

Tổng thư ký LHQ cho biết sự hồi sinh của lực lượng dân quân M23 đã khiến hàng trăm nghìn người phải di dời và kêu gọi tất cả các bên tôn trọng các cam kết được đưa ra ở Nairobi, Luanda vào năm ngoái.
Các nhà lãnh đạo châu Phi cần nỗ lực mang lại hòa bình tại CHDC Congo ảnh 1Các tay súng M23 tại Bunagana, Cộng hòa Dân chủ Congo. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo AFP, ngày 6/5, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Phi tăng cường nỗ lực nhằm mang lại hòa bình cho khu vực miền đông Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi các nhóm vũ trang đã tấn công bạo lực nhằm vào thường dân trong nhiều thập kỷ.

Phát biểu tại Burundi trong một cuộc họp cấp cao của các quốc gia châu Phi đã ký một hiệp định do Liên hợp quốc làm trung gian vào năm 2013 để thúc đẩy sự ổn định và an ninh ở quốc gia giàu khoáng sản nhưng bị tàn phá bởi xung đột, ông Guterres cho biết thỏa thuận được hình thành cách đây một thập kỷ đánh dấu một bước ngoặt cho sự hợp tác trong khu vực thường xuyên hỗn loạn, nhưng "cuộc khủng hoảng hiện nay cho thấy chúng ta phải làm nhiều hơn nữa."

Ông Guterres nói: "Bất chấp những nỗ lực tập thể của chúng ta, hơn 100 nhóm vũ trang - Congo và nước ngoài, vẫn hoạt động cho đến ngày nay và do đó đe dọa sự ổn định của toàn bộ khu vực Hồ Lớn. Đã đến lúc bạo lực phải chấm dứt. Tôi nhắc lại lời kêu gọi của mình tới tất cả các nhóm vũ trang - hãy hạ vũ khí ngay lập tức."

Ông Guterres cho biết sự hồi sinh của lực lượng dân quân M23 đã khiến hàng trăm nghìn người phải di dời và kêu gọi tất cả các bên tôn trọng các cam kết được đưa ra ở Nairobi và Luanda vào năm ngoái nhằm chấm dứt xung đột.

Theo người đứng đầu Liên hợp quốc, đối thoại "liên tục và chân thành" là con đường duy nhất dẫn đến thỏa hiệp và hòa bình lâu dài cho khu vực đầy biến động.

[HĐBA Liên hợp quốc thông qua tuyên bố về xung đột ở CHDC Congo]

Trước đó, ngày 4/4, các cơ quan viện trợ của Liên hiệp quốc cảnh báo tình trạng bạo lực ở miền Đông Cộng hòa Dân chủ Congo đã đẩy hàng triệu dân thường đến bờ vực thảm họa nhân đạo lớn.

Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết giao tranh giữa các nhóm vũ trang với lực lượng chính phủ và các cuộc tấn công của phiến quân nhằm vào dân thường đã khiến 6,1 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa kể từ tháng 3/2022 đến nay.

Trong số này, 65% là những người ở tỉnh Ituri và Bắc Kivu, miền Đông quốc gia Trung Phi này.

Từ tháng 6/2022, bạo lực còn lan sang các khu vực vốn được cho là yên bình trong những năm trước như các tỉnh Mai-Ndombe và Kwilu ở phía Tây.

OCHA nêu rõ hơn 50% số người phải di dời đang sống trong những điều kiện bấp bênh. Họ tạm trú tránh tại các nhà thờ, trường học, cơ sở bệnh viện, trại tị nạn và các địa điểm tạm bợ ở Nyiragongo, Goma cũng như các khu vực lân cận.

Do bạo lực, tình trạng mất an ninh lương thực đang gia tăng tại Cộng hòa Dân chủ Congo với hơn 26,4 triệu dân này.

Tình trạng suy dinh dưỡng và nguy cơ bùng phát dịch bệnh, như sởi và dịch tả, cũng đang tăng cao, tác động lớn đến khả năng ứng phó của các cơ quan nhân đạo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục