Ngày 5/10, các phe phái đối địch tại Libya đã tiến hành đàm phán tại thành phố Skhirat của Maroc, với sự tham dự của đặc phái viên Liên hợp quốc Bernardino Leon, nhằm chọn các ứng cử viên cho một chính phủ đoàn kết, nối lại tiến trình hòa bình đang bị ngưng trệ.
Trước đó, ngày 21/9, ông Leon đã trao cho các bên bản dự thảo cuối cùng thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt xung đột, đồng thời nhấn mạnh đây là lựa chọn duy nhất đối với Libya nếu không muốn đưa đất nước tới khoảng trống chính trị và một tương lai không chắc chắn.
Theo kế hoạch chuyển tiếp tại Libya, Quốc hội được dân bầu (HOR) hồi tháng 6/2014 thay thế cơ quan lập pháp cũ (GNC). Tuy nhiên, nhóm Hồi giáo Fajir Libya (Bình minh Libya) ủng hộ GNC và lập chính phủ tự xưng đặt tại thủ đô Tripoli, khiến chính phủ được quốc tế công nhận phải dời đến thành phố Tobruk ở miền Đông.
Từ tháng 9/2014, Liên hợp quốc đã làm trung gian cho một loạt vòng đối thoại giữa các phe phái đối địch, song các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn bất chấp một thỏa thuận ngừng bắn đã được các bên nhất trí. Sau nhiều tháng thương lượng, Liên hợp quốc đã đề xuất một thỏa thuận hòa bình, theo đó thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng.
Liên hợp quốc đang thúc đẩy để các phái Libya đạt được thỏa thuận hòa bình trên trước ngày 20/10, khi nhiệm kỳ của HOR kết thúc.
Tuy nhiên, trong một động thái có thể gây khó khăn cho nỗ lực trung gian của Liên hợp quốc, cùng ngày 5/10, HOR đã bỏ phiếu quyết định kéo dài nhiệm kỳ của cơ quan này.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, người phát ngôn HOR Faraj Buhashem cho biết các nghị sỹ quyết định sửa đổi tuyên bố hiến pháp, theo đó kéo dài nhiệm kỳ của quốc hội, và HOR sẽ chuyển giao quyền lực sau khi một cơ quan lập pháp mới được bầu.
Theo ông Buhashem, quyết định trên nhằm "tránh sức ép đối với HOR trong khi tham gia đối thoại hòa bình"./.