Cuối tháng 12/2020, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới. Việt Nam cơ bản kiểm soát tình hình dịch bệnh nhưng nguy cơ dịch COVID-19 vẫn luôn thường trực.
Trước tình hình trên, các tỉnh Đông Nam Bộ luôn đề cao cảnh giác, triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh lên mức cao nhất, đảm bảo kiểm soát tốt, không để dịch bệnh bùng phát lây lan trong cộng đồng, nỗ lực thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Đời sống người dân bị ảnh hưởng
Tỉnh Bình Phước có đường biên giới dài hơn 260km với Vương quốc Campuchia. Người dân vùng biên giới Bình Phước và Campuchia thường trao đổi hàng hóa qua lại. Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, hoạt động giao thương hàng hóa bị ngừng trệ, ảnh hưởng không đến cuộc sống của người dân nơi đây.
Điển hình, huyện Bù Đốp có các chợ biên giới, khu vực buôn bán sầm uất. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, hoạt động buôn bán tại chợ ế ẩm, một số tiểu thương buộc phải bỏ chợ hoặc buôn bán cầm chừng.
Không chỉ đời sống nông dân, tiểu thương bị ảnh hưởng, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, đời sống của nhiều công nhân đã bị thay đổi.
Chị Trần Thị Thu Hương (41 tuổi, ở phường Bình Hòa, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho biết chị từng là công nhân của một công ty tư nhân trên địa bàn tỉnh, với mức lương thu nhập ổn định, gần 7 triệu đồng/tháng. Sau khi doanh nghiệp phá sản, chị cùng nhiều công nhân khác phải đi tìm việc làm mới. Do không tìm được việc, chị Hương buộc phải đi nhặt ve chai, kiếm tiền chợ hằng ngày để nuôi con ăn học.
Dịch vụ giải trí cũng là một lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19. Trung tâm Giải trí Papa for Me, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai gặp nhiều khó khăn do không có khách đến sử dụng dịch vụ. Trong khi đó, mỗi tháng, chủ Trung tâm vẫn phải chi trả hơn 100 triệu đồng tiền thuê mặt bằng, chưa kể số tiền duy trì lương cho nhân viên dù phải tạm thời nghỉ việc.
Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Trung tâm đã đưa ra nhiều hình thức để thu hút khách hàng như tăng cường truyền thông, quảng cáo, làm mới và vệ sinh khu vui chơi, trang bị nước sát khuẩn, giảm giá 80% giá cho trẻ em, tổ chức ngày hội gia đình...
Thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch
Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, ngành y tế các địa phương khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nhằm thực hiện "mục tiêu kép," tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội
Tại tỉnh Bình Dương, hầu hết các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Chủ tịch Công đoàn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Showa Gloves Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP 1, thành phố Thủ Dầu Một) Vũ Quốc Huy cho biết từ khi xuất hiện dịch COVID-19, toàn bộ công nhân Công ty thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn khi ra vào công ty.
“Trong giờ ăn trưa, công ty thường xuyên phát loa tuyên truyền về dịch COVID-19 nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng, chống dịch bệnh. Nhờ cách tuyên truyền thiết thực, hiệu quả, những công nhân đi từ các vùng dịch đã chủ động khai báo y tế, xin cách ly để hạn chế lây lan dịch bệnh," ông Vũ Quốc Huy chia sẻ thêm.
[Dịch COVID-19: Cà Mau kiểm soát chặt tình trạng nhập cảnh trái phép]
Tương tự, tại Đồng Nai, từ khi xuất hiện dịch COVID-19, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường thực hiện biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời khuyến cáo người sử dụng lao động trang bị phương tiện, vật dụng phòng dịch tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; vận động người lao động không hoang mang, không chia sẻ thông tin không chính thống dưới mọi hình thức, nhất là thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội.
Ngành y tế Đồng Nai tăng cường tuyên tuyền, khuyến khích người dân chủ động khai báo y tế, tự giác thông tin khi có phát hiện trường hợp người thân từ các vùng có dịch bệnh trở về để kịp thời cách ly y tế theo quy định; thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ nhận định, nhờ vào sự đồng lòng, hợp tác của người dân, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát tốt tại địa phương. Đặc biệt, tại các khu công nghiệp, chủ doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc với ngành y tế trong thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch COVID-19.
Tại tỉnh Bình Phước, nơi có đường biên giới dài hơn 260km qua các huyện Bù Gia Mập, Lộc Ninh, Bù Đốp, có Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư (Lộc Ninh) và Cửa khẩu Hoàng Diệu (Bù Đốp), lực lượng chức năng đang tiếp tục đề cao cảnh giác trên tinh thần "tuyệt đối không lơ là, chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh;" tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Tỉnh Bình Phước tổ chức duy trì 62 chốt cố định và 11 chốt cơ động cùng tổ công tác trực 24/24 giờ ở các đường mòn, lối mở, ngầm sông suối... để ngăn chặn hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng chống dịch COVID-19.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết, địa phương yêu cầu các cấp tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự, lực lượng công an, các địa phương, đơn vị trong tỉnh Bình Phước tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, đặc biệt người nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở.
Các lực lượng sẵn sàng triển khai ngay kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 khi có phát sinh tình huống mới trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế... để đón Tết Dương lịch và kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn.
Đồng hành cùng người lao động
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tại các địa phương tập trung đông công nhân lao động, các cấp công đoàn có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền nâng cao ý thức của công nhân nhằm ổn định tư tưởng người lao động.
Là địa bàn tập trung đông công nhân lao động, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai Tăng Quốc Lập cho biết, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trên tinh thần "quyết liệt hơn" để người lao động hiểu đúng về dịch bệnh, hợp tác phòng, chống dịch. Mỗi cán bộ công đoàn cơ sở chủ động bám sát tình hình, đồng hành với doanh nghiệp và người lao động để đảm bảo ổn định sản xuất.
Để hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên, người lao động trong bối cảnh dịp Tết Nguyên đán 2021 cận kề, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai dự kiến tổ chức tặng quà, hỗ trợ ăn uống miễn phí cho khoảng 30 chuyến xe, đưa gần 1.500 đoàn viên, người lao động của các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội...
Tương tự Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, Bình Phước lên Kế hoạch “Những chuyến xe sum vầy” để đưa người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết, sum vầy bên gia đình. Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán, công đoàn viên, người lao động khó khăn được hỗ trợ vé chiều ngược lại để quay trở lại làm việc đúng thời gian quy định của đơn vị, doanh nghiệp./.