Cần giải quyết triệt để nhằm tránh tình trạng thông thầu

Sau gần 7 năm thi hành Luật Đấu thầu, các hoạt động đấu thầu mua sắm dùng vốn Nhà nước dần đi vào nề nếp, song đã xảy ra tình trạng thông thầu.
Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 6/6, Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến vào hai dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).

Nhìn chung, các đại biểu đều tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi để khắc phục hạn chế của các Luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Xảy ra tình trạng thông thầu, chỉ định thầu bất hợp lý

Các đại biểu cho rằng sau gần 7 năm thi hành Luật Đấu thầu, các hoạt động đấu thầu mua sắm sử dụng vốn nhà nước đã dần đi vào nề nếp, song đã xảy ra tình trạng thông thầu, chỉ định thầu bất hợp lý, kéo dài thời gian thực hiện gói thầu… gây lãng phí, thất thoát nguồn vốn nhà nước.

Trong quá trình thực hiện, Luật Đấu thầu cũng đã bộc lộ những vướng mắc, hạn chế và bất cập như: phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu hiện hành chưa bao quát hết các hoạt động mua sắm sử dụng nguồn vốn của Nhà nước; quy định về đấu thầu trong nhiều luật, gây khó khăn cho việc tra cứu, áp dụng.

Đánh giá Luật Đấu thầu bộc lộ một số bất cập cả về cải cách hành chính cũng như hiệu quả trong đấu thầu, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) đề nghị cần giải pháp điển hóa các nội dung trong văn bản pháp luật, Luật hóa chung.

Đề cập đến quy định “dự án cho mục tiêu đầu tư phát triển sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên trong tổng mức đầu tư hoặc sử dụng dưới 30% vốn nhà nước nhưng từ 500 tỷ đồng vốn nhà nước trở lên trong tổng mức đầu tư của dự án, bao gồm cả dự án của doanh nghiệp nhà nước” được thể hiện tại Điều 1 khoản 1 điểm a dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Minh Quang (Hà Nội) cho rằng con số 500 tỷ đồng là cao so với mặt bằng dự án cho mục tiêu đầu tư phát triển chung ở các tỉnh, bên cạnh đó, việc xây dựng Luật dựa trên mức tuyệt đối bằng tiền rất dễ lạc hậu theo thời gian do sự trượt giá của đồng tiền Việt Nam, dẫn đến tính ổn định của Luật không cao.

Đại biểu kiến nghị cân nhắc lại con số này, đánh giá một cách khoa học vì sao chọn 500 tỷ đồng làm căn cứ và khẳng định không nên đưa ra con số tuyệt đối mà nên quy định theo tính nguyên tắc, giao cho Chính phủ quy định mức giá trị tùy từng thời kỳ cho phù hợp.

Các đại biểu cũng đóng góp vào một số quy định liên quan đến vấn đề vốn nhà nước, phân cấp trong đấu thầu, chỉ định thầu, phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, hợp đồng với nhà thầu, nàh đầu tư... Trái ngược với quan điểm tán thành mở rộng phạm vi chỉ định thầu của đại biểu Nguyễn Minh Quang theo đề xuất của dự án Luật, các đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu), Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị không nên mở rộng chỉ định thầu.

Các đại biểu cho rằng việc chỉ định thầu chỉ nên áp dụng trong trường hợp bất khả kháng do thiên tai, địch họa, sự cố cần khắc phục ngay, trường hợp do yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài và một số điều kiện khác thì thực hiện như quy định của Luật Đấu thầu hiện hành để tránh tình trạng xin-cho.

Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay, hạn mức chỉ định thầu quá cao dẫn đến một số chủ đầu tư chia nhỏ để chỉ định thầu với số lượng gói thầu rất lớn. Để khắc phục tình trạng này, cần quy định giao Chính phủ ban hành hạn mức chỉ định thầu hàng năm, như vậy sẽ phù hợp và linh động theo chế độ trượt giá.

Nhìn nhận năng lực nhà thầu rất khó xác định một cách chính xác tuyệt đối, nhất là đối với năng lực tài chính, để khắc phục tình trạng các nhà thầu được chỉ định không đủ năng lực thực hiện, đại biểu Nguyễn Minh Quang đề xuất bổ sung quy định đối với những gói thầu được chỉ định thầu, nếu nhà thầu thi công chậm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án thì cho phép người có thẩm quyền quyết định chỉ định nhà thầu khác vào thực hiện thêm một phần khối lượng để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Vấn đề thông thầu, “quân xanh”, “quân đỏ” trong đấu thầu cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Các đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội), Trần Ngọc Vinh, Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng), Phan Văn Quý (Nghệ An) đề nghị cần giải quyết triệt để bài toán thông thầu giữa chủ đầu tư và nhà thầu, Luật nên thiết kế các điều khoản hạn chế việc lách luật. Cho rằng các nhà thầu dù trúng thầu hay không trúng cũng được “hưởng lộc” từ nhà thầu chính khi làm “quân xanh” và hệ quả là tài sản công thất thoát, công trình chất lượng kém, tiến độ không đảm bảo, các đại biểu đề nghị phải quy định hết sức cụ thể về các tiêu chuẩn và năng lực kinh nghiệm cũng như năng lực thiết bị máy móc, chuyên môn của nhà thầu.

Nhiều đại biểu tán thành quy định về phân cấp trong đấu thầu như quy định của dự án Luật, nhất là việc phân cấp triệt để hình thức chỉ định thầu cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các cấp mà không yêu cầu trình Thủ tướng xem xét, quyết định như quy định của Luật hiện hành. Đại biểu cho rằng quy định này trên thực tế sẽ được thực hiện hiệu quả bởi song song với quá trình phân cấp và trao quyền, dự án Luật cũng quy định về trách nhiệm giải trình của người có thẩm quyền, chủ đầu tư trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, tránh tình trạng khép kín trong đấu thầu.

Nhiều quy định trong dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí khó thực hiện


Phân tích hàng loạt những kiểu lãng phí trong các công trình xây dựng, trong các lễ hội, các hoạt động ma chay, cưới xin, các đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Chu Sơn Hà, Bùi Thị An (Hà Nội), Lê Thanh Vân, Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng)... đều đồng tình với quan điểm cần phải sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiết kiệm chống lãng phí là vấn đề nan giải, có Luật rồi nhưng hiệu quả thực hiện không cao vì không cụ thể - đại biểu Trần Ngọc Vinh khẳng định.

Các đại biểu nhìn nhận nước ta còn nghèo nhưng tình trạng lãng phí, không tiết kiệm vẫn xảy ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ, nhiều người. Theo đại biểu Lê Thanh Vân, sử dụng các nguồn lực cho việc ban hành chính sách nếu không được thẩm định kỹ cũng gây lãng phí, nhiều Luật đã có hiệu lực thi hành nhưng không có giải pháp mạnh, khó đi vào cuộc sống cũng là một sự lãng phí.

Nhiều ý kiến kiến nghị thực hiện khoán chi chế độ, khoán chi biên chế, khuyến khích sống cuộc sống tiết kiệm, cùng với đó thực hiện các biện pháp để quản lý tốt hơn. Để làm được điều này phải tăng cường giám sát, kiểm tra và công bố công khai kết quả giám sát, kiểm tra, có khen chê rõ ràng. Có ý kiến đề nghị nên tổ chức bồi dưỡng quản trị cơ quan cho mọi thành viên trong cơ quan; hạn chế tổ chức lễ hội, hội thảo, chống bệnh hình thức.

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa-Vũng Tàu) băn khoăn: Nhiều điều khoản quy định trong Luật còn chung chung, hình thức chưa đưa ra nhiều điều luật cụ thể rõ ràng và sợ rằng khó đưa vào thực tiễn. Phạm vi điều chỉnh Luật lần này quy định rõ hơn về cơ quan, tổ chức đơn vị cá nhân ở cơ quan nhà nước nhưng ở nhân dân thì chỉ quy định mờ nhạt mang tính chất động viên, khuyến khích. Việc quy định về kiểm soát và xử lý chế tài ở khu vực ngoài nhà nước chưa được cụ thể. Đại biểu đề xuất cần làm rõ về quy định tiết kiệm trong nhân dân. Đây cũng là ý kiến của nhiều đại biểu.

Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị dự án Luật cần gia cố thêm, nên gia công chắt chiu xây dựng các quan hệ mẫu mực để đưa vào khuôn khổ chung. Một số điều quy định trong dự án Luật rất khó thực hiện và còn để Chính phủ quy định quá nhiều. Các đại biểu đề nghị nội dung nào rõ cần được quy định luôn vào trong Luật, tránh tình trạng phải có nhiều văn bản hướng dẫn.

Xót xa khi nguồn tài nguyên bị khai thác bán thô, bị sử dụng lãng phí và đang dần cạn kiệt, nhiều tài nguyên không thể tái tạo được, đại biểu Trần Ngọc Vinh đề nghị Luật phải điều chỉnh cả vấn đề nguồn tài nguyên. Đại biểu Chu Sơn Hà đề nghị bỏ Chương IV về "khen thưởng và xử phạt" vì đã có Luật Thi đua khen thưởng điều chỉnh vấn đề này./.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục