Cần xác lập và thống nhất khái niệm doanh nghiệp nhà nước

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM, đến nay cách hiểu, định nghĩa thế nào là doanh nghiệp nhà nước còn có sự khác biệt, gây lúng túng cho các bên liên quan.
Cần xác lập và thống nhất khái niệm doanh nghiệp nhà nước ảnh 1Hoạt động tại Trung tâm điều khiển xa thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Ảnh minh họa. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Chiều 15/7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đồng chủ trì tổ chức hội thảo “Khái niệm Doanh nghiệp nhà nước và dự kiến sửa Luật Doanh nghiệp” nhằm lấy ý kiến cho việc soạn thảo một số nội dung của Luật Doanh nghiệp sửa đổi; trong đó, cần làm rõ và tiến tới thống nhất cách định nghĩa doanh nghiệp nhà nước, vấn đề quản lý, tác động của các cách đánh giá đối với nền kinh tế...

Theo báo cáo của CIEM, đến nay cách hiểu, định nghĩa thế nào là doanh nghiệp nhà nước còn có sự khác biệt, gây lúng túng cho các bên liên quan. Tuy vậy, cách định nghĩa cơ bản vẫn bao gồm một số đặc điểm cơ bản như doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần vốn góp chi phối.

Theo báo cáo của Chính phủ tháng 10/2018, cả nước có 526 doanh nghiệp nhà nước và 294 công ty cổ phần do các bộ, Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành phố quản lý. Nhưng theo số liệu của Tổng cục Thống kê đầu năm 2018 thì cả nước có 1.204 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và 1.282 công ty cổ phần cổ phần nhà nước chiếm trên 50%.

Như vậy, trên thực tế vẫn có cách hiểu chưa nhất quán về cách phân biệt, nhận định doanh nghiệp nhà nước. Từ đó gây ra sự khó khăn trong quản lý, hình thức kế toán-kiểm toán, quyết định kinh doanh, cách điều hành đối với các doanh nghiệp; thậm chí cản trở hoạt động của doanh nghiệp.

Hiện, có tới 9 Luật như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng... quy định về chủ thể “Doanh nghiệp Nhà nước.” Nếu một doanh nghiệp nào đó thuộc về một trong những quy định trong các Luật nói trên cũng sẽ phải đáp ứng, thực hiện các quy định của các Luật. Đơn cử, nếu một doanh nghiệp có một phần vốn Nhà nước tham gia và được công nhận là doanh nghiệp nhà nước thì sẽ phải thực hiện đấu thấu khi có hoạt động mua sắm thiết bị, xây dựng, vận hành một dự án cụ thể.

Ban tổ chức đã đưa ra gợi ý về tỷ lệ góp vốn của Nhà nước trong doanh nghiệp để xác định quyền lợi tương ứng. Đơn cử, nếu Nhà nước góp trên 65% vốn điều lệ thì sẽ có quyền chi phối tuyệt đối; quyết định tất cả các vấn đề của doanh nghiệp. Nếu góp vốn ở mức trên 50% thì có quyền chi phối chủ động, cũng như quyết định phần lớn các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp; nếu góp trên 35% vốn điều lệ thì có quyền chi phối “thụ động” và quyền phủ quyết để định hướng doanh nghiệp.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, trước đây Luật Doanh nghiệp quy định doanh nghiệp nhà nước là 100% vốn nhà nước. Nhưng Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII lại có những định hướng khác, bao gồm cả những doanh nghiệp chiếm phần vốn chi phối. Vì vậy, vấn đề đặt ra là phải sửa đổi các quy định để thể chế hóa quan điểm đó.

“Một quy định về doanh nghiệp Nhà nước thay đổi thì phải đánh giá thay đổi tích cực hay tiêu cực đến đâu. Sửa đổi Luật Doanh nghiệp nếu có tác động tích cực thì vui, còn nếu tiêu cực thì phải có biện pháp hạn chế tiêu cực. Do đó, cần làm rõ tác động liên quan đến các vấn đề như nhân sự, đầu tư, kế hoạch sản xuất kinh doanh…,” ông Hiếu nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho rằng, nhiều tác động và có thể sẽ phải làm rõ nhiều khái niệm. Chẳng hạn như vốn nhà nước, khái niệm cũng cần phải làm rõ; đánh giá tác động có thể có nếu khái niệm doanh nghiệp nhà nước được thay đổi, kể cả đối với các hiệp định tự do thương mại như CPTPP.

Việc sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước sẽ mở rộng phạm vi, đối tượng được áp dụng và thay đổi cách quản trị của các doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp này sẽ tuân thủ hàng loạt các luật và các quy định về nhân sự, kiểm toán, thanh tra…, SCIC đang quản lý 144 doanh nghiệp, có 51% có vốn nhà nước.

“Tầm quan trọng như vậy, nên mong muốn hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp cùng thảo luận, thống nhất phương án tối ưu sao cho có tác động tích cực đến doanh nghiệp, giảm thiểu thủ tục, ràng buộc pháp lý không cần thiết để phát huy hiệu quả vốn nhà nước,” ông Lai nhấn mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Bá, đơn vị soạn thảo nội dung sửa đổi Luật Doanh nghiệp cần bám sát quan điểm đổi mới, đưa các ý tưởng, nội dung tiến bộ vào Luật nhằm phục vụ mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tối đa, với tinh thần cởi mở và minh bạch. Không nên mở rộng phạm vi quy định đối với doanh nghiệp nhà nước, nhất là đối với trường hợp Nhà nước góp ít vốn. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng trên thực tế thì khu vực doanh nghiệp thường hoạt động thiếu hiệu quả hơn so với doanh nghiệp tư nhân để có những ý kiến phù hợp, thiết thực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục