Cạnh tranh quyết liệt trên thị trường năng lượng sạch toàn cầu

Theo nhận định của các chuyên gia, những quốc gia giành được sự thống trị trong lĩnh vực sản xuất pin sẽ có vị thế tương tự như các cường quốc dầu mỏ của thế kỷ XX.
Cạnh tranh quyết liệt trên thị trường năng lượng sạch toàn cầu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: PA)

Trong thế kỷ XXI, khi cả thế giới chuyển hướng sang sử dụng năng lượng tái tạo, vai trò của các sản phẩm pin đang trở nên ngày càng quan trọng nhờ khả năng lưu trữ và cấp năng lượng. Đây được coi là thành tố có đóng góp lớn vào việc duy trì nguồn năng lượng xanh.

Theo nhận định của các chuyên gia, những quốc gia giành được sự thống trị trong lĩnh vực sản xuất pin sẽ có vị thế tương tự như các cường quốc dầu mỏ của thế kỷ XX.

Nhận thức được tiềm năng này, Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên ưu tiên việc đổi mới các sản phẩm có liên quan đến pin, được thể hiện qua việc Bắc Kinh đặt mục tiêu đến năm 2035, tất cả các phương tiện được bán tại nước này phải đạt tiêu chuẩn "thân thiện với môi trường", ví dụ xe như chạy bằng điện, công nghệ hybrid hoặc pin nhiên liệu.

Đáng chú ý nhất trong kế hoạch này là nhà sản xuất pin và công ty công nghệ Trung Quốc Contemporary Amperex Technology (CATL), nhà sản xuất pin ôtô hàng đầu thế giới, với kế hoạch đầu tư hơn 10 tỷ USD vào các hoạt động bao gồm các hoạt động tài trợ cho một loạt nhà cung cấp để đáp ứng nhu cầu lớn trong nước và vươn tầm ra nước ngoài.

Chủ tịch CATL, Robin Zeng, khẳng định công ty đang cạnh tranh với các công ty toàn cầu hàng đầu, đồng thời kêu gọi các nhà cung cấp thượng nguồn và hạ nguồn trong ngành công nghệ hợp tác với nhau.

CATL dự kiến sẽ mở cửa nhà máy đầu tiên ở nước ngoài trong năm 2021, sẽ là một cơ sở trị giá 2 tỷ USD trên diện tích khoảng 230.000m2 ở bang Thuringia thuộc miền Trung Đông nước Đức.

Hãng xe khổng lồ của Đức là BMW đã sớm ký hợp đồng để trở thành khách hàng đầu tiên của nhà máy này. CATL đặt mục tiêu sản xuất các sản phẩm pin có công suất 14 gigawatt giờ (GWh) đến năm 2022.

Vị thế của Trung Quốc đang “lung lay”?

Tại Trung Quốc, hồ muối Qarhan ở tỉnh Thanh Hải từng là đáy đại dương vào hàng triệu năm trước, hiện là nguồn cung cấp lithium, khoáng sản chiến lược giúp Trung Quốc chiếm đến 70% thị phần pin lithium-ion trên thế giới trong năm 2020.

Tuy nhiên, mặc dù Bắc Kinh đã công bố các hoạt động nhằm hướng đến phát triển kinh tế xanh và trong khi các khu vực công-tư đang nỗ lực nắm bắt thị trường, song chuỗi cung ứng theo chiều dọc của nước này vẫn chưa thật sự mang lại sự an tâm.

Gần đây nhất, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 24/2 đã ký sắc lệnh hành pháp về việc xem xét lại chuỗi cung ứng của Mỹ để không phụ thuộc vào Trung Quốc, trong đó có 4 sản phẩm chủ chốt, bao gồm cả pin công suất cao.

[Indonesia với tham vọng nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới]

Trong khi đó, tại châu Âu, nơi nhập khẩu khoảng một nửa pin xe điện từ Trung Quốc, người ta bày tỏ quan ngại về sự phụ thuộc của các sản phẩm quan trọng chiến lược vào nguồn cung từ Trung Quốc kể từ khi các chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong những ngày đầu bùng phát đại dịch COVID-19.

Vào tháng 1/2021, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua các khoản trợ cấp cho ngành sản xuất pin tại 12 quốc gia thành viên. Những điều này sẽ mang lại lợi ích cho các công ty bao gồm BMW và Tesla, vốn đang xây dựng nhà máy sản xuất pin ở Berlin.

Nhận định về tình hình này, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Margrethe Vestager mặc dù bày tỏ lo ngại trợ cấp quá mức sẽ làm “biến dạng” khái niệm về sân chơi bình đẳng, bà vẫn cho rằng "việc các chính phủ châu Âu hợp tác với nhau để hỗ trợ các ngành công nghiệp sản xuất pin theo hướng bền vững và sáng tạo hơn là rất hợp lý."

Theo kế hoạch, đến năm 2030, EU sẽ bắt đầu yêu cầu việc sản xuất pin phải có tỷ lệ nguyên liệu tái chế nhất định, bao gồm cả pin lithium và coban, trong một nỗ lực nhằm làm giảm vị thế của các sản phẩm xuất xứ từ Trung Quốc và tạo ra một chu trình sản xuất nội khối bền vững hơn.

Sự xuất hiện của những “người chơi mới”

Trong khi đó, bất chấp vai trò quan trọng của lithium trong việc phát triển năng lượng sạch, quá trình khai thác và tách xuất kim loại này từ đá và nước muối để tinh lọc cũng có nguy cơ phát thải khí nhà kính rất cao.

Tuy nhiên, Công ty Vulcan Energy Resources (Australia) cho biết, điều này có thể thay đổi. Công ty hiện đang đầu tư dự án tại Đức, dự kiến sẽ bơm nước muối từ lòng đất để tạo năng lượng địa nhiệt nhằm cung cấp cho thiết bị tách lithium và công ty cho biết công nghệ này hầu như không phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, công ty năng lượng của Australia Vulcan Energy Resources cho hay điều đó có thể thay đổi. Vulcan - hiện đang đầu tư dự án tại Đức - dự kiến sẽ bơm nước muối từ lòng đất để tạo năng lượng địa nhiệt nhằm cung cấp cho thiết bị tách lithium và công ty khẳng định công nghệ này hầu như không phát thải khí nhà kính.

Phó Chủ tịch của Vulcan Energy Resources là Vincent Ledoux-Pedailles cho biết, trong vài năm qua, rõ ràng sự xuất hiện của các dòng xe thân thiện với môi trường là chưa đủ để giảm lượng khí thải CO2 trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Do đó, Vulcan cần xem xét lại toàn bộ chuỗi cung ứng từ quá trình khai thác và đảm bảo rằng các quy trình nhằm mang lại những sản phẩm bền vững hơn sẽ được áp dụng.

Trong khi đó, hãng điện tử Panasonic của Nhật Bản, vốn nắm giữ khoảng 20% thị phần pin ôtô, đang tập trung vào một vấn đề khác của chuỗi cung ứng, đó là coban. Phần lớn nguồn cung coban toàn cầu đến từ nước Cộng hòa Dân chủ Congo - nơi có ngành công nghiệp từng bị lên án vì sử dụng lao động trẻ em - và có đến 60% hoạt động chế biến được thực hiện bởi các công ty Trung Quốc.

Do vậy trong vòng ba năm tới, Panasonic sẽ thương mại hóa các loại pin không sử dụng coban để tránh vấn đề về nguồn cung và giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Phó Chủ tịch điều hành Panasonic Mototsugu Sato cho biết: “Chúng tôi đã nhận được một số đơn đặt hàng từ các nhà sản xuất ôtô châu Âu.”

Trong những năm qua, Nhật Bản luôn là quốc gia đứng số một thế giới về các bằng sáng chế liên quan đến pin. Theo Cơ quan Sáng chế Châu Âu và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tổng số đơn xin cấp bằng sáng chế của Nhật Bản trong lĩnh vực này là 2.339 đơn, cao gần gấp ba lần so với mức của Trung Quốc.

Theo một số ước tính, thị trường pin phục vụ xe điện dự kiến sẽ tăng trưởng gấp 10 lần vào năm 2030 và các quốc gia sẽ chạy đua để tìm kiếm chỗ đứng trong lĩnh vực này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục