Cắt cụt chi do ngâm chân bằng nước lá cây không rõ nguồn gốc

Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nhiều bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường nhập viện với nguy cơ cao bị nhiễm trùng, hoại tử, phải cắt cụt chi do ngâm chân bằng nước lá cây không rõ nguồn gốc.
Cắt cụt chi do ngâm chân bằng nước lá cây không rõ nguồn gốc ảnh 1Chăm sóc bàn chân cho những bệnh nhân bị tiểu đường. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nhiều bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường nhập viện trong tình trạng đối mặt với nguy cơ cao bị nhiễm trùng, hoại tử, phải cắt cụt chi do ngâm chân bằng nước lá cây không rõ nguồn gốc.

Nguyên nhân là do, nhiều người có thói quen ngâm chân bằng nước ấm, nóng hoặc tự ý đắp các loại thuốc lá không rõ nguồn gốc để giảm cảm giác tê bì, đả thông kinh mạch, làm sạch và phòng ngừa biến chứng bàn chân.

[Bốn người nguy kịch vì dùng thuốc trị tiểu đường không rõ nguồn gốc]

Nhiễm trùng nặng, cắt cụt chi

Theo thạc sỹ Nguyễn Ngọc Thiện - Phó trưởng khoa Chăm sóc bàn chân (Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho hay, trung bình mỗi tháng tại khoa thường tiếp nhận và xử lý 2-3 ca mắc tiểu đường bị bỏng với những mức độ nặng nhẹ khác nhau.

Đặc biệt, nhiều trường hợp do tự ý ngâm chân bằng nước nóng hoặc các loại cỏ cây không rõ nguồn gốc dẫn đến bỏng nặng nhưng không chịu tới bệnh viện mà cố ý tự điều trị tại nhà, đã dẫn đến tình trạng hoại tử lan rộng khó chữa trị thậm chí phải cắt cụt chi đe dọa đến tính mạng.

Điển hình như bệnh nhân Vàng A L. (59 tuổi, ở Sơn La) vừa được chỉ định cắt bỏ toàn bộ bàn chân tới giữa cẳng bàn chân. Nguyên nhân là do bệnh nhân nhập viện trong tình trạng biến chứng bỏng quá nặng, hoại tử sâu và không còn dấu hiệu phục hồi.

Nguyên nhân do bệnh nhân L. ngâm chân bằng các bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc và không đúng cách.

Một trường hợp khác là bệnh nhân Trần Ngọc H. (42 tuổi, Hàng Bè, Hà Nội) vào viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao, sưng nề tấy đỏ lan tỏa toàn cổ chân, đường huyết tăng cao.

Bệnh nhân H. được chẩn đoán tiểu đường tuýp 2 cách đây 1 năm. Tuy nhiên, do chủ quan nên bệnh nhân dùng thuốc không thường xuyên.

Người nhà bệnh nhân cho hay, 2 tuần trước khi vào viện bệnh nhân xuất hiện sưng nề mắt cá trong bàn chân trái, sau đó bệnh nhân không tới viện thăm khám mà tự ý ngâm chân bằng nước đun nóng cùng hỗn hợp lá lốt, gừng, muối không rõ nhiệt độ ngày 2 lần.

Sau khoảng hai ngày bệnh nhân bắt đầu xuất hiện tình trạng bong da, loét bỏng rộp và chảy mủ nhiều tại vị trí bị tổn thương, sốt cao sưng tấy đỏ bàn chân, chảy dịch hôi vàng trong và có dấu hiệu lan rộng nhanh.

Khi được gia đình đưa vào viện, bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi, sốt cao kèm sưng nề tấy đỏ cẳng cổ bàn chân lan lên 1/2 bàn chân, đường huyết cao 27,7 mmol/l kèm theo nhiễm ceton niệu (nhiễm ceton trong đường nước tiểu).

Một trường hợp khác cũng bị hoại tử chân nặng là bệnh nhân Nguyễn Văn D. (61 tuổi, Mỹ Đức, Hà Nội).

Bệnh nhân D. chẩn đoán tiểu đường trên 13 năm, điều trị Isullin 3 năm, 1 tháng trước biến chứng thần kinh gây tê bì bàn chân, để giảm triệu chứng tê bì bệnh nhân đã tự ý ngâm chân bằng nước nóng với nhiệt độ cao gây bỏng loét tuy nhiên cũng giống bệnh nhân H.

Bệnh nhân không tới viện điều trị mà tự ý dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc đắp lên bàn chân khiến vết thương tiếp tục bỏng sâu, chảy dịch hôi thối.

Đến khi vết thương lan rộng và ngày càng sâu bệnh nhân mới để người nhà đưa vào viện, sau khi được các bác sỹ thăm khám tình trạng bàn chân đã trở nên nghiêm trọng, nhiễm trùng, hoại tử sâu rộng.

Cắt cụt chi do ngâm chân bằng nước lá cây không rõ nguồn gốc ảnh 2Hai bàn chân bị bỏng nặng của Bệnh nhân Nguyễn Văn D. do tự ý ngâm chân bằng nước nóng với nhiệt độ cao. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tự ý dùng các bài thuốc dân gian: Nhiều hậu quả

Theo bác sỹ Nguyễn Ngọc Thiện, ba trường hợp trên không hiếm gặp. Tình trạng bệnh nhân dù đang điều trị tiểu đường nhưng vẫn tự ý dùng các bài thuốc dân gian không rõ nguồn gốc để tự chữa trị vẫn diễn ra khá thường xuyên, họ không lường trước được những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.

Bác sỹ Thiện, bệnh nhân tiểu đường thường chỉ đi khám khi đã có biến chứng nặng do đó quá trình điều trị khó khăn hơn nhiều so với các vết bỏng thông thường. Khi bệnh nhân đến trong tình trạng bệnh nặng, các bác sỹ không chỉ phải tích cực cắt lọc, chăm sóc vết thương hoại tử mà các bác sỹ còn phải kiểm soát đường huyết cũng như dùng thuốc hỗ trợ nuôi dưỡng vùng tổn thương kích thích da tự mọc, hạn chế tối đa xuất hiện thêm vết thương.

Do vậy, bác sỹ Thiện khuyến cáo người mắc bệnh tiểu đường nên khám định kỳ để giảm biến cố nhiễm trùng loét do bỏng.

Bên cạnh đó người mắc tiểu đường thường kiểm soát đường máu không tốt, không cảm nhận được nhiệt độ cao thấp nên dễ bị bỏng do vậy bệnh nhân tuyệt đối không nên tự ý ngâm chân bằng nước nóng hay đắp các loại thuốc không rõ nguồn gốc để giảm cảm giác đau, rát, tê bì./.

Nguy cơ cụt chi do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc. (Nguồn: Vnews)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục