CHDC Congo triển khai tiêm chủng vắcxin phòng bệnh Ebola

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ quan ngại về sự bùng phát trở lại của dịch bệnh Ebola tại Tây Phi với tâm điểm là CHDC Công và Guinea.
CHDC Congo triển khai tiêm chủng vắcxin phòng bệnh Ebola ảnh 1Tiêm vắcxin ngừa Ebola cho người dân tại CHDC Congo. (Ảnh: WB)

Ngày 15/2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết thành phố Butembo ở miền Đông CHDC Congo đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng phòng Ebola sau khi phát hiện 4 trường hợp nhiễm mới, trong đó 2 người đã tử vong. Những trường hợp nhiễm mới nói trên xuất hiện chỉ 3 tháng sau đợt bùng phát dịch cuối cùng ở quốc gia này.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, các nhân viên y tế tại bệnh viện Matanda, nơi điều trị ca nhiễm mới Ebola đầu tiên, là những người được ưu tiên tiêm vắcxin. Văn phòng WHO tại CHDC Congo cho biết 4 người ở Biene đã được tiêm phòng và 334 người khác đã được đưa vào lịch trình tiêm chủng.

Trước đó, ngày 7/2, Bộ Y tế CHDC Congo thông báo 4 phụ nữ ở Biene, khu vực gặp nhiều khó khăn ở vùng Bắc Kivu, đã có triệu chứng sốt xuất huyết. Hai người đã tử vong sau đó.

WHO cũng đã bày tỏ quan ngại về sự bùng phát trở lại dịch Ebola ở Guinea và CHDC Congo. Trong một cuộc họp báo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết nhà chức trách Guinea đã tuyên bố về đợt bùng phát Ebola mới, trong khi đó CHDC Congo cũng phát hiện ổ dịch mới. Các đợt bùng phát ở Guinea và CHDC Congo hoàn toàn không liên quan đến nhau và WHO phải đối mặt với những thách thức tương tự ở cả hai nước.

[Dịch bệnh Ebola bùng phát tại Guinea, đã có 4 trường hợp tử vong]

Guinea là một trong 3 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bùng phát Ebola ở Tây Phi trong giai đoạn 2013-2016, được đánh giá là đợt dịch lớn nhất kể từ khi loại virus này được phát hiện lần đầu tiên năm 1976, khiến 11.300 người tử vong trong số 28.600 trường hợp được ghi nhận.

Trong khi cả thế giới chưa biết bao giờ mới đánh bại được đại dịch COVID-19 thì dịch bệnh Ebola dường như đã quay trở lại "tấn công" Tây Phi. Tuy nhiên, chính quyền nhiều nước và WHO đánh giá khu vực này đã được trang bị tốt hơn so với 5 năm trước, đặc biệt là nhờ vào tiến bộ trong công tác tiêm chủng, để có thể đối phó với Ebola./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục