Chính sách của cộng đồng ASEAN cần có sự tham vấn của người dân

Theo nhiều chuyên gia văn hóa, để xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN, các nước thành viên cần chú trọng hơn tới việc phát huy vai trò của người dân, xây dựng kế hoạch truyền thông cụ thể…
Chính sách của cộng đồng ASEAN cần có sự tham vấn của người dân ảnh 1Cố đô Yangon - nơi có nhiều di tích và thắng cảnh Phật giáo tại Myanmar. (Ảnh minh họa: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)

Để xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN, các nước thành viên cần chú trọng hơn tới việc phát huy vai trò của người dân. Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên ASEAN cần đẩy mạnh giáo dục cộng đồng, bảo tồn di sản văn hóa, xây dựng kế hoạch truyền thông trong vấn đề này…

Đó là những ý kiến được các đại biểu đưa ra tại hội thảo “Xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN: hướng tới bản sắc chung - kinh nghiệm của Liên minh châu Âu” do Bộ Ngoại giao tổ chức vào hôm nay (26/8) tại Hà Nội.

Chú trọng ​yếu tố con người

“Nếu như trước đây, chính sách của ASEAN được đưa ra chỉ bởi các nhà lãnh đạo thì giờ đây, những chính sách của ASEAN phải có sự tham vấn của người dân,” thạc sỹ Vũ Thanh Hà (Viện Nghiên cứu ​châu Âu) bày tỏ.

Hiện nay, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đang nỗ lực cùng nhau tiến tới thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015. Đây sẽ là một cộng đồng gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và chia sẻ trách nhiệm xã hội dựa trên ba trụ cột: Cộng đồng Chính trị-An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội (ASCC). Trong đó, ASCC được xem như “chân kiềng” quan trọng nhất, gắn kết và bổ trợ cho hai trụ cột còn lại.

Mục tiêu quan trọng nhất của ASCC là thúc đẩy tiến bộ xã hội và xây dựng bản sắc chung ASEAN. 

Trong khi đó, theo thạc sỹ Vũ Thanh Hà, nguồn gốc sâu xa của sự gắn kết trong ASEAN chính là những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong khu vực. Sau nhiều thế kỷ bị kìm kẹp dưới ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, những giá trị này đã được hồi sinh, từ đó kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nước ngoài để phát triển như hiện nay.

​Vị chuyên gia này cũng chỉ rõ, nếu như sự đoàn kết được kỳ vọng tạo nên một bản sắc chung của ASCC thì chính nó cũng đang gặp phải thách thức lớn khi các quốc gia thành viên ASEAN đều phải tìm cách thích ứng với cạnh tranh toàn cầu (ví dụ như ảnh hưởng từ các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản…).

“ASEAN nên tập trung vào yếu tố con người vì khi người dân hiểu nhau hơn sẽ thúc đẩy quá trình hình thành bản sắc chung. Bất cứ trở ngại nào cũng phải được giải quyết một cách tốt nhất để người dân ASEAN hiểu về nhau hơn,” bà Hà đề xuất.

Chính sách của cộng đồng ASEAN cần có sự tham vấn của người dân ảnh 2Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: TTXVN)

Đẩy mạnh ​giáo dục

Phát biểu tại hội thảo, bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh: “Tôi tin rằng, trong khoảng 15 năm tới, bản sắc văn hóa ASEAN sẽ được định hình. Tuy nhiên, để làm được điều đó, chúng ta cần có công thức, lộ trình cụ thể.”

Cụ thể, bà Katherine Muller-Marin cho rằng, ASEAN cần tập trung vào việc giáo dục, đặc biệt là giáo dục giới trẻ sự đa dạng về văn hóa, lịch sử, thể chế… của các quốc gia thành viên.

Cùng với đó, việc xây dựng kế hoạch truyền thông để truyền tải thông điệp, giúp người dân hiểu được những lợi ích, cơ hội cũng như những thách thức chung trong việc xây dựng ASCC sẽ có tác dụng bổ trợ lớn cho việc giáo dục.

Theo vị Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, việc xây dựng bản sắc chung không có nghĩa là tạo ra một nền văn hóa duy nhất ở khu vực và làm cho văn hóa các nước thành viên biến mất. Thay vào đó là sự tôn trọng và tìm ra những yếu tố kết nối để hòa hợp với nhau. Việc duy trì, tôn trọng đa dạng văn hóa là một điều kiện thiết yếu của xã hội loài người.

Sự hình thành và phát triển của Liên minh châu Âu (EU) - “một trong những mô hình thành công nhất về hội nhập khu vực” (theo lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung tại hội thảo) được nhiều chuyên gia viện dẫn làm ví dụ cho vấn đề này.

Đại diện Viện Nghiên cứu châu Âu cho biết, mục tiêu “Thống nhất trong sự đa dạng” là phương châm của EU. Đây là một trong năm biểu tượng biểu trưng của EU hiện nay (cờ châu Âu, ngày châu Âu, châu Âu ca, phương châm châu Âu và đồng Euro). Khái niệm “Thống nhất trong sự đa dạng” thực tế gắn với những giá trị, di sản văn hóa, tôn giáo và nhân văn của châu Âu.

“Thống nhất” là mục tiêu mà EU đang theo đuổi nhằm tạo dựng “một vận mệnh chung.” “Đa dạng” kêu gọi các dân tộc châu Âu phải tự hào về bản sắc quốc gia và lịch sử của các nước thành viên với sự tôn trọng lẫn nhau, nhấn mạnh những giá trị chung của các quốc gia thành viên EU.

Chính sách của cộng đồng ASEAN cần có sự tham vấn của người dân ảnh 3Biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế - loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Theo kế hoạch, Cộng đồng ASEAN sẽ được thành lập vào ngày 31/12/2015. Tuy nhiên, “ngay cả khi Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập thì quá trình xây dựng một cộng đồng văn hóa khu vực và liên khu vực vẫn còn phải tiếp tục được thực hiện bởi bản thân khu vực này cũng như mối quan hệ của nó với các đối tác bên ngoài luôn luôn biến đổi,” ngài Jerril G. Santos - Đại sứ nước Cộng hòa Philippines tại Việt Nam khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục