Chủ đề Hy Lạp bao trùm ngày đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng G7

Ngày 28/5, Hội nghị G7 đã có các phiên họp chính thức tại thành phố Dresden, Đức, với một trong các nội dung quan trọng là vấn đề nợ của Hy Lạp.
Chủ đề Hy Lạp bao trùm ngày đầu tiên Hội nghị Bộ trưởng G7 ảnh 1Các đại biểu tham dự Hội nghị G7 chụp ảnh lưu niệm. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chiều ngày 28/5, hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã có các phiên họp chính thức tại thành phố Dresden, Đức, với một trong các nội dung quan trọng là vấn đề nợ của Hy Lạp.

Phóng viên TTXVN tại Đức đưa tin, tại các cuộc trao đổi, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đã hối thúc các bên liên quan sớm thống nhất hướng xử lý cuộc khủng hoảng nợ của quốc gia Nam Âu này, nhằm góp phần vào sự ổn định chung của kinh tế thế giới.

Trong khi Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bà Christine Lagarde đánh giá "bộ ba" chủ nợ quốc tế gồm IMF, Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Hy Lạp đã tiến rất gần tới một giải pháp cuối cùng trong việc xử lý khủng hoảng nợ của nước này, song phủ nhận quả quyết của Athens về giải pháp này, cho rằng Hy Lạp cần chứng tỏ quyết tâm cải cách của mình mạnh mẽ hơn nữa.

Mặc dù vậy, trong các cuộc thảo luận ở ngày đầu tiên, các bên vẫn còn nhiều bất đồng xung quanh nội dung cụ thể cho giải pháp cuối cùng này. Lãnh đạo ECB và EC tiếp tục giữ điều kiện Hy Lạp phải thực hiện ngay những cải cách quyết liệt nếu muốn nhận các khoản cứu trợ bổ sung, điều mà đến nay chính phủ cánh tả của Thủ tướng Alexis Tsipras  vẫn kiên quyết từ chối.

Ngoài ra, trong ngày họp đầu tiên, lãnh đạo ngành tài chính G7 cũng bàn thảo việc xây dựng một bộ quy chuẩn đối phó với nạn chuyển giá và trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia, thống nhất kể hoạch góp vốn hỗ trợ tài chính cho chính quyền Ukraine và những biện pháp ngăn chặn dòng tiền tài trợ cho các tổ chức khủng bố quốc tế.

Về tình hình kinh tế thế giới, lãnh đạo tài chính G7 cho rằng kinh tế toàn cầu cần sớm hướng tới sự tăng trưởng bền vững. Nước chủ nhà Đức đưa ra hai khuyến nghị là nhiều nước trên thế giới cần nhanh chóng cắt giảm nợ công và từng bước hạn chế chính sách nới lỏng tiền tệ, song song với đó là tiến hành cải cách kinh tế. Đức cũng đề xuất đưa ra mức trần đối với các ngân hàng trong thu mua trái phiếu chính phủ, cũng như cần tiếp tục tăng cường kiểm soát hệ thống ngân hàng quốc tế.

Giới quan sát đang chờ đợi tuyên bố chung kết thúc hội nghị đưa ra vào ngày 30/5, với những quyết sách mới giúp thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu và trước mắt là tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng nợ đang sắp bước vào đoạn quyết định của Hy Lạp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục