Chủ động điều chỉnh trước thềm hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN

Phóng viên TTXVN đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương xung quanh việc Việt Nam đã và đang chuẩn bị những gì trước thềm hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Chủ động điều chỉnh trước thềm hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN ảnh 1Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Đã hơn 19 năm trôi qua kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của ASEAN vào ngày 28/7/1995, Việt Nam không chỉ hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của một thành viên trong khối mà còn thể hiện vai trò tích cực, đóng góp đầy năng động cho sự phát triển chung.

Trước thềm hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) dự kiến sẽ được thành lập vào cuối năm 2015, phóng viên TTXVN đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú xung quanh việc Việt Nam đã và đang chuẩn bị những gì để sẵn sàng đón nhận cơ hội lớn này.

- Xin Thứ trưởng cho biết Việt Nam đã gặp những thách thức nào và cần phải hoàn thiện những gì để thực hiện mục tiêu xây dựng AEC vào năm 2015?

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Năm 2015 là mốc thời gian quan trọng đối với ASEAN, đánh dấu sự hình thành của AEC. Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tạo ra một không gian sản xuất chung, một thị trường chung rộng lớn, thống nhất với hơn 600 triệu người tiêu dùng và tổng GDP bình quân hàng năm gần 3.000 tỷ USD; trong đó hàng hóa, dịch vụ, vốn, công nghệ và lao động có tay nghề sẽ được tự do lưu chuyển giữa các nước thành viên ASEAN.

Để thực hiện mục tiêu này, ASEAN đã trải qua một quá trình chuẩn bị lâu dài, thể hiện qua việc xây dựng và thực hiện các biện pháp trong Kế hoạch tổng thể AEC (AEC Blueprint) đến năm 2015.

Nhằm chuẩn bị cho giai đoạn sau năm 2015, ASEAN cũng đang hướng tới việc hoàn tất Khuôn khổ ASEAN về AEC, thậm chí dưới hình thức một AEC Blueprint mới cho 10 năm tới (2015-2025) với mục tiêu hội nhập kinh tế sâu sắc hơn.

Đối với Việt Nam, ASEAN là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu. Hội nhập với ASEAN đã và sẽ tiếp tục là một trụ cột quan trọng trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, chủ động hội nhập khu vực và quốc tế của Việt Nam.

Do đó, từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995, chúng ta luôn tham gia tích cực cùng với các nước ASEAN khác trong quá trình thực hiện AEC Blueprint nhằm xây dựng AEC vào năm 2015 cũng như thảo luận về các định hướng của AEC sau năm 2015 mặc dù phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn.

Để tham gia xây dựng AEC một cách hiệu quả và tận dụng đầy đủ các cơ hội mà AEC mang lại, tôi cho rằng Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước thành viên khác thông qua việc đổi mới quản lý, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, thông thoáng.

Cùng với đó, một điểm thuận lợi là định hướng này cũng phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh của Việt Nam. Các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức AEC cho cộng đồng người dân và doanh nghiệp cần được đẩy mạnh để họ có sự chuẩn bị đầy đủ trước tiến trình này.

Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp cần chủ động điều chỉnh để thích nghi với các điều kiện mới, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm tận dụng tốt các cơ hội mà hội nhập kinh tế khu vực mang lại để tồn tại và phát triển.

- Nhiều doanh nghiệp cho rằng họ còn thiếu thông tin về AEC và những tác động của AEC đối với doanh nghiệp, nhất là những tác động cụ thể trong từng ngành nghề. Thứ trưởng cho biết vai trò của Bộ Công Thương như thế nào trong việc hỗ trợ cho doanh nghiệp nắm bắt các thông tin này?

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Như tôi đã nêu ở trên, sự quan tâm cũng như nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về AEC, các cam kết về thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư cũng như các tác động đến doanh nghiệp còn một số hạn chế.

Do vậy, để chuẩn bị cho AEC 2015, bên cạnh nỗ lực thực hiện đầy đủ lộ trình cam kết, Việt Nam cũng rất chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, coi đây là biện pháp quan trọng để khai thác tốt lợi ích của hội nhập khu vực.

Với vai trò là cơ quan điều phối hội nhập kinh tế ASEAN của Việt Nam, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện Chương trình truyền thông AEC từ năm 2009 đến nay dưới nhiều hình thức, hoạt động khác nhau như tổ chức hội thảo ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, xuất bản nhiều ấn phẩm, phim ngắn giới thiệu về AEC cho cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng đang chủ động và tích cực hơn trong việc tìm hiểu và tận dụng các ưu đãi về thuế trong các Hiệp định Thương mại tự do. Điều này được thể hiện rõ nhất qua tỷ lệ hàng hóa được hưởng ưu đãi của ta (tức là đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ) ở mức cao so với các đối tác trong khu vực và luôn có xu hướng tăng lên qua các năm thực hiện.

Tuy nhiên, việc đánh giá tác động các cam kết của AEC trong các ngành nghề cụ thể còn hạn chế do thiếu các thông tin, số liệu liên quan trong từng ngành. Tôi cho rằng để có thể đánh giá đầy đủ các tác động này, Hiệp hội ngành nghề cần chủ động tìm hiểu các cam kết được công bố trong lĩnh vực của mình và cung cấp thông tin cũng như các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để các cơ quan quản lý như Bộ Công Thương có những điều chỉnh, phản hồi kịp thời nhằm đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.

- Vậy lộ trình của Việt Nam khi tham gia AEC là như thế nào và Thứ trưởng có khuyến cáo gì đối với doanh nghiệp trong nước trước sức ép cạnh tranh của các doanh nghiệp trong khu vực?

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Để chuẩn bị xây dựng AEC, Việt Nam đã và đang thực hiện đầy đủ các biện pháp theo lộ trình đề ra trong AEC Blueprint của ASEAN đến năm 2015. Quá trình này đã được thực hiện từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1995.

Nhờ những nỗ lực trong thời gian qua, dù trình độ phát triển chưa bằng một số nước trong khu vực nhưng Việt Nam là một trong số các thành viên ASEAN có tỷ lệ hoàn thành tốt các cam kết trong Lộ trình tổng thể thực hiện AEC.

Theo báo cáo cập nhật nhất của Ban thư ký ASEAN, từ ngày 1/1/2008 đến ngày 11/7/2014, ASEAN đã thực hiện được 78,1% tổng số các biện pháp xây dựng AEC. Việt Nam là một trong 3 nước đạt tỷ lệ cao nhất, đạt 84,5%. Về các biện pháp ưu tiên thực hiện AEC đến năm 2013, ASEAN đạt mức thực hiện bình quân 82,1% và Việt Nam là một trong 2 nước đạt tỷ lệ cao nhất, đạt khoảng 90% (chỉ sau Singapore).

Nhằm chuẩn bị cho giai đoạn sau năm 2015, Việt Nam đang cùng các nước ASEAN khác thảo luận, xây dựng khuôn khổ ASEAN về AEC và khả năng xây dựng một AEC Blueprint mới cho 10 năm tới để xác định các biện pháp, lộ trình củng cố hội nhập AEC.

AEC sẽ mang lại cho các doanh nghiệp ASEAN những cơ hội lớn về thị trường, vốn, công nghệ nhưng để các nỗ lực hội nhập đem lại lợi ích thực sự thì vai trò của các doanh nghiệp mới là yếu tố quyết định.

Trước sức ép cạnh tranh đang gia tăng của các doanh nghiệp trong khu vực, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan, đổi mới, điều chỉnh cấu trúc kinh doanh, cơ cấu doanh nghiệp, thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống để cải thiện năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế của doanh nghiệp và mặt hàng của mình trên thị trường khu vực. Đây là một quá trình sàng lọc chọn lựa khắc nghiệt và lâu dài, chỉ những doanh nghiệp có khả năng thích ứng nhanh mới có thể tồn tại và phát triển.

- Có ý kiến cho rằng với thực tế hội nhập đang diễn ra, chúng ta cũng không nên kỳ vọng quá vào AEC, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp. Thứ trưởng nhận định về ý kiến này như thế nào?


Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú:
Nhìn lại thực tiễn hội nhập, việc Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 1/2007 đã đánh dấu một mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn mà nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn và toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới.

Mặc dù tình hình quốc tế có nhiều khó khăn và thách thức nhưng Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu đáng ghi nhận về mặt kinh tế.

Cụ thể như duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định ở mức bình quân trên 6% trong giai đoạn 2007-2013, đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu, đạt khoảng 132 tỷ USD trong năm 2013, tăng khoảng 3,3 lần so với năm 2006; vốn đầu tư nước ngoài tăng nhanh, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực đến cuối năm 2013 đạt 230 tỷ USD, gấp đôi năm 2006; thu nhập bình quân đầu người khoảng 1.900 USD năm 2013, gấp hơn ba lần so với năm 2006, tạo thêm nhiều việc làm, xóa đói giảm nghèo…

Với thực tiễn này, tôi tin rằng AEC sẽ là một cơ hội quý báu nữa để Việt Nam bắt nhịp với xu thế và trình độ phát triển kinh tế của khu vực và thế giới. Sự hình thành một không gian sản xuất thống nhất trong ASEAN và sự hội nhập của ASEAN với các đối tác ngoại khối quan trọng trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ sẽ giúp tăng sức hấp dẫn của ASEAN như một điểm đến cho thương mại và đầu tư, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.

Thông qua đó, các doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội tham gia vào những khâu then chốt của nhiều chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong khu vực, hướng đến các thị trường chủ chốt của Việt Nam.

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục