Chuyên gia Đức khuyến nghị thận trọng khi nới lỏng phòng chống dịch

Các chuyên gia đánh giá hiện Đức đang ở giai đoạn mới của đại dịch, đòi hỏi sự sát sao, theo dõi hiệu quả tất cả các chỉ số để có thể giảm bớt hoặc điều chỉnh biện pháp kiểm soát dịch có trách nhiệm.
Chuyên gia Đức khuyến nghị thận trọng khi nới lỏng phòng chống dịch ảnh 1Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Cologne, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hội đồng Chuyên gia về đại dịch COVID-19 của Chính phủ liên bang Đức nhận định các biện pháp phòng chống đại dịch này có thể được nới lỏng trong những tuần tới, nhưng cảnh báo các cấp chính quyền và người dân vẫn cần phải thận trọng.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn đánh giá ngày 13/2 của cơ quan trên cho biết làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã dẫn tới tỷ lệ lây nhiễm cao hơn, song không gây ra áp lực lớn cho ngành y tế như các làn sóng lây nhiễm trước đây.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều điều "không chắc chắn" có thể tác động tới dịch bệnh, trong đó có việc tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng chưa cao.

Các chuyên gia đánh giá hiện Đức đang ở giai đoạn mới của đại dịch, đòi hỏi sự sát sao, theo dõi hiệu quả tất cả các chỉ số để có thể giảm bớt hoặc điều chỉnh các biện pháp kiểm soát dịch bệnh một cách có trách nhiệm. Giai đoạn mới của đại dịch kéo dài bao lâu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy mô tiêm chủng và sự lây lan của các biến thể mới.

Theo nghiên cứu, không có gì đảm bảo để những người chưa tiêm vaccine phòng bệnh khi nhiễm biến thể Omicron lần đầu có khả năng phòng vệ đáng tin cậy đối với những biến thể khác.

[Thế giới có gần 1,5 triệu ca mắc và 5.500 ca tử vong trong 24 giờ qua]

Hội đồng chuyên gia cũng cảnh báo nguy cơ xuất hiện làn sóng lây nhiễm mới chậm nhất là vào mùa Thu tới, do đó cần nghiên cứu xem các biến thể cho tới nay như Delta, có thể tiếp tục lây lan và tạo nên những đợt lây nhiễm mới hay không.

Các chuyên gia cũng cho rằng việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch là hợp lý khi tỷ lệ nhập viện cũng như số bệnh nhân cần chăm sóc tích cực giảm xuống một cách ổn định.

Tuy nhiên, việc mở cửa quá sớm sẽ làm nảy sinh nguy cơ tăng gánh nặng trở lại cho hệ thống y tế và người dân tiếp tục được yêu cầu hành động một cách thận trọng và có trách nhiệm.

Theo Hội đồng chuyên gia, khi tỷ lệ nhiễm bệnh thấp, có thể tạm dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang, song phải tính tới nguy cơ lây nhiễm khác nhau ở ngoài trời và trong không gian kín. Hội đồng này cũng nhận định rằng chưa thể so sánh việc mắc COVID-19 với cúm mùa, nhấn mạnh việc tiêm ít nhất 3 liều vaccine là công cụ hiệu quả nhất để giảm gánh nặng y tế, từng bước hướng tới giai đoạn cuối của đại dịch.

Cũng theo những chuyên gia trên, trong một số điều kiện nhất định, có thể dỡ bỏ một cách thận trọng một số biện pháp phòng dịch trong những tuần tới.

Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết các dự báo khoa học cho thấy Đức sắp đạt đỉnh của làn sóng lây nhiễm biến thể Omicoron và điều này cho phép nhà chức trách tính tới "những bước mở cửa đầu tiên."

Hiện các bang ở Đức đang áp dụng những quy định riêng tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh ở các địa phương. Nhiều bang cũng đã có những điều chỉnh theo hướng nới lỏng các biện pháp phòng dịch.

Tại thủ đô Berlin, một số quy định đã được nới lỏng, như cho phép tới 4.000 người tham gia các sự kiện lớn trong không gian kín (tối đa 30% sức chứa), 10.000 người cho các sự kiện ngoài trời (tối đa 50% sức chứa), đồng thời phải đeo khẩu trang FFP2, giữ khoảng cách và tuân thủ quy tắc 2G plus (đã tiêm đủ, đã khỏi vẫn cần làm xét nghiệm, trừ người đã tiêm mũi tăng cường).

Ngoài ra, nhà chức trách đã bãi bỏ việc theo dõi tiếp xúc khi tham gia các sự kiện, vào nhà hàng... Đối với những người tự làm xét nghiệm nhanh có kết quả dương tính, không cần làm thêm xét nghiệm PCR mà chỉ cần làm xét nghiệm nhanh ở cơ sở được uỷ quyền để có xác nhận bằng văn bản.

Việc công nhận những người đã khỏi bệnh chỉ có hiệu lực trong 3 tháng, thay vì 6 tháng như trước đây. Những người mới tiêm vaccine ngừa COVID-19 (mũi thứ nhất hoặc thứ hai) và mới khỏi không quá 3 tháng được coi là đã tiêm mũi tăng cường.

Đối với quy định về cách ly, thời gian cách ly đối với người lớn mắc bệnh (F0) và tiếp xúc (F1) sẽ được rút ngắn xuống 10 ngày, song có thể hết cách ly sau 7 ngày khi có kết quả xét nghiệm âm tính. F0 và F1 với người dưới 18 tuổi chỉ phải cách ly 7 ngày và có thể rút ngắn xuống còn 5 ngày nếu có kết quả xét nghiệm âm tính.

Người đã tiêm mũi tăng cường, người mới tiêm và mới khỏi thuộc diện F1 không cần cách ly. Tại các trường học và nhà trẻ, tất cả các trường hợp F1 (giáo viên, người chăm sóc học sinh, trẻ em gửi nhà trẻ) không cần cách ly.

Khi có trường hợp dương tính, các F1 phải xét nghiệm trong 5 ngày liên tiếp. Tuy nhiên, các giáo viên chưa tiêm vaccine bắt buộc phải cách ly. Trẻ em gửi nhà trẻ hay học sinh (chưa tiêm, không phải trường hợp đã khỏi bệnh) được xét nghiệm 3 lần/tuần. Ngoài ra, học sinh ở các lớp học phải đeo khẩu trang trong không gian kín./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục