Kinh tế thế giới đang chứng kiến những biến động to lớn, từ cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, cũng như từ cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi xướng, đang có xu hướng lan rộng ra toàn cầu.
Nhằm cung cấp cho bạn đọc thêm một góc nhìn về bối cảnh mới của kinh tế thế giới và những khuyến nghị về chính sách giúp Việt Nam tránh những tác động xấu, tận dụng được những lợi thế trong con đường phát triển hiện nay, phóng viên VietnamPlus đã phỏng vấn chuyên gia tài chính-kinh tế Phạm Nam Kim, cựu Giám đốc Ngân hàng bang Vaud, Thụy Sĩ về vấn đề này.
- Hiện nay, thế giới đang chứng kiến những biến động lớn trong lĩnh vực kinh tế, ông đánh giá như thế nào về bối cảnh mới này của nền kinh tế thế giới?
Chuyên gia Phạm Nam Kim: Sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng 4.0 đã đem đến cho kinh tế thế giới những diện mạo mới trên nhiều lĩnh vực như thương mại, tiêu dùng, giải trí, sản xuất... Đặc biệt trong hoạt động sản xuất, lao động giá rẻ - vốn là lợi thế của các nước mới nổi - bị thay thế bằng các robot lao động không biết mệt mỏi và năng suất cao.
Ngoài ra, cuộc chiến thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động nhằm vào Trung Quốc, rồi lan sang EU và các nước chuyên xuất khẩu hàng hóa mới nổi, đã và đang lan rộng ra trên toàn thế giới. Điều này khiến hoạt động thương mại tự do của thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi làn sóng của chủ nghĩa bảo hộ đang lan tràn khắp thế giới. Nó cũng dẫn tới cuộc chiến giành giật thị trường xuất khẩu trên thế giới đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
- Ông nhận định thế nào thế nào về thực trạng của kinh tế Việt Nam?
Chuyên gia Phạm Nam Kim: Kinh tế Việt Nam đang gặp phải vấn đề nợ xấu và nợ công cao, đây là hậu quả từ hoạt động kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, cũng như hậu quả của các hoạt động đầu cơ. Theo đó, mô hình phát triển của nền kinh tế không có nền tảng vững chắc của một nền kinh tế thực, mà là dựa trên nền tảng của một nền kinh tế "ảo," vốn không tạo ra giá trị thực.
Về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hiện tại Việt Nam chỉ chỉ thu hút vốn đầu tư trực tiếp để xây những xưởng gia công, những công xưởng này không có tác động tích cực đối với nền kinh tế.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, vấn đề cốt lõi là đất, vì đầu cơ nên giá đất tăng vọt. Các trang trại chỉ ở trên những thửa đất nhỏ, vì vậy người ta dùng hóa chất ở mọi công đoạn để giữ được năng suất và như vậy là đi ngược với chiều hướng thị trường tiêu thụ của thế giới.
Về dịch vụ, ngành du lịch của Việt Nam không đồng bộ, không có chiến lược tiếp thị, không định hình được phân khúc, mục tiêu cũng như không định hướng được ưu thế của “sản phẩm” du lịch đất nước.
- Trước những biến động như vậy, kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động ra sao?
Chuyên gia Phạm Nam Kim: Theo tôi, biến động của kinh tế thế giới sẽ có 4 tác động lớn đối với kinh tế Việt Nam:
Thứ nhất, đầu trực tiếp vào Việt Nam sẽ bị sụt giảm mạnh. Do tác động của cách mạng công nghệ 4.0, Việt Nam sẽ bị mất đi lợi thế của nhân công giá rẻ trong việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Thứ hai, làn sóng thất nghiệp tràn lan do việc rút lui đồng loạt khỏi Việt Nam của các cơ xưởng gia công của các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tác động của cách mạng 4.0 và sức ép của cuộc chiến tranh thương mại đang có nguy cơ lan rộng ra khắp thế giới, sẽ tạo ra làn sóng “trở lại cố quốc” của các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới. Theo đó, các cơ xưởng gia công có vốn FDI tại Việt Nam cũng sẽ bị rút về.
[Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam]
Thứ ba, mất đi thị trường xuất khẩu truyền thống và tăng trưởng kinh tế có nguy cơ bị sụt giảm mạnh. Chiến tranh thương mại thế giới bùng phát và lan rộng sẽ khiến Việt Nam mất đi thị trường xuất khẩu do vướng phải hàng rào thuế quan của các nước. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của ta lại chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Thứ tư, đầu cơ bị xì thì ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, một khi ngành ngân hàng bị khó khăn thì khó vực dậy nền kinh tế, hơn nữa sau cuộc chiến thương mại sẽ đến cuộc chiến tài chính.
- Vậy, theo ông, đâu là hướng đi cụ thể để kinh tế Việt Nam trong thời gian tới tránh được những tác động xấu cũng như những kịch bản tiêu cực nêu trên?
Chuyên gia Phạm Nam Kim: Về mô hình phát triển trong thời gian tới, Việt Nam phải xây dựng một nền kinh tế "thực," nền kinh tế này sẽ có khả năng đối mặt với những thay đổi và thách thức đang và sẽ xảy ra.
Về dài hạn, nước ta phải hoàn toàn độc lập và tự chủ về kinh tế. Việt Nam sẽ là một quốc gia phát triển có uy tín về chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ dựa trên năng lực của lao động Việt Nam và chất lượng môi trường. Đây là con đường duy nhất để chống lại những thay đổi và áp lực của sự phát triển như vũ bão của công nghệ cũng như sự chi phối của các cường quốc kinh tế.
Những nước như Thụy Sĩ đã trải nghiệm con đường này và đã trải qua được 3 cuộc cách mạng công nghiệp và giữ được chủ quyền trước áp lực của những Đế quốc châu Âu, và hiện tại Thụy Sĩ với 7 triệu dân, không có tài nguyên thiên nhiên, lại là một trong những quốc gia giàu có và hạnh phúc nhất thế giới.
Tương tự như vậy, Singapore từ thời Thủ tướng Lý Hiển Long cũng đi theo đường lối tương tự và hiện cũng là một quốc gia hùng mạnh và hạnh phúc dưới vòm trời Đông Nam Á.
Cái hơn trong tầm nhìn của ta là ta khẳng định độc lập và chủ quyền kinh tế, khái niệm mà các quốc gia trên chỉ khẳng định trên phương diện chính trị.
Với tầm nhìn trên, chính sách đầu tiên là đề xuất và áp dụng triệt để đường lối "trung lập kinh tế." Trong cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu hiện tại, không bị áp lực và ngả vào phe nào, nhưng đồng thời ta phải giảm thiểu tất cả những ảnh hưởng từ những đối tác (khối, quốc gia, doanh nghiệp, cá nhân), có thể chi phối nền kinh tế quốc gia, có như vậy, ta mới giữ được chủ quyền quốc gia và thực hiện những bước chiến lược sau.
Nền kinh tế "thực" sẽ dựa một phần trên công nhiệp, nhưng công nghiệp của ta hiện chỉ là gia công cho những doanh nghiệp FDI, những doanh nghiệp Việt Nam không nắm được bí quyết sản xuất và cũng chỉ làm công việc lắp ráp, nay với cách mạng 4.0 phần lắp ráp sẽ do hệ thống tự động (robot), vậy công nghiệp hóa nước ta sẽ phải phát triển từ đâu?
Trong những tiêu chí lựa chọn, ta phải dành ưu tiên cho những ngành nghề không thể thay thế bằng robot nếu muốn giữ chất lượng sản phẩm. Hiện tại ở Việt Nam có gần 2.000 làng nghề, trong đó số doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ không phải là nhỏ.
Chính sách công nghệ hóa bước đầu sẽ thiết lập những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiết lập cho những công đoạn có thể làm được dây chuyển sản xuất tự động nhưng vẫn dành cho nghệ nhân những công đoạn cốt lõi có giá trị gia tăng. Giai đoạn sau sẽ là mở rộng ra những ngành nghề khác và đưa vào phần giá trị gia tăng trên nghệ thuật. Những doanh nghiệp nay sẽ được hỗ trợ để hoạt động ở thị trường quốc nội và nước ngoài dựa trên một nhãn hiệu "Made in Vietnam" đồng nghĩa với chất lượng.
Đối với những doanh nghiệp lắp ráp FDI, bước đầu sẽ là cầm chân họ lại để phục vụ thị trường Việt Nam. Đến khi thương hiệu "Made in Vietnam" nói ở trên có được tiếng vang trên thế giới thì các doanh nghiệp này sẽ xuất khẩu lại như xưa.
Phát triển dịch vụ cũng đi cùng con đường chất lượng. Về du lịch, chất lượng của một nơi họ tham quan đồng nghĩa với sự khác biệt tích cực đối với nơi họ sống, khi họ đến Việt Nam họ chờ đợi tìm được một môi trường sinh thái sạch sẽ, gần thiên nhiên của một xứ nhiệt đới, họ cũng chờ đợi những phong cảnh đặc trưng của đất Việt và sự nhiệt tình tiếp đón của người dân Việt, theo phong cách Việt.
Phải biết là họ tránh xa những khu du lịch biệt lập dành riêng cho du khách nước ngoài với nhà cao tầng, và sòng bài, trò chơi dành cho du khách, không thu hút được phân khúc du khách cao cấp và chỉ là một chuyện đầu cơ bất động sản.
Ngược lại, những khu khách sạn rẻ tiền, với những quán ăn, quán nhậu mở rất to chỉ thu hút được phân khúc Tây balô và du khách "0 đồng." Do vậy muốn phát triển ngành du lịch, ta phải chỉnh sửa lại chiến lược tiếp thị, cũng như phải triệt để bảo vệ môi trường, khung cảnh thiên nhiên cũng như chất lượng phục vụ du khách.
Về dịch vụ, trong thời buổi bùng nổ Internet, ngành phân phối cũng thay đổi rất nhanh, những công ty phân phối qua mạng sẽ giữ những vai trò tối quan trọng để bán hàng trực tiếp ra nước ngoài. Đó là những gì những công ty như Aliexpress của Jack Ma đã làm với sự hỗ trợ của Bưu điện Trung Quốc, không màng gì đến hiệp định WTO đã ký. Đó là chưa bàn đến vấn đề vận chuyển hàng hóa bán buôn, vấn đề logistic hiện Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc và những công ty nước ngoài.
Điểm chính trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng, ai cũng rõ trong thời gian qua ngành ngân hàng khốn đốn vì nền kinh tế "ảo" và những "mánh lới" không thể chấp nhận được trong ngành. Tới nay, những giải pháp áp dụng chỉ mang tính tạm thời, những mong phát triển kinh tế sẽ ảnh hưởng tốt cho tình thế này.
Nhưng thời gian tới, khi diễn ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hệ thống ngân hàng của Việt Nam vốn đã rệu rã chỉ e không trụ vững, trong khi, ngược lại, thực hiện những cải cách kinh tế ở trên cần sự hỗ trợ của một hệ thống ngân hàng mạnh không những về mặt tài chính mà cả về kỹ năng quản lý.
Do vậy, Nhà nước phải quyết tâm và quyết liệt, tái cơ cấu thật nhanh hệ thống ngân hàng. Cụ thể, Nhà nước nên phân tích lại đề xuất tái cơ cấu toàn bộ ngành ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, truy vấn cập nhật với tình thế hiện tại và thực hiện ngay.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, ta phải ý thức nhu cầu của thị trường quốc nội cũng như ngoài nước là thức ăn sạch. Thức ăn sạch ở đây có nghĩa là toàn bộ những khâu sản xuất, ngay từ đầu nguồn đều chỉ dùng chất hữu cơ, không có chất hóa học, không có bất cứ một thứ thuốc bảo vệ thực vật, dù là thuốc vi sinh. Vì tổng thể chiến lược tiếp thị của Việt Nam được dựa trên chất lượng nên chất lượng nông sản phải là sản phẩm sạch theo định nghĩa ở trên.
Do vậy, Nhà nước phải rà soát cập nhật lại tiêu chuẩn VietGap cho phù hợp với xu hướng thị trường và quảng bá hệ thống tiêu chuẩn rộng rãi hơn bằng cách xem lại cách thu phí hiện tại, lấy phí trên doanh số của nông dân rất khó được chấp nhận bởi các tiểu nông.
Những thay đổi trên chỉ có hiệu quả nếu có sự góp sức của một chương trình xây dựng hình ảnh chất lượng sản phảm nông nghiệp, logistic xuất khẩu ra nước ngoài và hỗ trợ của ngành ngoại giao về những hiệp ước thương mại cũng như về phương cách tiếp thị.
Những đề án trên chỉ là những hướng đi, muốn được thực hiện phải vạch thật kỹ lộ trình và đưa ra chương trình hành động cụ thể.
Cụ thể, ta có hai dự án cốt lõi phải thực hiện: phá bỏ nền kinh tế "ảo" và phát triển nguồn nhân lực (yếu tố con người).
Muốn thực hiện tầm nhìn, như nói ở trên, việc đầu tiên phải làm là phá bỏ mảng kinh tế "ảo," thói đầu cơ. Muốn diệt đầu cơ, phải diệt trước tiên động cơ chính của đầu cơ, đó là lợi nhuận và cách khắc phục thì trường khi kiểm soát được mức giá trên thị trường (kỹ thuật "làm giá.").
Về lợi nhuận, phải kéo mức lợi nhuận xuống mức trung bình của nền kinh tế thực với một bộ luật thuế thu nhập trên đầu cơ, nghiêm mặt và áp dụng nghiêm minh.
Về thuật tạo giá, rất khó can thiệp vào một thị trường tự do, phản ứng theo cung, cầu, chỉ ngăn cấm được những vị thế độc quyền. Câu chuyện chính là sự liên kết giữa chính quyền địa phương và đại gia bất động sản để tạo giá trên đất nền. Do vậy, phải rà soát lại luật quy hoạch sử dụng đất trên hai phương diện chính, đầu cơ xây cất và bảo vệ thiên nhiên. Ta có thể rút kinh nghiệm từ nhưng luật quy hoạch đất đai bên châu Âu.
Tại Thụy Sĩ, có luật quy hoạch đất đai cấp liên bang, định rõ chỉ tiêu đất xanh, đất nông nghiệp và đất xây cất. Theo những tiêu chí này, các bang sẽ đưa ra kế hoạch sử dụng đất của bang, rồi cấp quận, huyện đưa ra kế hoạch của mình.
Một dự án xây dựng chỉ được nhận nếu theo sát kế hoạch và đã cài đặt ngay trên mảnh đất một mô hình tượng trưng cho xây cất khi đã thành hình, mọi dân cư trong vùng đều có quyền phản đối và tòa án sẽ phán xét sự việc. Nhất định chương trình chống tham nhũng của Đảng cũng sẽ góp phần tích cực để ngăn chặn những vụ chia chác trong những vụ việc này.
- Để thực hiện những nhiệm vụ trên cũng không phải là điều dễ dàng. Vậy chúng ta cần phải chuẩn bị những gì và từ đâu?
Bên cạnh phá bỏ kinh tế "ảo," để thực hiện tầm nhìn nêu trên, ta còn phải chú trọng đến phát triển con người, nâng cao chất lượng giáo dục, giáo dục sát với thực tế phát triển của đất nước.
Về cơ bản, giáo dục phải phục vụ kinh tế chứ không phải ngược lại, giáo dục phải đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế. Nhu cầu của nền kinh tế là gì, thứ nhất và về tổng thể là một người người thợ, một nhân viên, một kỹ thuật gia giỏi. Giỏi đây là thực hành giỏi, có tay nghề, khi vào làm việc, phục vụ được ngay và có năng suất cao, đó là nhiệm vụ của những trường kỹ thuật, kỹ sư, quản lý. Nhu cầu thứ hai là chuẩn bị cho tương lai, có những học giả, có năng khiếu, nghiên cứu, sáng tạo và phát triển.
Phần đào tạo tay nghề thì hệ thống của Thụy Sĩ có lẽ tốt nhất thế giới. Học sinh 16 tuổi, rời ghế nhà trường có thể đăng ký vào một trường học nghề, kỹ thuật hoặc dịch vụ. Chương trình học bao gồm 2 ngày học lý thuyết tại trường và 3 ngày thực tập tại xưởng hay doanh nghiệp dịch vụ, vì vậy hệ thống này thường được đặt tên là "đào tạo kép." Những ngày làm việc đều được trả lương. Chương trình đào tạo đươc thiết lập bởi hội doanh nghiệp trong ngành dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương.
Sau khóa học, vì sinh viên đã có chân trong công ty nên thường ở lại phục vụ công ty, nhưng nếu sinh viên muốn học thêm có thể theo trường cao đẳng kỹ thuật, cũng theo mô hình đào tạo kép, vừa học vừa làm. Nếu sinh viên muốn chuyển qua chương trình đại học thuần túy thì có thể theo một khóa trau dồi kiến thức khoa học rồi vào đại học như mọi sinh viên khác.
Hệ thống đào tạo kép của Thụy Sĩ hiện được rất nhiều quốc gia quốc gia, từ Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ chú ý và áp dụng cho nước họ.
Còn về hệ thống đào tạo những nhà khoa học, có lẽ ta phải theo hệ thống đại học Mỹ. Tại những đại học này, cấp thạc sỹ hay tiến sỹ đều có trung tâm nghiên cứu khoa học, tiếp nhận những đề nghị nghiên cứu của doanh nghiệp, giao dự án cho sinh viên nghiên cứu, dưới sự chỉ đạo của ban giáo sư và sinh viên nhận thù lao của doanh nghiệp, và có những công trình nghiên cứu có giá trị khoa học và sinh viên có nhiều bài được đăng trên các tập chí khoa học có tiếng, sinh viên có thể nhận bằng tiến sỹ.
Cũng phải nói rằng bằng tiến sỹ ở phương Tây chỉ chứng nhận người sở hữu bằng có khả năng nghiên cứu khoa học và nó không phải bàn đạp để tiến thân. Có rất nhiều thạc sỹ khi đi xin việc, phải cất bằng tiến sỹ đi vì vị trí đang tìm không liên quan gì đến nghiên cứu khoa học.
Ở Việt Nam, có rất nhiều tiến sỹ nhưng rất ít bài báo khoa học được các tạp chí khoa học nhận đăng. Có lẽ ta cũng cần điều chỉnh lại hệ thống hiện tại.
- Xin cảm ơn ông!