Công nghiệp ôtô Việt Nam: Biến “giấc mơ” thành hiện thực

Các doanh nghiệp trong nước điển hình như Thaco, Hyundai Thành Công và Vinfast... đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ USD cho sản xuất lắp ráp xe nhằm cạnh tranh trực tiếp với xe nhập khẩu.
Công nghiệp ôtô Việt Nam: Biến “giấc mơ” thành hiện thực ảnh 1Xưởng lắp ráp tại Nhà máy Bus Thaco. (Ảnh: Nguyễn Sơn/TTXVN)

Từ năm 2018 khi thuế nhập khẩu xe ôtô nguyên chiếc về 0% sẽ là cơ hội lớn cho xe ôtô nước ngoài tràn vào Việt Nam.

Trước thực tế này, các doanh nghiệp trong nước điển hình như Thaco, Hyundai Thành Công và Vinfast... đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ USD cho sản xuất lắp ráp xe nhằm cạnh tranh trực tiếp với xe nhập khẩu. Không những vậy, các doanh nghiệp này còn tham vọng đưa xe “nội” “xuất ngoại.”

Doanh nghiệp trong nước đã sẵn sàng

Với quyết tâm đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới của Mazda trong khu vực, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco cho biết chiến lược đầu tư của Thaco là xây dựng hầu hết các nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô mới cũng như các nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng để gia tăng tỷ lệ nội địa hoá trên 40% với định hướng xuất khẩu ôtô với thuế nhập khẩu ưu đãi 0%.

Mở màn đầu năm 2017, “ông lớn” Thaco (Công ty cổ phần ôtô Trường Hải) đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp xe Mazda mới với công suất 100.000 xe/năm, tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, dự kiến hoạt động vào tháng 4/2018.

Tiếp đó, tháng 9/2017, Tập đoàn BMW châu Á đã chính thức chọn Thaco trở thành nhà đầu tư và nhập khẩu xe BMW, MINI tại thị trường Việt Nam từ 1/1/2018. Đầu tháng 12/2017, Tập đoàn Daimler cũng đã chủ động hợp tác với Thaco để chuyển giao công nghệ sản xuất, lắp ráp tất cả các chủng loại xe tải FUSO và xe buýt ROSA ở Việt Nam...

[Thị trường ôtô: Nghịch lý thuế giảm nhưng giá xe vẫn chưa giảm]

Tính đến thời điểm này, bên cạnh hai sản phẩm truyền thống trong nước là Thaco Truck và Thaco bus, Thaco có trong tay đến bảy thương hiệu lớn trên thế giới gồm Kia, Mazda, Peugeot, BMW, Mini, BMW Motorrad và Fuso. Như vậy, Thaco đã hội tụ đầy đủ dải sản phẩm xe du lịch, xe khách, xe tải và xe buýt, không những phục vụ nhu cầu trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.

Không đứng ngoài cuộc, trong tháng 3/2017, Hyundai Thành Công đã hợp tác với Tập đoàn Hyundai Motor Hàn Quốc mở rộng sản xuất lắp ráp xe du lịch Hyundai tại Việt Nam với công suất 40.000 xe/năm. Đây là bước đi quan trọng giúp những mẫu xe Hyundai có thể cạnh tranh với những thương hiệu khác đang chuyển dịch sản phẩm từ ASEAN vào Việt Nam. Với việc hợp tác này, cơ cấu sản phẩm xe Hyundai tại Việt Nam chuyển dịch từ tỷ trọng 20% lắp ráp CKD lên 70-80% trong nửa cuối năm 2017 và tăng lên trên 90% năm 2018.

Ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Hyundai Thành Công, chia sẻ thành quả của việc hợp tác này là đơn vị đã tung ra thị trường hai mẫu Grand i10 và Tucson thế hệ mới với giá thành rẻ hơn từ 10-12% so với nhập khẩu nguyên chiếc. Đây cũng là hai mẫu xe mà Hyundai Thành Công hướng tới xuất khẩu sang các nước trong khu vực.

Công nghiệp ôtô Việt Nam: Biến “giấc mơ” thành hiện thực ảnh 2Công nhân lắp ráp ôtô tại Nhà máy Hyundai Thành Công, Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sau thành công ở lĩnh vực xe du lịch, Hyundai Thành Công tiếp tục hợp tác liên doanh với Tập đoàn Hyundai Motor để xây dựng nhà máy sản xuất lắp ráp các dòng xe thương mại Hyundai ở Ninh Bình và trở thành đối tác duy nhất của Tập đoàn Hyundai Motor trong khu vực ASEAN.

Ông Lê Ngọc Đức cho hay, với việc tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ ôtô nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tối ưu chi phí sản xuất để có mức giá cạnh tranh nhất, mục tiêu đến cuối năm 2018 những lô xe thương mại đầu tiên sẽ được xuất khẩu sang các nước trong khu vực lân cận, sau đó là các khu vực khác.

Thêm điểm nhấn đáng chú ý đối với ngành công nghiệp ôtô Việt Nam và gây chấn động truyền thông không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Đó là Tập đoàn Vingroup bất ngờ đầu tư dự án sản xuất ôtô Vinfast trị giá 3,5 tỷ USD tại Hải Phòng, công suất 500.000 xe/năm. Đồng thời tuyên bố sẽ làm ra ôtô thương hiệu Việt trong vòng 12 tháng là xe máy điện và sau 24 tháng là ôtô.

[Vinfast công bố hai mẫu xe ôtô được bình chọn nhiều nhất]

Ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, chia sẻ: “Ra đời sau các hãng xe khác, Vinfast luôn mong muốn chắt lọc tinh hoa của ngành ôtô thế giới vào sản phẩm đầu tiên. Chúng tôi đã có một quá trình tìm hiểu, lựa chọn kỹ lưỡng các đối tác nhằm cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao, an toàn, hiện đại, mang bản sắc Việt nhưng đạt tiêu chuẩn quốc tế.”

Bởi vậy, Vinfast hoàn toàn tự tin đưa hai mẫu xe sedan và SUV đầu tiên này tham gia triển lãm Paris Motorshow vào tháng 10/2018, nơi được hầu hết các nhà sản xuất chọn lựa là “sân khấu” để ra mắt các tác phẩm của mình để khẳng định niềm tự hào xe Việt. Vinfast bắt đầu tiếp nhận đơn hàng từ đầu năm 2019, tiến tới xuất khẩu xe ra nước ngoài.

Để biến “giấc mơ” thành hiện thực

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, quan điểm đầu tư của các doanh nghiệp này khá tương đồng, ban đầu tập trung cho sản xuất lắp ráp, từng bước chuyển giao công nghệ, đặc biệt là mở rộng hoạt động đúng vào thời điểm diễn biến của thị trường ôtô theo chiều ngược lại được xem là “cú lội ngược dòng” lịch sử. Đồng thời đây cũng là tín hiệu tích cực giúp cho Chính phủ có niềm tin vào sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô với sự tham gia của các doanh nghiệp “hạt nhân”.

Và để tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp trong nước, Chính phủ cũng đã có nhiều giải pháp; trong đó có việc ưu đãi 0% thuế nhập khẩu linh kiện ôtô theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP. Nhờ đó, xe sản xuất lắp ráp trong nước không những đủ khả năng cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc mà còn có cơ hội xuất khẩu. Với những giải pháp này, “giấc mơ” về ngành công nghiệp ôtô đang dần sáng hơn.

Tuy vậy, để đáp ứng mục tiêu nội địa hóa về các loại xe và tham gia xuất khẩu theo Chiến lược cũng như quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, các doanh nghiệp cũng phải đáp ứng đủ các điều kiện như yêu cầu khí thải, tỷ lệ nội địa hóa... để được hưởng thuế nhập khẩu linh kiện 0% theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP.

Các chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp cũng cần nỗ lực hơn nữa trong việc tối ưu hóa chi phí đầu vào, cung cấp linh kiện nội địa hóa với mức giá cạnh tranh so với nhập khẩu, góp phần giảm chi phí xe sản xuất lắp ráp trong nước.

Công nghiệp ôtô Việt Nam: Biến “giấc mơ” thành hiện thực ảnh 3Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Để có thể thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất linh kiện trong và ngoài nước, các doanh nghiệp đưa ra kiến nghị miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam. Về lâu dài, cùng với những giải pháp trên, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ cần có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam. Đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có trung tâm sản xuất tại ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ôtô đa quốc gia.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị Chính phủ xem xét miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước để doanh nghiệp tự chủ động nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh. Điều này cũng đã được Bộ Công Thương đề xuất trong báo cáo của tổ công tác về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô vào giữa năm 2017. Các quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia... hay Ấn Độ cũng đang áp dụng biện pháp này nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục