COVID-19 ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động của các tổ chức xã hội?

Dựa trên kết quả khảo sát, Nhóm nghiên cứu MSD đã đưa ra một số đề xuất biến “nguy cơ” thành “thời cơ” nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID–19 và khắc phục hậu đại dịch.
COVID-19 ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động của các tổ chức xã hội? ảnh 1Kiểm tra thân nhiệt cho người dân. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 17/4, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) đã công bố Báo cáo kết quả Khảo sát nhanh “Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới hoạt động của các tổ chức xã hội tại Việt Nam."

101 tổ chức xã hội hoạt động tại Việt Nam đã tham gia thực hiện khảo sát này từ ngày 31/3 đến hết ngày 10/4.

Khảo sát nhằm tìm hiểu những khó khăn, thách thức của dịch tới hoạt động và vận hành của tổ chức; tìm hiểu những sáng kiến vượt qua khủng hoảng dịch bệnh của các tổ chức; đánh giá nhu cầu hỗ trợ về nâng cao năng lực ứng phó khủng hoảng của các tổ chức; đánh giá mức độ các nguy cơ với trẻ em trong mùa dịch.

Hơn 90% tổ chức xã hội gặp khó khăn

Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững - người trực tiếp thực hiện khảo sát, chia sẻ các tổ chức xã hội đóng vai trò thiết yếu trong trụ kiềng ba chân bên cạnh khối chính phủ và doanh nghiệp trong tiến trình phát triển đất nước.

Chính vì thế, Viện hy vọng rằng những thông tin kịp thời từ khảo sát này sẽ giúp các bên liên quan và chính các tổ chức xã hội sẽ có thể đưa ra được các chiến lược, kế hoạch và phương thức hỗ trợ và tự hỗ trợ khối các tổ chức xã hội Việt Nam ứng phó và vượt qua các thách thức của đại dịch hiệu quả, tiếp tục sứ mệnh và nỗ lực của mình đối với cộng đồng và xã hội.

Theo thạc sỹ Trần Vân Anh, Giám đốc chương trình MSD, đình trệ hoạt động là thách thức lớn nhất mà hầu hết các tổ chức đang gặp phải trong thời kỳ đại dịch. Các hoạt động theo kế hoạch đều không triển khai được, các kế hoạch xây dựng từ trước Tết Nguyên đán (tháng 1/2020) đều liên tục bị hoãn và hoặc hủy.

Tương tự đối với các cơ sở giáo dục, mọi hoạt động liên quan đến giảng dạy, tập huấn cho học sinh, thanh niên đều phải tạm dừng.

Nguy cơ giảm nguồn hỗ trợ tài chính là thách thức lớn thứ hai. Các tổ chức dự đoán nguy cơ suy giảm nguồn lực do khủng hoảng kinh tế, do đó khả năng cao các tổ chức sẽ bị giảm nguồn hỗ trợ tài chính để thực hiện các hoạt động trong tương lai; đồng thời không thể triển khai một số kế hoạch dự phòng cho việc tạo nguồn thu như nghiên cứu, tổ chức sự kiện gây quỹ.

Một số cơ sở từ thiện dự tính họ có thể bị cắt giảm từ 30% đến 40% kinh phí được tài trợ.

[Tự giác tuân thủ quy định phòng dịch: 'Liều vắcxin' ngăn chặn COVID-19]

Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội còn gặp khó khăn trong quá trình trao đổi, điều phối và phối hợp với các đối tác: làm việc tại nhà và trực tuyến (online) không thể đảm bảo 100% hiệu quả công việc như khi đến văn phòng. Việc theo dõi và kiểm tra tiến độ công việc cũng khó khăn hơn. Việc huy động tài trợ từ các nguồn khác nhau cũng là vấn đề đáng quan tâm, như khó khăn trong việc huy động nguồn lực từ doanh nghiệp do tổn thất sau đại dịch; lĩnh vực hoạt động của tổ chức sẽ khó khăn gây quỹ do không được ưu tiên hậu COVID-19; bị đình trệ hoặc bị thay đổi cam kết tài trợ từ các đối tác tài trợ.

Ngoài các khó khăn kể trên, cứ 10 tổ chức thì có hơn 1 tổ chức gặp các thách thức cụ thể liên quan tới việc phải cắt giảm nhân sự do không thể trả lương, trả tiền mặt bằng thuê văn phòng và thiếu nền tảng công nghệ để điều hành công việc hiệu quả trong thời gian cách ly.

Hơn 90% tổ chức xã hội cho biết họ gặp khó khăn nghiêm trọng trong phục vụ, hỗ trợ thân chủ, đối tượng đích thụ hưởng của tổ chức, đặc biệt là các đối tượng thuộc các nhóm dễ bị tổn thương.

Hầu hết các tổ chức không tiếp cận được thân chủ trong thời gian cách ly hoặc gặp khó khăn trong đáp ứng nhu cầu thay đổi, nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp của thân chủ.

Ở một số trường hợp đặc biệt như trẻ khuyết tật, ảnh hưởng của đại dịch là rất nghiêm trọng khi các hỗ trợ của các tổ chức cho các thân chủ này bị gián đoạn...

Biến “nguy cơ” thành “thời cơ”

Trước những khó khăn trên, hầu hết các tổ chức xã hội đều có nhu cầu được hỗ trợ năng lực để ứng phó và tiếp tục phát triển, với 3 nội dung hỗ trợ mà các tổ chức quan tâm nhất hiện nay. Trước hết là kết nối với các nguồn lực hỗ trợ tổ chức xã hội trong và sau COVID-19; truyền thông và gây quỹ trong bối cảnh mới và ứng dụng công nghệ chuyển đổi tổ chức.

Dựa trên kết quả khảo sát, Nhóm nghiên cứu MSD đã đưa ra một số đề xuất biến “nguy cơ” thành “thời cơ” nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID–19 và khắc phục hậu đại dịch.

Nhóm nhấn mạnh vai trò hợp tác, thúc đẩy phối hợp giữa khối tổ chức xã hội, Chính phủ và các bên liên quan khác, để kịp thời ứng phó và giải quyết các thách thức trong xã hội thời kỳ khủng hoảng.

Các tổ chức xã hội tham gia giám sát xã hội trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19, cùng nhau dự thảo khuyến nghị thư gửi Chính phủ đề nghị tăng cường giúp đỡ trẻ em trong khủng hoảng; tăng cường nâng cao năng lực, chia sẻ thông tin về kế hoạch, chiến lược ứng phó khẩn cấp, nâng cao năng lực ứng phó trong giai đoạn khủng hoảng.

Đồng thời, Nhóm tìm hiểu, phát triển chiến lược huy động nguồn lực, đa dạng nguồn lực cho các tổ chức xã hội, tăng cường vai trò hợp tác đối tác chiến lược với doanh nghiệp, gây quỹ trong cộng đồng để nâng cao hiệu quả vận hành và bền vững tài chính của tổ chức; tăng cường và đầu tư giải pháp ứng dụng công nghệ để chuyển đổi tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức xã hội trong thời kỳ công nghệ số.

Nhóm thúc đẩy hành động chung giữa các tổ chức xã hội nhằm đảm bảo những hoạt động kịp thời, ý nghĩa và có trách nhiệm trong công tác hỗ trợ nhóm dễ bị tổn thương vượt qua đại dịch COVID-19 hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục