CureVac kiện BioNTech về bản quyền vaccine ngừa COVID-19

Hãng dược phẩm sinh học CureVac yêu cầu được "bồi thường công bằng" do BioNtech và đối tác Pfizer (Mỹ) đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong sản xuất và bán vaccine Comirnaty ngừa COVID-19.
CureVac kiện BioNTech về bản quyền vaccine ngừa COVID-19 ảnh 1CureVac có trụ sở tại Tuebingen, được thành lập cách đây 22 năm. (Nguồn: Getty Images)

Hãng dược phẩm sinh học CureVac ngày 6/7 thông báo đã đệ đơn kiện nhà phát triển vaccine ngừa COVID-19 BioNtech SE và hai công ty con của hãng này, với cáo buộc vi phạm bản quyền đối với công nghệ mRNA được sử dụng để phát triển vaccine Comirnaty.

Hai công ty BioNtech và CureVac đều ở Đức. CureVac có trụ sở tại Tuebingen, được thành lập cách đây 22 năm dưới bàn tay gây dựng của nhà khoa học Ingmar Hoerr tiên phong trong công nghệ mRNA.

Vaccine được bào chế theo công nghệ mRNA kích thích phản ứng miễn dịch bằng cách đưa vào tế bào người các phân tử di truyền chứa mã của các bộ phận quan trọng của mầm bệnh.

Các nhà khoa học cho biết vaccine được bào chế bằng công nghệ này có thể giúp phòng ngừa hiệu quả nhiều dịch bệnh.

Theo đơn kiện trình lên tòa án Đức, CureVac nêu rõ hãng đã được cấp bằng sáng chế công nghệ cơ bản "liên quan thiết kế, phân phối và sản xuất mRNA," đồng thời đã "đóng góp vật chất cho việc phát triển vaccine ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả."

CureVac nhấn mạnh với tư cách là "nhà tiên phong trong công nghệ mRNA," hãng này đã hỗ trợ công tác nghiên cứu và đổi mới khoa học trong nhiều thập kỷ liên quan các loại vaccine.

Vì vậy, CureVac yêu cầu được "bồi thường công bằng" do BioNtech và đối tác Pfizer (Mỹ) đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong sản xuất và bán vaccine Comirnaty ngừa COVID-19.

Tuyên bố của CureVac nêu rõ hãng này "không tìm kiếm một lệnh cấm và cũng không có ý định thực hiện hành động pháp lý ngăn cản việc sản xuất, bán hoặc phân phối vaccine Comirnaty của BioNTech và đối tác Pfizer."

Phản hồi về thông tin trên, BioNTech tuyên bố hoạt động phát triển vaccine ngừa COVID-19 của hãng này là nguyên bản và hãng sẽ "bảo vệ mạnh mẽ thành quả này trước mọi cáo buộc vi phạm bản quyền."

Trên thực tế, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát, hãng CureVac được đánh giá là một trong những ứng cử viên đầy hứa hẹn ở Đức trong việc sản xuất nhanh một loại vaccine để ứng phó dịch bệnh này. Tuy nhiên, các kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine của CureVac hiệu quả quá thấp và dự án đã tạm thời đình chỉ từ tháng 10/2021. Hiện CureVac đang phối hợp cùng hãng dược phẩm GSK (Anh) nghiên cứu phát triển một loại vaccine thế hệ thứ hai ngừa COVID-19.

Trong khi đó, tháng 12/2020, Ủy ban châu Âu (EC) đã cấp phép cho vaccine Comirnaty, theo đó vaccine này là loại vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên được lưu hành tại Liên minh châu Âu (EU). Đây cũng là một trong những loại vaccine ngừa COVID-19 được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới hiện nay.

[Đức: Vaccine của hãng CureVac có hiệu quả 48% ở mọi lứa tuổi]

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội công nghệ sinh học Đức BIO Deutschland, trong năm 2021, doanh thu và chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực công nghệ sinh học của Đức đã lập kỷ lục mới.

Doanh thu tăng 279% lên 26,32 tỷ euro (tương đương 27,01 tỷ USD) và đầu tư vào R&D tăng 54% lên 3,84 tỷ euro.

Hiệp hội này cho biết: “Lý do chính cho những kỷ lục mới là sự thành công của nhà phát triển vaccine BioNTech nhưng CureVac cũng đang đóng góp đáng kể vào tăng trưởng đầu tư R&D với nghiên cứu vaccine của hãng”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục