Chỉ trong vòng 15 ngày (từ 5/5 đến 20/5), giá xăng trong nước đã có mức tăng tổng cộng hơn 3.000 đồng/lít. Chính điều này đã khiến nhiều câu hỏi đặt ra là việc điều hành giá xăng dầu trong nước thời gian qua đã hợp lý chưa?
Bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, Đại biểu quốc hội Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã có chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề trên.
- Thưa ông, chỉ trong vòng 15 ngày qua, giá xăng trong nước đã tăng tới hơn 3.000 đồng/lít, trong khi nếu giảm, chỉ ở mức rất nhỏ. Liệu điều này có hợp lý không và có tạo thành cú sốc cho doanh nghiệp và người tiêu dùng không?
Đại biểu Bùi Đức Thụ: Tăng nhiều hay ít phụ thuộc vào biến động giá dầu trên thị trường thế giới và phụ thuộc vào Quỹ bình ổn giá (BOG) cũng như là mức thuế nhập khẩu của chúng ta.
Như tôi đã nói, căn cứ vào các yếu tố trên thì liên bộ Tài chính-Công Thương sẽ rà soát trình tự điều chỉnh và quy trình này cũng đã được quy định rõ tại Nghị định 83/CP về kinh doanh xăng dầu. Như vậy, với quy định hiện hành, tôi cho rằng việc này là hợp lý.
Phải nói thêm, việc tăng giá xăng dầu vừa qua, tăng 2 lần với mức độ lớn rõ ràng điều này tác động đến sản xuất kinh doanh vì xăng dầu là yếu tố đầu vào với nhiều ngành, đặc biệt chiếm tỷ trọng lớn đối với vận tải. xăng dầu Với một số lĩnh vực khác thì tác động trong cơ cấu giá thành tuy có thấp hơn nhưng yếu tố đầu vào ra thì thuận lợi…. nhưng việc tăng giá quá cao có thể tác động đến sản xuất kinh doanh, đặc biệt là yếu tố đầu vào từ xăng dầu.
- Trong khi xăng tăng giá nhưng báo cáo tài chính của Petrolimex trong quý I lại công bố lãi cao hơn 80% so với cùng kỳ năm trước, nhiều người cho rằng lợi nhuận trên là nhờ hưởng lợi từ việc tăng giá xăng dầu. Vậy ông có bình luận gì về vấn đề này?
Đại biểu Bùi Đức Thụ: Thứ nhất, trách nhiệm giải trình là của các bộ, ngành quản lý của nhà nước trong lĩnh vực đó phải trả lời, giải trình vấn đề xã hội, dư luận đã nêu. Thứ hai, lãi của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có thể là giá cả đầu ra của sản phẩm hàng hóa.
Tiếp đến là nếu giá cả đầu ra tương đối bình ổn thì việc tiết giảm chi phí của các tổ chức cá nhân, quản lý cải tiến công nghệ, tiết giảm chi phí cũng đồng nghĩa với việc tăng lợi nhuận. Ở đây theo tôi việc tăng lợi nhuận của một doanh nghiệp cần phải làm rõ nguyên nhân của nó và các yếu tố tác động đến vấn đề này.
Về phía nhà nước thì đối với những ngành hàng nhà nước quản lý, tức là điều chỉnh, quy định về giá thì cố gắng không nên để lợi nhuận tăng bằng cơ chế khác. Nhà nước luôn ủng hộ việc doanh nghiệp có lợi nhuận tăng nhưng phải là do tiết giảm kinh phí, cải tiến quản lý và đổi mới công nghệ.
Thực tế, việc điều chỉnh giá xăng đã có quy định rồi. Việc điều chỉnh giá là của một cơ quan liên bộ xem xét các số liệu thị trường trên cơ sở đề nghị của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Khi thẩm định đúng, nhà nước mới cho phép điều chỉnh.
Hơn nữa việc tăng giá cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp hàng năm đều được đưa vào kiểm toán nhà nước, nên những số liệu này tôi cho rằng cũng đã được xác định nếu như có quyết định chưa thực sự hợp lý thì chắc chắn các cơ quan kiểm toán và cơ quan quản lý nhà nước sẽ xác định rõ./.
Nghị định 83/2014/NĐ-CP quy định thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.
Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 3% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối được tăng giá bán lẻ tương ứng giá cơ sở tại thời điểm thương nhân điều chỉnh giá; đồng thời gửi văn bản kê khai giá, quyết định điều chỉnh giá đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Trường hợp các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng vượt 3% đến 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối gửi văn bản kê khai giá, dự kiến mức điều chỉnh giá tới liên Bộ Công Thương - Tài chính. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phải có văn bản trả lời thương nhân đầu mối về việc điều chỉnh mức giá, sử dụng Quỹ bình ổn giá (nếu có).
Quá thời hạn 3 ngày làm việc, nếu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền không có văn bản trả lời, thương nhân đầu mối được quyền điều chỉnh giá bán lẻ tối đa tương ứng với mức giá cơ sở tại thời điểm điều chỉnh nhưng không được vượt quá 07% so với giá cơ sở liền kề trước đó.
Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, liên Bộ Công Thương - Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về biện pháp điều hành cụ thể.