Dấu ấn hội nhập kinh tế của Việt Nam kể từ APEC năm 2006

Những thành tựu kinh tế của Việt Nam sau 11 năm kể từ Hội nghị cấp cao APEC 2006 là đáng nể với những mức tăng trưởng ấn tượng.
Dấu ấn hội nhập kinh tế của Việt Nam kể từ APEC năm 2006 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhân dịp Việt Nam lần thứ hai đăng cai tổ chức một kỳ hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào năm nay, tác giả Edmund Sim đã có bài đăng trên tạp chí The Diplomat về những thay đổi kinh tế của Việt Nam giữa hai lần làm chủ nhà hội nghị APEC.

Theo tác giả, Hội nghị cấp cao APEC 2006 tại Hà Nội được coi là dịp "Việt Nam ra mắt," khởi đầu cho quá trình phát triển và hội nhập thế giới.

Bài viết nhấn mạnh bất chấp vô vàn khó khăn, nền kinh tế Việt Nam đã dần bứt phá, gặt hái được những thành tựu kinh tế đáng nể. Dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tác giả cho biết Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã tăng gấp đôi, từ 25 tỷ USD năm 1996 lên 66 tỷ USD năm 2006. Tổng thu nhập quốc dân (GNI) trên đầu người từ 310 USD năm 1996, lên 760 USD năm 2006, dù đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới chỉ dừng lại ở mức 2,4 tỷ USD/năm trong thời kỳ này.

Bài viết đề cập tới việc Chính phủ Việt Nam đã quan tâm tới hội nhập khu vực và thế giới để tận dụng cơ hội đầu tư và kinh doanh, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế.

Việt Nam tham gia Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 1995 và được hưởng lợi nhờ đầu tư và thương mại với ASEAN thông qua hiệp định AFTA (Tự do mậu dịch ASEAN), và các FTA (Hiệp định tự do thương mại) giữa ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.

Tiếp đó, Việt Nam ký Hiệp định thương mại song phương với Mỹ năm 2000 và yếu tố quyết định cho sự phát triển kinh tế Việt Nam là việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào đầu năm 2007.

[APEC 2017: Chung tay để tăng trưởng toàn cầu lan tỏa rộng rãi]

Tác giả Edmund Sim chỉ rõ kể từ sau APEC 2006, kinh tế Việt Nam đã ghi nhận những thay đổi đáng kể nhờ những chính sách thu hút đầu tư cùng các FTA song phương và đa phương, đối tác thương mại của Việt Nam không chỉ gói gọn trong khu vực Đông Nam Á mà mở rộng trên toàn thế giới với những hiệp định thương mại lớn với nhiều nước và nhiều khối nền kinh tế, trong đó phải kể đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Kết quả của việc gia tăng hội nhập kinh tế là Việt Nam đã đa dạng hóa được thị trường xuất khẩu. Tác giả dẫn số liệu thống kê của Liên hợp quốc, cho biết thặng dư xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015 là 162 tỷ USD.

Hai mươi năm sau khi dỡ bỏ cấm vận, hiện nay, Mỹ là thị trường lớn nhất của Việt Nam. Liên minh châu Âu (EU) là thị trường lớn thứ hai, tiếp đến là ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản. Kinh tế tăng trưởng cùng với hội nhập.

Theo số liệu của WB, năm 2016, GDP đạt 203 tỷ USD, gấp 3 lần so với 2006. Riêng FDI tăng 4 lần, lên 11,8 tỷ USD vào năm 2015, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang chú ý đến Việt Nam.

Theo bài báo, những thành tựu kinh tế của Việt Nam sau 11 năm kể từ Hội nghị cấp cao APEC 2006 là đáng nể với những mức tăng trưởng ấn tượng.

Tuy nhiên, tác giả bài viết cũng nêu rõ Việt Nam cũng đang đối mặt không ít khó khăn và thách thức trong bối cảnh bảo hộ thương mại đang nổi lên, hàng rào thuế tại một số nước gây khó khăn cho hàng hóa, và tương lai chưa chắc chắn của TPP do sự thay đổi trong chính sách của Mỹ.

Tác giả nhận định khác với 11 năm trước kể từ APEC 2006, một sự hội nhập phi tập trung không phải là giải pháp cho mọi nhu cầu phát triển kinh tế còn lại của Việt Nam, bởi vậy, Việt Nam cần có chính sách rõ ràng, kịp thời và đúng hướng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục