Đầu tư phát triển bộ vi xử lý và thiết bị mạng 5G tại Việt Nam

Thứ trưởng Phan Tâm đề xuất Cục Tần số Vô tuyến điện nghiên cứu thêm cấp phép tần số thử nghiệm cho các doanh nghiệp sản xuất thiết bị 5G mà không phải là nhà mạng.
Đầu tư phát triển bộ vi xử lý và thiết bị mạng 5G tại Việt Nam ảnh 1Quang cảnh tọa đàm. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ngày 30/10, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Tọa đàm về “Định hướng, giải pháp phát triển chipset và thiết bị mạng 5G tại Việt Nam”. Buổi tọa đàm là cơ hội để đại diện các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông đi đầu của Việt Nam, các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về khả năng hợp tác trong lĩnh vực sản xuất bộ vi sử lý (chipset) 5G và các thiết bị sử dụng công nghệ 5G.

Chủ trì tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có thông điệp quan trọng phát triển doanh nghiệp công nghệ trong nước cũng như chủ trương phát triển các sản phẩm, công nghệ “made in Vietnam” với hàm ý là Việt Nam cần có nhiều doanh nghiệp công nghệ làm chủ các khâu sáng tạo, thiết kế và chế tạo các sản phẩm công nghệ.

Đầu tư phát triển bộ vi xử lý và thiết bị mạng 5G tại Việt Nam ảnh 2Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Minh Tâm chủ trì tọa đàm. (Ảnh:Minh Quyết/TTXVN)

Mới đây, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư," dự thảo "Chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam đến 2030" đều nhấn mạnh đến việc phát triển doanh nghiệp công nghệ bởi đây con đường phát triển tất yếu của Việt Nam để có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và có một nền kinh tế hiện đại, tự chủ.

Đồng hành với quyết tâm của Chính phủ, các tập đoàn, công ty công nghệ thông tin, viễn thông lớn tại Việt Nam đã bắt tay vào lĩnh vực 5G.

Tuy nhiên, để bắt tay vào lĩnh vực công nghệ cao, Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị các đơn vị quan tâm đến việc đầu tư, phát triển công nghệ 5G tích cực hợp tác với nhau để thực hiện mục tiêu phát triển thành công chipset 5G cũng như các thiết bị sử dụng mạng 5G tại Việt Nam. 

[Cisco: Việt Nam sẽ có hơn 6,3 triệu thuê bao 5G vào năm 2025]

Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel cho biết, Viettel đã phối hợp với các nhà cung cấp để nghiên cứu, tự sản xuất thiết bị 5G (gồm các trạm thu phát sóng 5G, hệ thống mạng lõi để hỗ trợ cho 5G, thiết bị đầu cuối 5G).

Viettel đã thành lập nhóm nghiên cứu phát triển công nghệ 5G từ năm 2015. Viettel đặt mục tiêu đến năm 2019 sẽ hoàn thành chế thử trạm phát sóng 5G phiên bản 1, thử nghiệm mạng lưới trạm 5G vào năm 2020 và sẵn sàng thương mại sản phẩm vào năm 2021.

Ông Ngô Hoàng Anh, Trưởng phòng Phần mềm nhúng, Viện Nghiên cứu Thiết bị Viễn Thông, Công ty VinSmart, thuộc Tập đoàn Vingroup cho biết: “Chúng tôi đang tập trung nghiên cứu và sẽ sản xuất các hệ thống thiết bị 5G, internet kết nối vạn vật (internet of things - IoT).

Đồng thời, chúng tôi đã xây dựng phòng thí nghiệm (lab) để hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển điện thoại 5G và các thiết bị viễn thông 5G. Dự kiến, đến tháng 7/2020 sẽ có sản phẩm điện thoại 5G đầu tiên ra mắt. Đến tháng 8/2020 chúng tôi sẽ bắt đầu thử nghiệm các thiết bị viễn thông 5G. Hiện nay VinSmart cũng đã làm việc với các công ty Cisco, Intel để phát triển các thiết bị mạng 5G.” 

Đầu tư phát triển bộ vi xử lý và thiết bị mạng 5G tại Việt Nam ảnh 3Đại diện tập đoàn Vingroup trình bày tham luận tại toạ đàm. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Đại diện Tập đoàn Công nghệ FPT chia sẻ về định hướng đưa nguồn nhân lực FPT ra nước ngoài để làm việc và học hỏi các yếu tố xung quanh công nghệ 5G trong khoảng 5 năm.

Đội ngũ kỹ sư này sẽ là nguồn nhân lực chính để FPT khai thác trong quá trình nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ 5G mang thương hiệu Việt Nam.

Với những đặc điểm khác biệt về cả công nghệ và kiến trúc mạng lưới so với các mạng di động thế hệ trước, để có thể triển khai mạng 5G thành công, cần có một lực lượng nghiên cứu phát triển mạnh, có thể làm chủ và tham gia vào hệ sinh thái 5G (từ mạng lưới, nền tảng platform kết nối cung cấp dịch vụ, ứng dụng trên nền 5G, an ninh, an toàn).

Đầu tư phát triển bộ vi xử lý và thiết bị mạng 5G tại Việt Nam ảnh 4Ông Jamie Schaeffer, chuyên gia Tập đoàn Global Foundries trình bày tham luận "Công nghệ và xu hướng phát triển chíp và thiết bị mạng 5G."( Ảnh: Minh Quyết / TTXVN)

Do vậy, để phát triển thành công công nghệ 5G, các doanh nghiệp đều đề cao vấn đề hiện Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ 5G.

Để giải quyết vấn đề ngày, đại diện trường các cơ sở đào tạo kỹ sư công nghệ đề xuất đến việc phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để giảm chi phí đào tạo, nâng cao chất lượng kỹ sư…

Tại Tọa đàm, đại diện các đơn vị chia sẻ thực trạng, khó khăn của đơn vị trong việc nghiên cứu, phát triển công nghệ mới, công nghệ vi mạch.

Đại diện nhiều doanh nghiệp giới thiệu dự án, định hướng của đơn vị, nêu kiến nghị đối với các cơ quan quản lý để cùng hợp tác tìm giải pháp xây dựng và phát triển thiết bị, công nghệ 5G phục vụ cho việc xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam/. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục