Dịch COVID-19 tại Philippines và Indonesia ngày càng phức tạp

Việc số ca mắc COVID-19 tăng nhanh trở lại đã khiến lãnh đạo ở thủ đô Manila của Philippines phải áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm cho đến cuối tháng Ba.
Dịch COVID-19 tại Philippines và Indonesia ngày càng phức tạp ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Marikina, Philippines. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 12/3, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này đã ghi nhận thêm 4.578 ca mắc COVID-19. Đây là số ca mới mắc trong ngày cao nhất trong gần sáu tháng qua, nâng tổng số ca bệnh ở quốc gia Đông Nam Á lên 611.618 ca.

Tính đến nay, Philippines có tổng cộng 12.694 ca tử vong do dịch bệnh này sau khi có thêm 87 ca tử vong trong ngày.

Việc số ca mắc COVID-19 tăng nhanh trở lại đã khiến lãnh đạo ở thủ đô Manila phải áp đặt lệnh giới nghiêm vào ban đêm cho đến cuối tháng Ba.

Cùng ngày, Viện Sinh học phân tử Eijkman của Indonesia cho biết 48 ca nhiễm đột biến N439K của biến thể virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Nam Phi đã được phát hiện tại Indonesia từ cuối năm 2020.

Số ca nhiễm nói trên được phát hiện từ kết quả kiểm tra 547 mẫu bệnh phẩm bằng phương pháp giải trình tự gene (WGS) và đã được thông báo cho tổ chức Sáng kiến toàn cầu chia sẻ dữ liệu cúm (GISAID).

[Indonesia đặt mục tiêu hoàn tất chiến dịch tiêm chủng trong năm 2021]

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN tiếng Indonesia, Giám đốc Viện Eijkman, ông Amin Soebandrio cho hay các ca nhiễm đột biến N439K đã được các nhà nghiên cứu của Viện Eijkman, Đại học Indonesia, Viện Khoa học Indonesia (LIPI), Viện Công nghệ Bandung, Đại học Airlangga, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển thuộc Bộ Y tế phát hiện từ tháng 11 và 12 năm ngoái.

Tuy nhiên, ông Amin không tiết lộ về các địa phương phát hiện các ca nhiễm đột biến N439K và bày tỏ lo ngại rằng đột biến này có thể sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện đang được lưu hành.

Trước đó, Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Indonesia (IDI) Daeng M. Faqih đã lên tiếng cảnh báo về khả năng lây nhiễm của đột biến N439K - vốn được cho là “thông minh hơn” các đột biến khác.

Hôm 2/3, Bộ Y tế Indonesia cũng thông báo đã phát hiện hai ca đầu tiên nhiễm biến thể B.1.1.7 của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên ở Anh, đúng thời điểm một năm Indonesia ghi nhận các ca mắc COVID-19 đầu tiên.

Bộ trưởng Nghiên cứu và Công nghệ Bambang Brodjonegoro cho rằng việc phát hiện biến thể mới này của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm trầm trọng thêm đại dịch COVID-19 tại Indonesia và có thể khiến các bệnh viện thêm quá tải.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) ngày 12/3 cho biết số ca mắc COVID-19 ở châu lục này đã lên tới 3.996.741 ca, trong khi số ca tử vong lên tới 106.743 ca và 3.578.073 bệnh nhân đã hồi phục.

Những nước chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh về số ca nhiễm có Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ai Cập, Ethiopia.

Theo Africa CDC, Nam Phi đến nay có tổng cộng 51.015 ca tử vong do COVID-19, trở thành nước có số ca tử vong cao nhất ở châu Phi.

Mới đây, Giám đốc Africa CDC John Nkengasong cho biết các nước châu Phi đang đương đầu với thách thức nghiêm trọng do những nước này đang rất cần vaccine ngừa COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục