Dịch COVID-19: Số ca mắc bệnh tại Đức vượt quá 84.000 người

Ba bang có số ca nhiễm cao nhất là Bayern với 19.000 ca và 277 ca tử vong, Nordrhein-Westfalen với trên 17.000 ca, 197 ca tử vong) và Baden-Württemberg với trên 14.500 ca nhiễm, 241 ca tử vong.
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Berlin, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Berlin, Đức. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến 7 giờ sáng 3/4 (giờ Việt Nam), trên cả nước Đức đã ghi nhận 1.107 trường hợp tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, 84.794 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và trên 22.000 người đã khỏi bệnh.

Phóng viên TTXVN thường trú tại Đức đưa tin, ba bang có số ca nhiễm cao nhất là Bayern với 19.000 ca và 277 ca tử vong, Nordrhein-Westfalen với trên 17.000 ca, 197 ca tử vong) và Baden-Württemberg với trên 14.500 ca nhiễm, 241 ca tử vong.

Số người mắc COVID-19 ở thủ đô Berlin đang tiếp tục tăng, lên gần 3.000 trường hợp và 19 ca tử vong.

Trong khi đó, Viện Dịch tễ liên bang Đức Robert Koch (RKI) đã bất ngờ thay đổi quan điểm trong việc đeo khẩu trang, theo hướng ủng hộ việc sử dụng đồ bảo hộ này nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm.

Trang web của RKI đã ra khuyến cáo mọi người nên đeo khẩu trang phòng ngừa ngay cả khi người đó không có triệu chứng bị bệnh và việc đeo khẩu trang có thể giúp làm giảm nguy cơ lây lan virus cho người khác.

Trước đây, RKI chỉ khuyến cáo việc dùng khẩu trang cho những người mắc bệnh hô hấp cấp tính.

Theo RKI, không phải ai nhiễm SARS-CoV-2 cũng nhận biết được mình đã nhiễm virus hay chưa. Nhiều người nhiễm bệnh không hề có biểu hiện gì đã vô tình lây lan virus cho người khác.

Do vậy, những quy định ứng xử liên quan đến việc ho, hắt hơi, rửa tay và giữ khoảng cách tối thiểu với nhau cũng nên kèm với việc đeo khẩu trang.

[Dịch COVID-19: Số ca mắc bệnh trên toàn cầu vượt mốc 1 triệu người]

Theo thăm dò, đa số người Đức được hỏi (57%) ủng hộ việc đeo khẩu trang để chống sự lây lan của virus. Tuy nhiên, hiện việc đeo khẩu trang ở Đức còn là vấn đề tranh cãi giữa liên bang, các bang vả cả giới chuyên gia, một phần là do tình trạng cực kỳ khan hiếm khẩu trang hiện nay và khẩu trang chưa được trang bị đầy đủ cho các cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe.

Hiện việc đeo khẩu trang ở nhiều nước, như Israel, Việt Nam... là bắt buộc khi ra nơi công cộng. Tại Đức, đã có thành phố Jena và huyện Nordhausen ở bang Thüringen bắt buộc đeo khẩu trang ở các cửa hàng, siêu thị, giao thông công cộng và các tòa nhà trên địa bàn.

Trong một diễn biến liên quan, tập đoàn Siemens vừa thông báo phát triển thành công bộ thử virus cho kết quả trong chưa đầy 3 giờ.

Hiện Siemens đang nộp đơn lên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để xin giấy phép sử dụng thiết bị này cho các bệnh viện và cơ sở y tế.

Trước đó, hãng Bosch của Đức cũng đã thông báo sản xuất được bộ thử virus cho kết quả trong khoảng 2,5 giờ.

Theo thông báo của RKI, tại Đức đã có trên 2.300 y bác sỹ mắc COVID-19, song con số thực tế còn có thể cao hơn bởi RKI mới chỉ tính các trường hợp y, bác sỹ ở các bệnh viện, chưa thống kê lực lượng làm việc ở các phòng khám, phòng xét nghiệm, cơ sở chăm sóc sức khỏe, nhà dưỡng lão hay lực lượng làm công tác cứu thương.

Cùng ngày 2/4, cảnh sát liên bang Đức tại bang Saarland đã mở 5 cửa khẩu qua lại với Pháp, song chỉ giới hạn theo giờ, như cửa khẩu giữa xã Großrosseln (bang Saarland) và xã Petite-Rosselle thuộc vùng Grand Est của Pháp được mở từ 5 giờ sáng đến 21 giờ tối. Hai cửa khẩu giữa Đức với Luxemburg cũng đã được mở lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục