Dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Trà Vinh diễn biến phức tạp

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm cho biết, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh tại nhiều địa phương.
Dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Trà Vinh diễn biến phức tạp ảnh 1Lực lượng thú y vệ sinh tiêu độc khử trùng tại ổ dịch. (Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)

Sáng 6/7, tại cuộc họp về tình hình dịch bệnh và phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi và cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh do Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh tổ chức, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Văn Lâm cho biết, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh tại nhiều địa phương.

Đáng lo ngại là đến nay, dịch bệnh này vẫn chưa có vắcxin phòng bệnh và thuốc điều trị bệnh nên khả năng chết do mắc bệnh lên đến 100%. Sáng 6/7, tỉnh Trà Vinh có thêm huyện Duyên Hải phát sinh dịch bệnh này khiến toàn tỉnh đã có 4 huyện, thị xã có dịch tả lợn châu Phi, gồm huyện Càng Long, huyện Cầu Ngang, thị xã Duyên Hải và huyện Duyên Hải.

Bà Nguyễn Ngọc Hài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh Trà Vinh xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên ngày 3/6 tại đàn lợn 17 con của hộ bà Lê Hồng Dân, xã Huyền Hội, huyện Càng Long.

Đến ngày 7/6, huyện Cầu Ngang phát sinh ổ dịch tại 2 hộ dân với tổng đàn 47 con ở xã Thuận Hòa và Long Sơn. Thị xã Duyên Hải phát hiện ổ dịch đầu tiên tại khóm Phước Bình, phường 2 với tổng đàn 19 con vào ngày 2/7. Đến 6/7, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại huyện Duyên Hải.

Tại huyện Càng Long, Cầu Ngang và thị xã Duyên Hải, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra trên 58 hộ ở 22 ấp thuộc 9 xã. Ngành chức năng đã tiêu hủy 1.366 con lợn với tổng khối lượng hơn 74 tấn.

Trước tình hình trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tăng cường các giải pháp khống chế dịch bệnh không để lây lan diện rộng, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi.

Ngoài ra, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi và môi trường chăn nuôi của các xã vùng dịch, vùng uy hiếp và vùng đệm đúng quy định. Đồng thời tiêu độc, khử trùng phương tiên ra vào ổ dịch; nghiêm cấm vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch.

Các đơn vị duy trì hoạt động 4 chốt kiểm dịch chính của tỉnh và 80 chốt kiểm soát dịch bệnh ở các huyện, phải hoạt động 24/24 giờ để kiểm soát nghiêm tình hình vận chuyển gia súc ra vào địa phương.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh hướng dẫn các địa phương lựa chọn địa điểm tiêu hủy đúng quy định; tăng cường kiểm tra, kiểm soát môi trường tại các khu vực có gia súc bị tiêu hủy, kịp thời hướng dẫn xử lý ô nhiễm môi trường tại các hố chôn (nếu có).

Các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền về diễn biến dịch bệnh, cách nhận biết, phát hiện và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi. Đặc biệt, các sở, ngành liên qua hướng dẫn các địa phương lập thủ tục hỗ trợ người chăn nuôi có lợn mắc bệnh.

Theo thống kê mới đây của ngành nông nghiệp tỉnh (cuối tháng 6), Trà Vinh có gần 17.000 hộ nuôi lợn với tổng đàn gần hơn 293.000 con. Tuy nhiên trong số này, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán chiếm hơn 80% tổng đàn, nên chưa chú trọng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Trong khi đó, dịch tả lợn châu Phi là bệnh mới, chưa có vắcxin phòng bệnh, lại lây lan nhanh nên việc phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục